Quảng Ninh thúc đẩy phát triển kinh tế di sản
Ngày 21/12, tại huyện Vân Đồn, Quảng Ninh đã diễn ra Hội thảo khoa học - thực tiễn 'Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh'.
Quảng Ninh là tỉnh ven biển, biên giới thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, có diện tích đất liền trên 6.100km2 và diện tích biển trên 6.100km2 với 2.077 hòn đảo đá, đất, 250km bờ biển. Điều kiện tự nhiên phong phú đa dạng. Theo thống kê đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 630 di tích, trong đó có 08 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh và hơn 400 di tích đã được kiểm kê; 362 di sản văn hóa phi vật thể.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản. Nhưng đây là một lĩnh vực mới, nên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được thảo luận. Hội thảo diễn ra với mục tiêu góp phần thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, đồng thời, trên cơ sở đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển kinh tế di sản tại tỉnh Quảng Ninh để đưa ra các định hướng, giải pháp phát triển nguồn lực này trong thời gian tới.
Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ những yếu tố “thiên tạo” và “nhân tạo” như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vùng mỏ, địa chất, địa mạo, di sản Yên Tử gắn với Phật phái Trúc Lâm, mạng lưới 630 di tích lịch sử - văn hóa; yếu tố thuộc về cốt cách, con người Quảng Ninh, nhất là truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của Vùng Mỏ anh hùng.
Những yếu tố này không chỉ tạo cơ hội phát triển dịch vụ tổng hợp ngày càng giữ vai trò chủ đạo mà phát triển du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo nền tảng xây dựng một nền kinh tế di sản bền vững. Điều này không chỉ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, du lịch và xã hội.
Dù có nhiều thành tựu, nhưng trong quá trình phát triển Quảng Ninh cũng đối mặt với không ít thách thức, nhất là biến đổi khí hậu, áp lực từ du lịch và việc quản lý chưa đồng bộ đang ảnh hưởng đến các di sản.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh mong rằng thông qua hội thảo sẽ bổ sung cho Quảng Ninh những tầm nhìn mới, góc nhìn mới, hiểu biết mới cũng như những kinh nghiệm quý báu về phát triển kinh tế di sản và định hướng phát triển kinh tế di sản tại địa phương trong thời gian tới.
Đặc biệt, những ý kiến đóng góp tại hội thảo cũng sẽ là các luận chứng xác đáng, thực tiễn sinh động góp phần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của tỉnh để bổ sung, hoàn thiện văn kiện Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, nhiệm kỳ 2025 - 2030 với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh giàu mạnh, văn minh, hiện đại, hạnh phúc, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, thiết thực kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045 là một trong những đầu tàu thúc đẩy kinh tế quốc gia; tạo nền tảng vững chắc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Thời gian qua, các di sản văn hóa và thiên nhiên đã phát huy vai trò quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Nhìn từ Quảng Ninh, thực tiễn phát triển kinh tế di sản trong thời gian qua đã cho thấy tư duy đi trước, để lại nhiều kinh nghiệm quý cho các địa phương trong cả nước. Rõ nét nhất, Quảng Ninh đã thể hiện tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược về một mô hình phát triển bền vững từ các quy hoạch chiến lược, gắn liền với quá trình chuyển đổi từ "nâu" sang “xanh". Kinh nghiệm của Quảng Ninh trong bảo tồn, phát triển các di sản trở thành động lực phát triển, bài học có giá trị đối với các địa phương khác trên cả nước.
Từ thực tiễn, ông Nguyễn Xuân Thắng cũng chỉ ra ở một số nơi vai trò của di sản là nguồn lực, động lực cho phát triển chưa được nhận thức đầy đủ, chưa xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển, nhất là trong liên kết vùng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa về cơ bản vẫn được xem là một nhiệm vụ của ngành văn hóa.
Tại hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị các nhà khoa học, đại biểu tập trung thảo luận làm sáng tỏ nhận thức về kinh tế di sản là một động lực quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò của các chủ thể trong phát triển kinh tế di sản; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về nguồn lực phát triển kinh tế di sản; làm sâu sắc hơn những kinh nghiệm phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh có thể nhân rộng ra cả nước.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý ở các lĩnh vực khác nhau, với gần 80 bài tham luận. Các bài viết được đánh giá là có sự đầu tư công phu, có chất lượng tốt, giàu hàm lượng khoa học, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đã kiến giải sâu sắc, nhiều chiều các nội dung của hội thảo.
Thảo luận trực tiếp tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ vị trí, vai trò, những yếu tố ảnh hưởng và kinh nghiệm các địa phương, quốc gia trên thế giới trong phát triển kinh tế di sản. Đồng thời, cũng phân tích thực trạng phát triển kinh tế di sản tại tỉnh Quảng Ninh, làm rõ những điểm nghẽn, các mâu thuẫn, lực cản trong phát triển kinh tế di sản. Từ đó, đề xuất các giải pháp, kiến nghị để tỉnh Quảng Ninh phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực kinh tế di sản.
Một trong số giải pháp được đưa ra đó là: cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; hoàn thiện và bổ sung các văn bản luật, quy chế, quy định ở cấp quốc gia và các cấp chính quyền địa phương để bảo vệ đầy đủ cho di sản thế giới; xây dựng các kế hoạch quản lý phù hợp với sự tham gia của các bên liên quan; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế di sản; đổi mới, phát triển sản phẩm, dịch vụ kế hợp di sản đầu tư nguồn lực con người và nguồn lực tài chính cho bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản; v.v.v…
Tại hội thảo, những ý kiến tâm huyết của các đại biểu thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đổi mới cơ chế, chính sách để tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung phát triển hiệu quả kinh tế di sản, góp phần tạo động lực tăng trưởng mới, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.