Quảng Ngãi: Nhiều nơi bị ngập sâu, giao thông chia cắt do mưa lũ
Để ứng phó với tình hình lũ lụt, tỉnh Quảng Ngãi đã phải tổ chức di dời, sơ tán 941 hộ/2.656 nhân khẩu tại vùng có nguy cơ sạt lở cao, xen ghép các nhà bị ngập lụt đến các nhà kiên cố, an toàn.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh và hoạt động của đới gió Đông, từ ngày 8-11/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được tại một số trạm như: Trà Hiệp (Trà Bồng) có lượng mưa 595mm, Ba Lế, Ba Điền, Ba Liên (Ba Tơ) từ 424-499 mm…
Mưa lớn đã làm mực nước trên các sông lên nhanh, gây ngập lụt ở một số địa phương vùng trũng, thấp. Cụ thể, trong đêm 10/11 và sáng 11/11, một số xã ven sông Trà Câu và sông Vệ bị ngập lụt gồm: Phổ Ninh, Phổ Minh, Phổ Văn (thị xã Đức Phổ) ngập sâu từ 1-2m; các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện, Hành Nhân, Hành Dũng, Hành Đức, thị trấn Chợ Chùa (huyện Nghĩa Hành) ngập sâu từ 0,5-1,5m; các xã Đức Hòa, Đức Phú, Đức Nhuận, Đức Phong (huyện Mộ Đức) bị ngập sâu khoảng 0,5-1m; các xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Sơn, Nghĩa Phương, Nghĩa Thương (huyện Tư Nghĩa) bị ngập sâu từ 1-1,5m.
Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, thống kê thiệt hại ban đầu, tính đến 16 giờ ngày 11/11, đường Trường Sơn Đông bị sạt lở 3 điểm, trong đó tại vị trí Km171+250 (địa phận xã Sơn Long, huyện Sơn Tây) bị sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông.
Mưa lũ cũng làm sạt lở, hư hỏng 11 tuyến đường do huyện, xã quản lý, gây ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân; 2 ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại từ 50% trở lên.
Để ứng phó với tình hình lũ lụt, tỉnh Quảng Ngãi đã phải tổ chức di dời, sơ tán 941 hộ/2.656 nhân khẩu tại vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Các huyện đồng bằng như: Tư Nghĩa, Đức Phổ, Nghĩa Hành đã tổ chức sơ tán, xen ghép các nhà bị ngập lụt đến các nhà kiên cố, an toàn.
Tại Quảng Trị, ngày 11/11, trên địa bàn tỉnh có mưa to khiến lũ trên các sông đang lên, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Dự báo, trên địa bàn Quảng Trị tiếp tục có mưa to đến rất to tới ngày 12/11.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị cảnh báo, từ chiều 11-12/11 các sông trên địa bàn tỉnh xuất hiện một đợt lũ. Theo đó, lũ trên các sông Bến Hải, Hiếu và Thạch Hãn lên mức báo động 1, báo động 2. Sông Ô Lâu, đỉnh lũ ở mức trên báo động 2.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông các huyện: Hướng Hóa và Đakrông, các xã phía Tây huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Hải Lăng. Đặc biệt chú ý sạt lở đất khu vực các xã: Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Linh (huyện miền núi Hướng Hóa).
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi huyện Cam Lộ. Nguy cơ xảy ra ngập úng vùng thấp trũng ven sông các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ, thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị.
Ủy ban nhân dân huyện Hướng Hóa đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị hỗ trợ di dời, tái định cư cho 220 hộ dân sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn 5 xã: Hướng Sơn, Húc, Hướng Phùng, Hướng Lập, Hướng Việt.
Tỉnh Quảng Trị cũng đã di dời khẩn cấp 45 hộ dân với 171 nhân khẩu ở thôn Raly-Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, đến nơi ở mới an toàn để tránh sạt lở. Vào cuối tháng 10 vừa qua, mưa lũ kéo dài khiến núi Ta Bang, thôn Raly-Rào, xã Hướng Sơn, có vết nứt dài từ 150-200m, rộng 40-50cm, nguy cơ sạt lở cao.
Từ ngày 6-31/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra 5 trận lũ, trong đó 4 trận lũ đặc biệt lớn, cùng với sự ảnh hưởng của bão số 8 và bão số 9, đã khiến 98/124 xã, phường, thị trấn bị ngập lụt, chia cắt.
Lũ chồng lũ, bão chồng bão, sạt lở đất và lũ quét liên tiếp xảy ra làm 52 người chết, 2 người mất tích, 37 người bị thương. Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông, lâm và ngư nghiệp bị bão lũ tàn phá đặc biệt nghiêm trọng; ước tổng thiệt hại lên đến 3.000 tỷ đồng.