Quảng Ninh đề xuất cơ chế hỗ trợ cho dự án xây nhà ở xã hội
Quảng Ninh đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề xuất nhà nước sẽ hỗ trợ 100% kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, nhưng không quá 20 tỷ đồng/dự án…

Ảnh minh họa.
Theo dự thảo Nghị định, đối tượng áp dụng là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại 2, 3, 4 Điều 84 của Luật Nhà ở năm 2023. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại mà chủ đầu tư trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi quỹ đất dành để thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo quy định đã được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đang triển khai đầu tư xây dựng thì được hưởng cơ chế hỗ trợ của nội dung Nghị quyết này.
Ngoài ra, còn có chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 98 của Luật Nhà ở năm 2023; các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Các đối tượng thuộc diện áp dụng sẽ được nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư (không áp dụng đối với trường hợp quy định tại Khoản 3, điểm c Khoản 4 Điều 84 Luật Nhà ở năm 2023) nhưng không quá 20 tỷ đồng/dự án.
Bên cạnh đó, về chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhà nước hỗ trợ 50% chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi diện tích khu đất xây dựng nhà ở xã hội theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (Không bao gồm: chi phí đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật bên trong tòa nhà; chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thuộc diện tích đầu tư xây dựng đề kinh doanh hoặc phải bàn giao cho nhà nước quản lý, chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã thực hiện trong phạm vi quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội), nhưng không quá 10 (mười) tỷ đồng/dự án.
Đồng thời, hỗ trợ toàn bộ mức phí, lệ phí thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng (hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng); thẩm định phê duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/dự án; miễn 100% đối với mức thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng theo quy định; miễn 100% đối với mức thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc phí thẩm định cấp giấy phép môi trường theo quy định.
Để đảm bảo hiệu quả, dự thảo Nghị quyết cũng quy định nguyên tắc hỗ trợ. Cụ thể, đối với chi phí hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xem xét hỗ trợ sau khi đã thực hiện đầu tư xây dựng, nghiệm thu hoàn thành công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng, kiểm toán, quyết toán và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận giá trị thực hiện của chủ đầu tư;
Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp quy định tại Nghị quyết này được xem xét hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí, phí và lệ phí quy định như trên. Đối với chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp sẽ được tính vào chi phí đầu tư hạ tầng khu công nghiệp được quy định tại Luật Nhà ở năm 2023;
Trường hợp nhà đầu tư có cam kết hỗ trợ kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, thì thực hiện theo cam kết và kinh phí này không được hạch toán vào giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội; trường hợp nhà đầu tư đã được lựa chọn nếu ứng trước kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng thì Nhà nước sẽ hoàn trả kinh phí này cho nhà đầu tư theo quy định…