Quảng Ngãi: Các dự án điện khí hàng chục nghìn tỷ đồng chưa tìm được lời giải

Trước thực trạng các dự án nhà máy điện khí tại Quảng Ngãi gặp nhiều vướng mắc, chưa thể đi vào hoạt động, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị dùng khí hóa lỏng nhập khẩu thay thế nhằm tránh lãng phí.

Mỏ khí Cá Voi Xanh là dự án trọng điểm quốc gia, nằm cách bờ biển Quảng Nam - Quảng Ngãi khoảng 100 km, có trữ lượng thu hồi tại chỗ ước tính khoảng 150 tỷ m3, gấp 3 lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ - thuộc dự án khí Nam Côn Sơn (lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại).

Chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh gồm các dự án thành phần: Dự án Phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh; Các dự án nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh (Miền Trung I, II (Quảng Nam) và Dung Quất I, II và III (Quảng Ngãi). Mục tiêu chính của dự án là cung cấp khí cho chuỗi nhà máy điện khí tại miền Trung.

Tại Quảng Ngãi, Nhà máy Điện tua bin khí hỗn hợp Dung Quất I và III có công suất khoảng 750 MW mỗi nhà máy, được kỳ vọng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy kinh tế địa phương. Cả 2 nhà máy được triển khai đồng bộ với tiến độ cấp khí của dự án thượng nguồn thuộc Chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh

Được biết, Dự án Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I có tổng mức đầu tư (sơ bộ) là hơn 18.663 tỷ đồng; Dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất III tổng mức đầu tư (sơ bộ) hơn 17.538 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 20% tổng vốn đầu tư dự án, vay thương mại chiếm 80%. Tuy nhiên, tiến độ dự án khai thác khí Cá Voi Xanh đang gặp nhiều vướng mắc.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, do đến nay vẫn chưa xác định được thời điểm cấp khí từ mỏ Cá Voi Xanh, nên EVN chưa thể trình cấp thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án, dù công tác thẩm định đã hoàn thành.

Ngoài 2 dự án trên, Quảng Ngãi còn có Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất II do Tập đoàn Sembcorp (Singapore) làm chủ đầu tư theo phương thức BOT. Dự án này có công suất 750 MW, vốn đầu tư khoảng 793 triệu USD, sử dụng nhiên liệu khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Để tháo gỡ khó khăn các dự án điện khí, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang đề xuất chuyển phương án sử dụng nguồn khí hóa lỏng nhập khẩu thay thế trong giai đoạn đầu. Giải pháp này giúp các nhà máy sớm được xây dựng và đưa vào hoạt động, tránh lãng phí tài nguyên.

Liên quan đến kiến nghị trên, tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 9/2, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ đã thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư gồm Tập đoàn ExxonMobil (Mỹ), Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia phối hợp để trình các cấp có thẩm quyền kế hoạch.

"Đối với đề xuất tạm thời sử dụng khí LNG nhập khẩu để thay thế, Bộ Công thương sẽ trao đổi lại với các đơn vị liên quan và phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi để tính toán lại các chi phí, cân đối đầu vào, đầu ra", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.

Được biết, khí hóa lỏng (LNG) là khí thiên nhiên được làm lạnh để hóa lỏng, giúp dễ dàng lưu trữ và vận chuyển. Đây là nguồn nhiên liệu được cho là sạch và đang được sử dụng ở một số nước trên thế giới. Tại Việt Nam, các dự án điện khí sử dụng LNG như Nhơn Trạch 3, 4 đang được triển khai.

Thanh Chung

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quang-ngai-cac-du-an-dien-khi-hang-chuc-nghin-ty-dong-chua-tim-duoc-loi-giai-d248590.html
Zalo