Cây đổ la liệt khắp phố, Hà Nội và các địa phương khẩn trương thu dọn
Ngay trong đêm 7/9 và sáng nay, Hà Nội và các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 đã và đang khẩn trương thu dọn với phương châm đảm bảo an toàn, giao thông được thông suốt.
05:20
Cục Hàng không Việt Nam vừa quyết định kéo dài thời gian ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay tại Cảng HKQT Vân Đồn, Cát Bi và Nội Bài. Theo đó, thời gian ngừng tiếp thu tàu bay tại Cảng HKQT Vân Đồn, Cát Bi sẽ được kéo dài đến 20h ngày 7/9, tại Cảng HKQT Nội Bài đến 24h ngày 7/9.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã tiếp tục ra Công điện yêu cầu các đơn vị có liên quan tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão, cũng như chủ động ứng phó cơn bão số 3 và khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão.
Thời gian ngừng tiếp thu tàu bay tại Cảng HKQT Vân Đồn, Cát Bi là đến 20h ngày 7/9, tại Cảng HKQT Nội Bài đến 24h ngày 7/9.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung, chỉ đạo của của Cục tại các công điện về việc triển khai phương án phòng chống, ứng phó cơn bão số 3 (bão Yagi).
05:27
Phóng viên Vũ Miền/VOV-Đông Bắc đang có mặt tại Quảng Ninh thông tin, bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh từ 10h ngày hôm qua 6/9, khủng khiếp nhất là khoảng thời gian từ 12h trưa đến 16h chiều. Sức gió mạnh nhất đo được thời điểm bão đổ bộ tại Quảng Ninh là cấp 14, giật cấp 17, gây thiệt hại nặng nề cho địa phương.
Theo thông tin sơ bộ ban đầu, bão số 3 làm người tử vong, 157 người bị thương, nhiều tàu thuyền, phương tiện vận chuyển khách tham quan các vịnh bị nhấn chìm. 70% cây xanh đô thị tại Quảng Ninh bị đổ gãy tập trung nhiều ở các địa phương Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả và thị xã Quảng Yên; hàng trăm ha rau màu, rừng trồng của người dân bị phá hủy; rất nhiều nhà dân bị tốc mái, bay cửa kính, lan can..
Đến sáng nay, địa phương vẫn chưa thể có con số thống kê thiệt hại chính xác do toàn tỉnh mất điện trên diện rộng từ trưa ngày hôm qua (6/9), mạng viễn thông bị gián đoạn, tê liệt. Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đã trắng đêm cùng Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 3 lên phương án cấp bách khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các nhà mạng và điện lực Quảng Ninh cần khắc phục ngay tình trạng mất điện, kết nối lại mạng lưới thông tin để có thống kê chính xác kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Ngay trong đêm qua, Ban chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lực lượng, mà nòng cốt là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh bắt đầu tổ chức đi tìm kiếm, cứu hộ tập trung cứu tàu thuyền bị lật, trôi dạt...
05:28
05:41
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính đến 17h ngày 7/9, do ảnh hưởng của bão số 3 đã có 4 người chết (Quảng Ninh ghi nhận 3 người, Hải Dương có 1 người) và 78 người khác bị thương (Quảng Ninh có 58 người, Hải Phòng ghi nhận 20 người).
Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, tính từ 7h đến 19h ngày 7/9, bão số 3 khiến 1 người thiệt mạng do cây đổ trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy. Nạn nhân tên là Cáp Minh Công (sinh năm 2002, quê tại tỉnh Hưng Yên). 3 người bị thương ở quận Ba Đình, đã được đưa đi cấp cứu. 6 xe máy và 13 ô tô bị hư hỏng do bão.
05:55
Bão số 3 (bão Yagi) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4h ngày 8/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 7, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/h.
Dự báo đến rạng sáng 9/9, áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển trên đất liền đến khu vực Thượng Lào, cường độ còn dưới cấp 6.
