Quảng Ninh: Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tàu du lịch

Trước những thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3 (Yagi), tỉnh Quảng Ninh đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long bị đắm, chìm trong bão.

Các doanh nghiệp tàu du lịch bị thiệt hại nặng nề

Bão số 3 đã làm 269 phương tiện tàu, thuyền hoạt động tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị đắm, chìm, trong đó, 28 tàu du lịch hoạt động đưa khách tham quan vịnh Hạ Long. Theo các chủ tàu, ước tính, để sửa chữa một tàu du lịch tham quan vỏ gỗ tốn khoảng 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; tàu tham quan vỏ thép từ 1-10 tỷ đồng. Một số tàu không còn khả năng khôi phục thì phải đóng mới thay thế hoàn toàn với kinh phí lên tới hàng tỷ đồng.

Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, khơi thông các luồng tuyến thủy nội địa đáp ứng nhu cầu phục hồi hoạt động du lịch, giao thương hàng hóa, ngay sau bão, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp tiến hành trục vớt, xác định các vị trí tàu bị chìm để cảnh báo cho phương tiện qua lại… đảm bảo an toàn cho các luồng, tuyến giao thông thủy. Đến nay, đã trục vớt được 9/28 tàu du lịch, trong đó có 2 tàu ngủ đêm.

Nhiều tàu du lịch tại Quảng Ninh bị chìm trong bão dữ Yagi.

Nhiều tàu du lịch tại Quảng Ninh bị chìm trong bão dữ Yagi.

Theo anh Vũ Nguyên Tuyên, một chủ tàu hoạt động trên vịnh Hạ Long chia sẻ: “Một khoản hỗ trợ về vốn vay lúc này thực sự là cần thiết và có ý nghĩa vô cùng to lớn để giúp doanh nghiệp, chủ tàu khởi động lại hoạt động kinh doanh. Quả thật sau gần 3 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các chủ tàu đã sức cùng lực kiệt. Khi hoạt động ổn định lại chưa được bao lâu lại chịu ảnh hưởng quá nặng nề từ bão khiến chúng tôi không có đủ nguồn lực tài chính để xoay sở, vực dậy”.

Ông Trần Văn Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, cho biết: "Chúng tôi rất mong muốn các ngân hàng sẽ vào cuộc đồng hành hỗ trợ cho các doanh nghiệp giãn, hoãn nợ để có thể sửa chữa, nâng cấp, đóng mới tàu sớm trở lại hoạt động tạo nguồn thu".

Tại cuộc họp của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh với các doanh nghiệp tàu du lịch trong ngày 27/9, đại diện Hiệp hội tàu du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đã bày tỏ cảm ơn trước sự quan tâm, chỉ đạo khắc phục sau bão của tỉnh Quảng Ninh để hoạt động du lịch sớm trở lại bình thường. Đồng thời, thông tin một số khó khăn như chi phí trục vớt tàu chìm đắm lớn, vốn vay ngân hàng khó tiếp cận, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo nghĩa vụ tài chính với các chính sách thuế và bảo hiểm.

Chính vì vậy, đại diện Hiệp hội tàu du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh có các giải pháp hỗ trợ, kết nối với các đơn vị trục vớt, sửa chữa, đóng mới để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn như giãn, hoãn các khoản nợ, cho vay mới, giảm thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước; hỗ trợ thủ tục pháp lý trong cấp giấy chứng nhận, đăng ký phương tiện…

Quảng Ninh đề xuất mở rộng đối tượng hỗ trợ

Sau khi lắng nghe và phân tích các kiến nghị, đề xuất từ doanh nghiệp và đại diện các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy khẳng định: "Đội tàu du lịch là một phần không thể tách rời trong mục tiêu khai thác hiệu quả, bền vững di sản, kỳ quan vịnh Hạ Long. Đội tàu đã từng bước được nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng bộ, hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa".

Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tàu du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tàu du lịch.

Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo khắc phục ngay sau bão. Tuy nhiên, một số nội dung như hỗ trợ chi phí trục vớt tàu trong các quy định, chính sách Nhà nước chưa có điều mục này. Với tính chất đặc thù, Quảng Ninh đã báo cáo, đề xuất Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn, bổ sung, mở rộng đối tượng hỗ trợ để các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch một phần chi phí trục vớt, khắc phục thiệt hại phương tiện thủy bị chìm, đắm do cơn bão số 3.

Đối với đề xuất tiếp cận nguồn vốn, UBND tỉnh đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đề nghị giãn, hoãn các khoản nợ, cho vay mới theo hình thức tín chấp. Hiện các tổ chức tín dụng vẫn đang triển khai các bước để hướng dẫn cụ thể cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tiếp cận vốn. Các đơn vị khác cũng đã thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cũng đề nghị các doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, mở rộng, khai thác hiệu quả giá trị cảnh quan đặc sắc của vịnh Hạ Long theo hướng bền vững, bằng việc rà soát, nghiên cứu, đưa thêm các sản phẩm du lịch mới vào khai thác; cần quan tâm các vấn đề hạ tầng; đảm bảo môi trường, bảo vệ cảnh quan. Trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh gợi ý có thể triển khai thí điểm một số tuyến tham quan mới; khẩn trương ban hành các quy chế, quy định mới trong quản lý hoạt động của tàu du lịch nhằm đáp ứng, phù hợp với mục tiêu phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

HĐND tỉnh Quảng Ninh vừa thông qua nghị quyết về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Yagi trên địa bàn. Theo đó, tàu thuyền từ 12 m trở lên bị bão đánh chìm thì chủ nhân được hỗ trợ 50 triệu đồng; thuyền từ 6 m đến 12 m được nhận 15 triệu đồng để trục vớt. Tuy nhiên, Nghị quyết chưa đề cập chính sách hỗ trợ cho các tàu du lịch và tàu vận tải. Các tàu đã mua bảo hiểm thân vỏ, không chấp hành nghiêm túc quy định phòng chống bão, hoặc không neo đậu đúng nơi quy định sẽ không được hỗ trợ. Việc chi trả sẽ hoàn thành trong tháng 11/2024.

Tiến Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-tim-giai-phap-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-tau-du-lich-160523.html
Zalo