HĐND Khánh Hòa thông qua Nghị quyết sáp nhập với Ninh Thuận

HĐNĐ tỉnh Khánh Hòa có nghị quyết tán thành chủ trương sáp nhập 2 tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận

Ngày 28-4, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết về việc Tán thành chủ trương sáp nhập tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh năm 2025.

Qua đó, đẩy nhanh triển khai thực hiện phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Việc sáp nhập tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa, lấy tên là tỉnh Khánh Hòa; trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa.

Tỉnh Khánh Hòa hiện có diện tích hơn 5.200km2, dân số hơn 1,477 triệu người với 6 huyện, 1 thị xã, 2 thành phố và 132 đơn vị cấp xã.

Tỉnh Ninh Thuận hiện có 3.355 km2, dân số hơn 765.000 người, với 1 thành phố, 6 huyện và 62 đơn vị cấp xã.

Tỉnh Khánh Hòa mới (sau sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận) có diện tích tự nhiên hơn 8.555 km2 (đạt 171,12% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 2.234.554 người (đạt 159,61% so với tiêu chuẩn) và 65 đơn vị hành chính cơ sở trực thuộc (41 đơn vị thuộc tỉnh Khánh Hòa cũ và 21 của Ninh Thuận), gồm: 48 xã, 16 phường, 1 đặc khu Trường Sa.

Tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận có vị trí liền kề, có chung đặc điểm về khí hậu, địa hình và cơ cấu kinh tế, hai tỉnh thuận lợi phát triển đô thị và công nghiệp - năng lượng - du lịch...

Tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận có vị trí liền kề, có chung đặc điểm về khí hậu, địa hình và cơ cấu kinh tế, hai tỉnh thuận lợi phát triển đô thị và công nghiệp - năng lượng - du lịch...

Khánh Hòa và Ninh Thuận đều nằm trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí liền kề, có chung đặc điểm về khí hậu, địa hình và cơ cấu kinh tế. Việc sáp nhập sẽ tạo ra một không gian phát triển liên thông, đồng bộ về hạ tầng giao thông, logistics, đô thị và công nghiệp - năng lượng - du lịch.

Cả hai tỉnh kết nối với nhau qua Quốc lộ 1, tuyến cao tốc Bắc - Nam, các tỉnh lộ và các tuyến giao thông huyết mạch khác kết nối với nhau ở phía Đông và phía Tây tỉnh... tạo nên liên kết vùng mạnh mẽ, phát triển kinh tế theo không gian đa chiều, đa dạng hóa ngành, lĩnh vực.

Nhân dân hai tỉnh bao đời sinh sống hòa thuận, giao lưu, đoàn kết; nhất là cộng đồng người Chăm, Raglai đang sinh sống ở cả hai tỉnh hiện nay đã tạo nên nét đẹp văn hóa đặc trưng, đa dạng bản sắc dân tộc.

Tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh hòa có dấu ấn văn hóa Chăm Pa rất rõ nét. Các di tích như Tháp Pô Klong Garai (tỉnh Ninh Thuận) và Tháp Bà Ponagar (tỉnh Khánh Hòa) là minh chứng tiêu biểu.

Tháp Pô Klong Garai ở Ninh Thuận

Tháp Pô Klong Garai ở Ninh Thuận

Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận

Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận

Cả hai tỉnh đều có đường bờ biển dài, vị trí chiến lược trên trục giao thông ven biển, là khu vực trọng yếu về quốc phòng - an ninh.

Việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ góp phần tăng cường khả năng kiểm soát không gian biển, đảo, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia và chủ quyền lãnh thổ trong tình hình mới.

Qua khảo sát sơ bộ và đánh giá ban đầu, chủ trương sáp nhập được sự đồng tình cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân hai tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả quản trị công.

Kỳ Nam

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hdnd-khanh-hoa-thong-qua-nghi-quyet-sap-nhap-voi-ninh-thuan-196250428131536655.htm
Zalo