Tuy nhiên, tác động của áp thấp nhiệt đới vẫn khiến cho trong ngày 8/9, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) còn có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh.
Trên đất liền, khu vực sâu trong đất liền Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Dự báo, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2,0m - 3,0m. Từ chiều 8/9 sóng giảm dần.
Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn. Khu vực phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa: từ sáng ngày 8/9 đến sáng ngày 9/9, có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm.
Phía Tây Bắc Bộ: từ sáng ngày 8/9 đến sáng 9/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 350mm.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
05:58
Phóng viên Đ. Hưng/VOV.VN dẫn báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, tính đến 19h ngày 7/9, trên địa bàn thành phố có 1 người chết do cây, 3 người bị thương, gãy đổ 2.455 cây xanh, 10 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng 6 xe máy, 13 ô tô; 13 ngôi nhà của dân bị tốc mái; sập đổ một số tường bao, hư hỏng công trình thủy lợi; sự cố mất điện 17 trạm bơm, 15 xã của huyện Thanh Oai bị mất điện. Bão số 3 làm đổ gần 6.145ha lúa, gần 16ha rau màu, 2,2ha cây ăn quả; úng ngập 47ha lúa, 26,5ha rau màu.
06:15
Theo phóng viên Vũ Miền/VOV-Đông Bắc tại Quảng Ninh, về khắc phục hậu quả của bão số 3, Quảng Ninh ưu tiên xử lý các sự cố trên biển đặc biệt là các vụ việc tàu bè bị đứt dây neo, chằng chống đang trôi dạt. Những vụ việc đáng tiếc về con người có thể xảy ra. Sau đó sẽ tập trung lực lượng khắc phục hậu quả các công trình sập đổ, tốc mái, hay trụ sở các cơ quan bị phá hỏng do bão, nhanh chóng thông suốt giao thông, phục vụ các công việc khác của địa phương và nhân dân.
Điều lo lắng nhất của Quảng Ninh hiện nay là hoàn lưu bão số 3 với lượng mưa dự kiến cao kỷ lục từ 150-350mm, cục bộ có thời điểm 500mm sẽ diễn ra trong vài ngày tới. Đây là nguy cơ gây sạt lở - vốn rất phổ biến sau bão tại Quảng Ninh trong nhiều năm qua.
Dự kiến sáng nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục bão số 3 trên địa bàn Quảng Ninh.
06:24
Thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa, tại QL15, QL15C và QL16 đoạn qua địa bàn huyện Mường Lát và Quan Hóa xảy ra tình trạng sạt lở, nứt taluy âm, taluy dương. Cụ thể, do ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa lớn trên địa bản tỉnh Thanh Hóa, tại Km 20+850, QL16 phía trái tuyến qua xã Phú Thanh (huyện Quan Hóa) xuất hiện vết nứt taluy dương, có nguy cơ sạt lở. Chiều dài đoạn nứt khoảng 200m, cao khoảng 15-30m; bề rộng vết nứt khoảng 0,5m đến 1m.
Trong đó, tại Km 64+980 QL15C qua xã Trung Lý (huyện Mường Lát) xuất hiện vết nứt cung trượt chiều dài khoảng 30m. Tại Km 34+600 và Km 35+400 trên tuyến QL16 qua xã Mường Lý (huyện Mường Lát) xuất hiện vết nứt dài khoảng 35m.
Trước nguy cơ xảy ra thảm họa, đơn vị quản lý tuyến đường đã phối hợp với UBND xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa tuyên truyền, cảnh báo, có phương án đối với 12 hộ dân phía ta luy âm của vị trí trên ra khỏi nơi nguy hiểm.
Sở GTVT Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo đơn vị quản lý lắp đặt biển cảnh báo ở 2 đầu vị trí, căng dây an toàn, cử người trực gác 24/24h để theo dõi, hướng dẫn cho người và phương tiện giao thông khi đi qua.
