Quảng Ninh: 5.000 người dự Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng vùng mỏ
Với chủ đề 'Vùng Mỏ bất khuất- Khát vọng hùng cường' Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng vùng mỏ (25/4/1955 – 25/4/2025) diễn ra vào tối 25/4 tại thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) với sự tham gia của khoảng 5.000 người.

Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng vùng mỏ với chủ đề "Vùng Mỏ bất khuất- Khát vọng hùng cường" tổ chức tại thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh).
5.000 đại biểu, khách mời và nhân dân tham dự chương trình Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng vùng mỏ tại thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh)
Đây là sự kiện trọng đại nhằm tôn vinh lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, ghi nhớ công lao của các thế hệ công nhân mỏ và nhân dân vùng mỏ Quảng Ninh. Đồng thời, đây cũng để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ cha anh - những người đã không tiếc máu xương, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Chương trình cũng khẳng định vị thế quan trọng của tỉnh Quảng Ninh đối với sự phát triển chung của đất nước, qua đó, củng cố niềm tin, niềm tự hào, khích lệ, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh, tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm", truyền thống cách mạng, văn hóa, sự năng động và khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

5.000 đại biểu, nhân dân tham dự Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng vùng mỏ.
Đồng thời, thông qua các hoạt động góp phần quảng bá mạnh mẽ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài tỉnh có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, liên kết, xúc tiến đầu tư; thu hút khách du lịch, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thu hút 20 triệu khách du lịch và tăng trưởng 14% GRDP năm 2025.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn khẳng định, trong suốt lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, Quảng Ninh đã trở thành cái nôi của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam, là quê hương của phong trào "vô sản hóa", nơi đào luyện nên nhiều nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng trên cả nước.

Đây là sự kiện trọng đại nhằm tôn vinh lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, ghi nhớ công lao của các thế hệ công nhân mỏ và nhân dân vùng mỏ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 12/11/1936 đã nổ ra Cuộc tổng bãi công của hơn ba vạn thợ mỏ. Từ phong trào này đã làm nên khí phách, bản lĩnh, tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam. Trở thành biểu tượng tinh thần của vùng mỏ cho đến tận ngày hôm nay và mãi sau này.
Nhìn lại chặng đường 70 năm kể từ ngày được giải phóng, mặc dù phải đối mặt với không ít những thách thức, khó khăn và thăng trầm do chiến tranh tàn phá trong thời kỳ chống thực dân Pháp, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, kế thừa truyền thống "Kỷ luật - Đồng tâm", các thế hệ cán bộ, Đảng viên và nhân dân Quảng Ninh đã đoàn kết, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức và giành được những thành tựu to lớn, nhiều mặt nổi bật, mang tính tiên phong và đột phá. Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và phát triển đất nước.

Chương trình nghệ thuật hoành tráng.
Từ một tỉnh còn yếu kém phải dựa vào hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh đã "vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc".
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với vị thế của một trong những địa phương đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh sẽ không ngừng phát huy tinh thần "kỷ luật và đồng tâm", đoàn kết, đồng lòng, chủ động, sáng tạo với tình cảm và tinh thần trách nhiệm cao nhất để đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Đức Ấn khẳng định, trong suốt lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, Quảng Ninh đã trở thành cái nôi của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam.
Đồng thời, xây dựng phát triển Quảng Ninh là một trong những trung tâm năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Màn pháo hoa kết thúc chương trình.
Sau cách mạng tháng 8, thực dân Pháp quay trở lại chiếm đóng vùng mỏ. Trong suốt những năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, nơi đây tiếp tục là nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của quân và dân ta.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), quân và dân vùng mỏ với sự phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và binh vận, quân và dân Hải Ninh, Quảng Yên, Hòn Gai đã làm tan rã một mảng lớn lực lượng vũ trang của địch trên chiến trường Đông Bắc, góp phần vào thắng lợi to lớn của Chiến dịch Điện Biên Phủ, lập lại hòa bình ở Đông Dương năm 1954.
Đến ngày 24/4/1955, tên lính Pháp cuối cùng rời khu mỏ. Sáng ngày 25/4/1955, ta đã tổ chức cuộc mít tinh lớn ở thị xã Hòn Gai, ra mắt Ủy ban Quân chính Hồng Quảng, đọc nhật lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quân dân Hồng Quảng. Ngày 25/4/1955, trở thành Ngày giải phóng - Ngày truyền thống của vùng Mỏ Quảng Ninh.