Số cặp vợ chồng kết hôn bằng tuổi chiếm tỉ trọng cao nhất
Trong số các đôi đăng ký kết hôn, số cặp bằng tuổi chiếm tỉ trọng cao nhất.
Theo Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024 do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế công cộng toàn cầu, số cặp vợ chồng kết hôn bằng tuổi chiếm tỉ trọng nhiều nhất trong số các cặp đôi đăng ký kết hôn, chiếm 12%.

Theo đó, giả sử có 100 đôi đăng ký kết hôn, nếu có 30 cặp bằng tuổi, 25 cặp có chồng hơn vợ 1 tuổi, 20 cặp có chồng hơn vợ 2 tuổi, 15 cặp có chồng hơn vợ 3 tuổi, 10 cặp có vợ hơn chồng 1 tuổi, thì nhóm bằng tuổi chiếm tỉ trọng cao nhất (30%).
Ngoài ra, mô hình phân bố trên cũng cho thấy ở các cặp đôi, đa phần người chồng có tuổi lớn hơn người vợ, chiếm hơn 72% (trong đó, mức chênh lệch từ 1-4 tuổi chiếm khoảng 43%).
Tỉ trọng các cặp mà vợ lớn tuổi hơn chồng chỉ chiếm khoảng 16%.
Trong giai đoạn 2021-2023, mô hình phân bố mức chênh lệch trong tuổi kết hôn giữa các cặp gần như không thay đổi.
Cũng theo báo cáo, dựa trên quả tính toán từ hồ sơ đăng ký kết hôn, tuổi trung bình khi đăng ký kết hôn lần đầu giai đoạn 2021-2023 của nam giới ở Việt Nam cao hơn nữ giới khoảng gần 3 tuổi, tương ứng là 29,8 tuổi đối với nam và 27 tuổi đối với nữ.
Từ năm 2021 đến 2023, tuổi trung bình khi kết hôn lần đầu của cả 2 giới đều có xu hướng tăng, mức tăng bình quân sau 3 năm là 1,1 tuổi.
Theo dữ liệu đăng ký kết hôn, từ năm 2021 đến 2023, toàn quốc có hơn 2 triệu trường hợp đăng ký kết hôn được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Trong đó, năm 2021, có gần 522.286 trường hợp; năm 2022, có 772.367 trường hợp; năm 2023, có 734.917 trường hợp.
Số trường hợp kết hôn năm 2021 thấp nhất, nguyên nhân có thể là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 xảy ra trong năm 2020 và 2021.
Trong tổng số hơn 2 triệu trường hợp đăng ký kết hôn từ năm 2021 đến 2023, có hơn 127.000 trường hợp đăng ký kết hôn lại, chiếm khoảng 6,3%.