06:30
PV Nguyên Nhung/VOV1 thông tin, đêm qua (7/9), trao đổi với báo chí về tình hình ứng phó với cơn bão số 3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo 30/30 Bí thư quận, huyện, thị ủy tiếp tục theo sát tình hình để bảo đảm an toàn cho dân.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội các quận, huyện, thị ủy, các cấp ủy tổ chức Đảng đã chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, về cơ bản thành phố vẫn bảo đảm tốt các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là giữ an toàn cho người dân. Đánh giá cao cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân đội, công an cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương chủ động triển khai từ sớm, từ xa các phương án phòng, chống bão số 3.
Về các nhiệm vụ trong những ngày tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, bão có thể suy yếu nhưng tình hình thời tiết do ảnh hưởng trong những ngày tới vẫn rất đáng lo ngại. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn sức khỏe tính mạng của nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và nhà nước. Tập trung bảo vệ những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, những địa bàn xung yếu, những nơi có nguy cơ mất an toàn đối với người dân. Huy động sự vào cuộc của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, đoàn thể, nhất là đoàn viên thanh niên, phụ nữ quan tâm chăm sóc, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm và các vận dụng thiết yếu khác khi cần thiết; quyết tâm không để người dân nào bị đói, bị rét, không để ai bị bỏ lại phía sau. Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan duy trì nguồn cung hàng hóa không để xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến...
Các lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục các sự cố, hậu quả do bão gây ra để bảo đảm duy trì hoạt động thông suốt của hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc...; duy trì lực lượng ứng trực 24/24h hỗ trợ kịp thời đối với người dân và xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn thành phố.
06:36
PV Phi Long/VOV.VN từ Thái Bình cập nhật thông tin: Tối 7/9, ngay sau khi bão số 3 giảm cường độ, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại thành phố Thái Bình.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Thái Bình, chiều 7/9, tâm bão số 3 đi vào đất liền giữa Quảng Ninh - Hải Phòng; cường độ bão mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 16. Mặc dù tỉnh Thái Bình không nằm trong vùng tâm bão nhưng do đây là cơn bão rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng nên khi bão đổ bộ đã gây thiệt hại lớn tại địa phương. Thời điểm bão đổ bộ, sức gió ghi nhận tại Trạm Khí tượng Thái Bình mạnh cấp 9, giật cấp 10; tại Trạm Thủy văn Ba Lạt gió mạnh cấp 9, giật cấp 12, biển động dữ dội; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, bước đầu trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại về người do mưa, bão; các công trình đê điều bảo đảm an toàn. Tuy nhiên nhiều công trình, tài sản, hoa màu bị thiệt hại. Đặc biệt, do ảnh hưởng của gió mạnh kèm theo mưa lớn diện rộng liên tục trong nhiều giờ khiến nhiều cây xanh, cột điện bị gãy đổ ngang đường; một số tuyến đường bị ngập lụt gây ùn tắc giao thông cục bộ; nhiều nhà dân, xưởng sản xuất lợp tôn bị tốc mái…
Cùng với đó, bão số 3 đã gây ra sự cố về hạ tầng lưới điện của tỉnh, trong đó có 4 đường dây 110kV và 3 trạm biến áp 110kV, trên 80 lộ đường dây trung áp khiến khoảng 570.000 khách hàng bị mất điện…
Chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đánh giá cao các cấp ủy, chính quyền thành phố Thái Bình và các đơn vị liên quan đã tập trung huy động lực lượng, khẩn trương khắc phục hậu quả của bão.
06:42
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu lực lượng chức năng sớm giải tỏa cây cối, vật cản gây ùn tắc tại các tuyến đường giao thông; đề nghị thành phố nói riêng, các địa phương trong tỉnh nói chung khẩn trương thống kê, rà soát thiệt hại do bão gây ra và khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại; hỗ trợ người dân lương thực, thực phẩm, bảo đảm đời sống trong thời gian tránh trú do mưa bão.
Các lực lượng chức năng, lực lượng vũ trang phối hợp các lực lượng tại chỗ của địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão gây ra, tổ chức cắt cây, di dời khỏi vị trí để bảo đảm giao thông thông suốt, ưu tiên các tuyến giao thông chính của tỉnh.
Tuy nhiên, ông Thận nhấn mạnh, việc khắc phục hậu quả do bão gây ra là hết sức cần thiết và khẩn trương, kịp thời nhưng quá trình triển khai thực hiện phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người cho lực lượng tham gia khắc phục hậu quả của bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị Công ty Điện lực Thái Bình huy động tối đa nhân lực, phương tiện, thiết bị vật tư, nhân lực để nhanh chóng khôi phục cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất, phục vụ đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão.
06:50
PV Hoàng Yến/VOV.VN tại Hà Nội cho biết, ngã tư phố Gia Quất với Ngọc Lâm, có một cây lớn bật gốc chắn hết đường đi. Dọc đường Ngọc Lâm lối vào và ra bến xe Gia Lâm cây đổ chắn ngang đường (chủ yếu là phượng) khiến taxi, xe buýt không thể lưu thông, xe máy phải leo lên vỉa hè để di chuyển.
07:24
07:29
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn thành phố Hà Nội vừa có báo cáo nhanh về công tác triển khai ứng phó với bão số 3, theo đó tính từ 7h đến 19h ngày 7/9, trên địa bàn Thành phố có 1 người thiệt mạng do cây đổ trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy; 3 người bị thương ở quận Ba Đình, đã được đưa đi cấp cứu.
Về tình hình ngập úng, tại khu vực nội thành, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội: Đến thời điểm 19h ngày 7/9, trên địa bàn Thành phố không có điểm úng ngập.
Khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến thời điểm 19h ngày 7/9, mưa lớn làm cho 47 ha diện tích lúa, 26,5 ha rau màu bị ngập; 6.144,5 ha lúa, 15,93 ha rau màu bị đổ; 2,2 ha cây ăn quả bị thiệt hại.
Về tình hình cây đổ, cành gãy: theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến 19h có 2.455 cây đổ và 273 cành gãy. Có 5 hộ dân bị tốc mái nhà lợp tôn, đổ 60m tường bao (thị xã Sơn Tây); 3 nhà bị tốc mái (quận Ba Đình); 20m tường nhà dân bị đổ (quận Bắc Từ Liêm); sập mái nhà cấp 4 (Quận Hai Bà Trưng); đổ 35m tường bao, sập đổ 1 bếp nhà dân, 1 nhà dân tốc mái tôn (huyện Ba Vì); 20m tường bao nhà dân bị đổ (huyện Chương Mỹ); khoảng 240 m tường bao bị đổ, 3 nhà tôn sập (huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Hoài Đức); thiệt hại 170 con gia cầm (huyện Ba Vì).
07:37
PV Văn Ngân, Nguyễn Hà/VOV.VN tại Nam Định thông tin, ngay trong đêm 7, rạng sáng 8/9, lực lượng chức năng của tỉnh Nam Định dầm mình trong mưa, khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Trước đó vào chiều tối và đêm 7/9, bão số 3 đổ bộ qua tỉnh Nam Định với sức gió mạnh cấp 10, cấp 11 đã khiến hàng loạt cây xanh trên địa bàn bị ngã đổ, ảnh hưởng đến giao thông.
Trung tá Vũ Đức Đạt - Đội trưởng Đội CSGT công an huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) cho biết, để ứng phó với bão số 3 đơn vị bố trí ứng trực 100% quân số. Trong đó, lực lượng đã chủ động tuần tra các tuyến đường, chủ động phát hiện những cây xanh có nguy cơ gãy đổ,... phối hợp với Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Hải Hậu tổ chức lực lượng đi cắt tỉa, dọn dẹp, hướng dẫn phân luồng giao thông, đảm bảo giao thông được thông suốt. Đảm bảo an toàn giao thông và trật tự đô thị.
07:46
07:49
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua (7/9), sau khi đi sâu vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 1 giờ ngày 8/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 9, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/h.
Ở Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; đảo Cồn Cỏ có gió giật cấp 7; đảo Hòn Dấu có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11-12; đảo Phú Quý có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; đảo Phú Quốc có gió giật cấp 7-8.
Dự báo, ngày và đêm 08/9, vịnh Bắc Bộ; vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, khu vực Nam Biển Đông, vùng từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
07:52
PV Đ. Hưng/VOV.VN tại Hà Nội cho biết, sau bão phố phường Hà Nội tan hoang cây cối đổ rạp. Dọc hai bên đường các tuyến phố Kim Ngưu, Thanh Nhàn cây cối bật gốc. Tường rào công viên Tuổi Trẻ Thủ đô đổ nghiêng. Phố Võ Thị Sáu phương tiện không thể lưu thông vì bị cây xanh, cột đèn đổ ngã chắn ngang toàn bộ đường. Lực lượng chức năng đang khẩn trương xử lý để giải tỏa sớm nhất.
07:54
Công nhân công ty công viên cây xanh xử lý cây đổ ngang đường phố Võ Thị Sáu
08:10
Phóng viên Thanh Nga/VOV Đông Bắc đưa tin: Đêm qua (7/9), tại Sở chỉ huy tiền phương chống bão số 3 đặt tại TP Hải Phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có cuộc họp với các địa phương về tình hình, ảnh hưởng của bão tại các địa phương và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương và các bộ, ngành tại cuộc họp, bão số 3 đã gây ra thiệt hại về người và tài sản tại một số địa phương. Theo thống kê sơ bộ đã có 7 người tử vong (trong đó, Hà Nội: 3 người, Quảng Ninh: 3 người và Hải Dương: 1 người); hơn 70 người bị thương. Nhiều tàu thuyền trên địa bàn Quảng Ninh, Hải Phòng bị đánh chìm, đứt neo trôi dạt trong mưa bão. Bão số 3 đã gây mất điện trên diện rộng tại các tỉnh thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương; nhiều ngôi nhà ở bị hư hỏng, tốc mái; hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ.
Chia sẻ với những thiệt hại của các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách cần triển khai ngay là khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra. Đối với các địa phương ven biển như: Hải Phòng, Quảng Ninh…
Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương phải sớm nắm bắt tình hình, chủ trì, phối hợp với các lực lượng, như: Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, lực lượng Tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn… tổ chức các đoàn tìm kiếm tàu thuyền và ngư dân mất tích. Cùng với đó, các địa phương cần có các phương án, khẩn trương hỗ trợ hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão.
08:10
Liên quan đến hạ tầng giao thông, liên lạc và điện bị ảnh hưởng do bão số 3, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty EVN, Bộ Công thương chỉ đạo các Tổng công ty điện lực và công ty điện lực của các địa phương bắt tay ngay vào khắc phục thiệt hại, sớm khôi phục điện cho các địa phương. Các địa phương phải khoanh vùng các khu vực xung yếu trong phát triển kinh tế, đặc biệt là sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng do sự cố mất điện và có kế hoạch điều phối để sớm cung cấp điện trở lại, để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Đối với các địa phương bị ảnh hưởng trong sản xuất nông nghiệp, cần phối hợp với lực lượng quân đội, huy động trang thiết bị, máy phát điện để bơm tiêu thoát nước, chống úng cho diện tích lúa, hoa màu bà con nông dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý các địa phương không chủ quan; các địa phương miền núi phía Bắc, bắc Trung bộ cần đề phòng lũ quét, lũ ống, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
"Tổng cục Khí tượng Thủy văn cần phải cập nhật dự báo liên quan đến mưa, lượng mưa rồi sạt lở duy trì thường xuyên không chủ quan và dự báo các cấp độ lũ trên các sông suối. Đặc biệt là vẫn duy trì trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài nguyên để kiểm tra các hồ đập thủy lợi và thủy điện; trong trường hợp ảnh hưởng đến an toàn khi chúng ta phải yêu cầu thực hiện các biện pháp xả lũ và điều tiết xả lũ để không tạo nên lũ chồng lũ".
08:29
08:33
Trung tâm Du lịch Bãi Cháy (Quảng Ninh) hoang tàn sau bão
08:38
PV Phi Long/VOV.VN từ Thái Bình thông tin: Thái Bình khẩn trương khắc phục hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị gãy đổ gãy do bão số 3 Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hưng Hà, do cường độ gió to, mưa lớn, toàn huyện có hơn 8.000ha lúa trỗ bị đổ; 2.200ha lúa chưa trỗ bị dập; 1.215 cây ăn quả bị thiệt hại nặng nề; tập trung ở các bãi bồi ven sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý, trong đó có 385ha chuối bị đổ ước tính thiệt hại khoảng 1 triệu buồng tập trung tại các xã: Hồng An, Tiến Đức; Trên 1.000ha rau màu bị ngập úng; nhiều công trình, nhà ở, trang trại, gia trại bị lật mái tôn. Bên cạnh đó, 15/15 đường dây trung áp trên địa bàn huyện gặp sự cố khiến mất điện ảnh hưởng gần 100.000 nghìn khách hàng; 50 cột điện bị gãy đổ, nhiều điểm bị đứt dây, hư hỏng hộp công tơ...
08:39
Để khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, huyện Hưng Hà đã huy động lực lượng nhanh chóng thu dọn cây cối, mái tôn để giải tỏa giao thông; đồng thời, huy động 30 ô tô tải, 2 xe cẩu, hàng nghìn bao cát để xử lý các điểm xung yếu tại các địa phương khi có sự cố. Riêng điện lực huyện bố trí trên 80 cán bộ, nhân viên xử lý khắc phục sự cố về điện cho nhân dân. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Hưng Hà chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến của mưa, bão để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, khoảng 26.000 hecta lúa đã bị dập đổ, thiệt hại nặng. Tỉnh Thái Bình đã tập trung cao cho công tác phòng, chống, đã tiến hành tiêu úng cho những vùng lúa đã trổ ở khu vực trũng. Tuy nhiên, với gió giật mạnh, mưa lớn thì Thái Bình khó tránh khỏi thiệt hại về lúa và hoa màu.
Hiện nay, Công ty Điện lực Thái Bình đã triển khai các tổ phản ứng nhanh, xử lý các sự cố về lưới điện do ảnh hưởng của bão số 3 đã gây ra cho hạ tầng lưới điện; trong đó có 4 đường dây 110 kV, 3 trạm biến áp 110kV, trên 80 lộ đường dây trung áp, sớm cấp điện trở lại cho hơn 570.000 khách hàng bị mất điện. Đến thời điểm hiện tại, 100% lực lượng công an, quân đội đang ứng trực phòng chống bão số 3, với tổng quân số là hơn 9.000 người, sẵn sàng khắc phục ứng phó với những sự cố xảy ra.
Theo báo cáo mới nhất, chưa xuất hiện bất cứ sự cố nào tại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, công tác neo đậu tàu thuyền vẫn đảm bảo an toàn. Đến hiện tại, tỉnh Thái Bình chưa ghi nhận thương vong nào về người.
08:47
PV Duy Thái- VOV Đông Bắc thông tin, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ đêm qua đến sáng nay 8/9, khu vực thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn bị ngập lụt sâu. Nước sông Thương dâng cao, tràn vào nhà nhiều hộ dân trên địa bàn, gây thiệt hại về tài sản. Nhiều nhà dân ở khu vực trũng, thấp nước dâng cao đến đầu gối.
Tại khu vực nước ngập sâu, chảy xiết, chính quyền và lực lượng chức năng đã căng dây, cảnh báo và cắt cử người trực gác không cho người và phương tiện đi qua. Hiện toàn bộ khu vực thị trấn Đồng Mỏ vẫn đang ngập trong lũ và dự báo vẫn có khả năng ngập sâu thêm.
Cũng trong đêm, Công an huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện để kịp thời hỗ trợ đưa người dân, tài sản đến nơi an toàn. (Trong ảnh, clip Công an huyện Chi Lăng trắng đêm giúp người dân chạy lũ.
08:53
PV Trọng Phú/VOV.VN cho biết, phố Lê Thái Tổ đoạn nhìn ra hồ Gươm nhiều cây to gãy đổ. Một mảng tường lớn của báo Nhân dân bị cây đổ làm hư hại nặng. Nhiều người dân tranh thủ ra chụp ảnh check in. Chị Bùi Lan Hương (53 tuổi, trú phố Chả Cá) cho biết, hơn 30 năm chị sống tại Hà Nội chưa thấy cơn bão nào to như lần này.
08:56
Trả lời phỏng vấn của PV Hoàng Yến/VOV.VN tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thạch - Ủy viên Thường vụ Quận ủy Long Biên - Bí thư Đảng ủy phường Ngọc Lâm cho biết: "Do đã có sự chuẩn bị nên từ chiều qua chúng tôi đã huy động tối đa các lực lượng dân quân, bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, công an đi hiện trường để giải tỏa và khắc phục cây đổ. Theo báo cáo nhanh thì trên địa bàn phường Ngọc Lâm không thiệt hại về người, về tài sản thì chủ yếu là cây gã đổ, ước tính hơn 100 cây xanh".
08:59
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 8/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Tây Bắc Bộ.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 7, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/h.
09:03
Cây cổ thụ trước Nhà thờ lớn - địa điểm check in quen thuộc của giới trẻ đã bị đổ sau trận bão. Nhiều người dân tranh thủ đến chụp ảnh check in với cây cổ thụ này lần cuối. Chị Thu Ngân (28 tuổi) chia sẻ: "Mỗi khi đến Nhà thờ Lớn, chúng tôi đều chọn góc chụp dưới tán cây đại thụ, nhưng giờ chỉ còn là kỷ niệm".
09:08
Tối 7/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Công an thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô và Tổng công ty Điện lực Hà Nội tập trung xử lý thông đường giao thông sau bão, khôi phục cấp điện phục vụ tiêu nước, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân Thủ đô.
Trước đó, ngay khi có các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai bất lợi và các chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, thành phố, các cấp, ngành đã chủ động triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó với bão số 3 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Một số nhiệm vụ, phương án cụ thể tiếp tục được triển khai gồm: Chỉ đạo vận hành trạm bơm tiêu thoát nước đệm, triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước hồ chứa thủy lợi; rà soát dừng thi công các công trình có nguy cơ ảnh hưởng của bão, đặc biệt là thực hiện nghiêm công tác cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định, rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân ở mức cao nhất, cũng như bảo đảm an toàn cho học sinh những ngày đầu năm học mới.
09:31
PV Công Luận/VOV-Đông Bắc thông tin: Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Bắc Kạn, từ trưa chiều ngày 07/9/2024 đến sáng 8/9 các khu vực trong tỉnh có mưa vừa, mưa to; gió bão mạnh cấp 4 - 5, giật cấp 6, cấp 7. Gió mạnh khiến hơn 50 ngôi nhà bị tốc mái và khoảng 15ha cây trồng bị ngập úng, gãy đổ. Mưa lớn cũng gây tình trạng, sạt lở, ách tắc trên nhiều tuyến giao thông.
Tuyến Quốc lộ 3B đoạn Km103+600 qua xã Quang Phong, huyện Na Rì xay ra sạt lở đất khối lượng lớn gây tắc đường cục bộ. Các tuyến đường tỉnh 256, 265, 257B xảy ra tình trạng cây đổ, lũ gây ngập các ngầm tràn, phương tiện không thể lưu thông tại nhiều vị trí.
Hiện các địa phương và các đơn vị quản lý đường bộ đang khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hư hại nhà cửa, ổn định cuộc sống và khắc phục sạt lở trên các tuyến giao thông. Tại các vị trí ngầm tràn ngập úng, lực lượng chức năng đã cửa người túc trực và đặt biển cảnh báo người dân không vượt tràn khi lũ dâng cao.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Bắc Kạn, từ sáng 08/9/2024 đến sáng 09/9/2024 các khu vực trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa dao động từ 50 - 100mm, có nơi trên 150mm gây lũt trên các sông, suối nhỏ và sạt lở đất trên các khu vực sườn đồi dốc, các tuyến giao thông, do đó, người dân cần hết sức lưu ý để đảm bảo an toàn.
09:49
Theo báo cáo nhanh của TP Hà Nội bão số 3 làm 3 người chết, 8 người bị thương; 19 nhà, ki-ốt bị tốc mái; hư hỏng 7 ô tô; hàng nghìn cây gãy đổ; ngập 1.700 ha lúa…
10:02
PV Vũ Miền, VOV Đông Bắc thông tin: Sáng 8/9, bão số 3 đã đi qua tỉnh Quảng Ninh. Sáng nay thời tiết tạnh ráo nhưng hiện nay đã mưa trở lại. Tranh thủ khoảng thời gian khô ráo, Các cấp, các ngành và nhân dân địa phương đã dọn dẹp và tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra. Đến sáng nay, TP Móng Cái đã có điện trở lại, các địa phương khác vẫn đang mất điện. Mạng viễn thông bị gián đoạn, công tác thông tin liên lạc gặp rất nhiều khó khăn.
Thống kê sơ bộ, tại tỉnh Quảng Ninh bão số 3 khiến 3 người chết, 157 người bị thương.
Những người mắc kẹt trên biển và các đảo thì ngay trong đêm, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tại - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh với nòng cốt là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh hiệp động với các lực lượng vũ trang trên địa bàn gấp rút tổ chức tìm kiếm, 46 người và đưa về bờ an toàn. Hiện nay, các lực lượng chức năng đang triển khai tìm kiếm cứu nạn trên quy mô lớn ở vùng biển QN.
Về tài sản, thống kê bước đầu từ các địa phương có 2.083 nhà bị tốc mái; 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tầu du lịch, 18 tầu cá các loại bị chìm, trôi dạt; hàng trăm cột điện; 70% cây xanh tại các độ thị tại 4 địa phương (Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên) bị gẫy đổ; có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hầu bị mất, cuốn trôi; 336 ha lúa bị đổ, ngập úng. Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay địa phương chưa thể có con số chính xác về thiệt hại do bão số 3 gây ra do bão ảnh hưởng trên rộng, gẫy đổ cột điện 110 KV và mất kết nối thông tin. Tỉnh Quảng Ninh đã huy động tổng lực các ngành, địa phương, công an, quân đội và nhân dân tập trung dọn dẹp để sớm ổn định cuộc sống nhân dân.
10:38
PV Trọng Phú/VOV.VN cho biết: Khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm nhiều cây lớn gãy đổ. Vườn hoa Lý Thái Tổ một cây cổ thụ đổ làm gãy gập cột đèn. Hiện, công tác dọn dẹp sau bão đang được lực lượng chức năng tích cực triển khai.
10:39
PV Văn Ngân, Nguyễn Hà/VOV.VN: hàng loạt biển quảng cáo "khủng" trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình bị gãy đổ.
10:55
PV Nguyễn Hà, Văn Ngân thông tin: Loạt cây xanh cuối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn vào quận ủy Hoàng Mai đổ hàng loạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông của các phương tiện gây mất an toàn giao thông.