Quảng Nam: Yêu cầu thi công '3 ca, 4 kíp' để giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao nhất
Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng tại cuộc họp nghe các chủ đầu tư, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh báo cáo tiến độ thực hiện và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã biểu dương các Sở, ngành, địa phương thời gian qua đã tăng cường trách nhiệm, tích cực triển khai các biện pháp trong công tác chỉ đạo điều hành về giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, 5 tổ công tác thường xuyên theo dõi tình hình giải ngân của từng đơn vị, địa phương phụ trách để nắm bắt và giải quyết những vướng mắc, phát sinh cụ thể. Tính đến ngày 9/12, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 62,21%, cao hơn cùng kỳ 2023 (60,4%).
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng nhận định một số ngành, địa phương chưa thực sự vào cuộc ngay từ đầu năm. Công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc chưa thật sự tốt, nên một số công trình, dự án đến nay vẫn chưa đạt tiến độ yêu cầu theo chỉ đạo của UBND tỉnh (Khu điều trị kỹ thuật cao (khối nhà 7 tầng) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án sửa chữa, nâng cấp Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành…).
Ông Lê Văn Dũng cho rằng, thời gian từ nay đến cuối năm còn rất ít, thời tiết lại không thuận lợi, điều kiện thi công khó khăn, trong khi khối lượng công việc còn lại rất lớn, do đó các ngành, địa phương phải tiếp tục tăng cường trách nhiệm, phối hợp tích cực hơn nữa để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 ở mức cao nhất (đạt trên 95% theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư đề cao trách nhiệm hơn nữa, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể, phù hợp tình hình thực tiễn nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Trong đó, tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả; quyết liệt, quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả”; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ ngay các điểm nghẽn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Các đơn vị, chủ đầu tư cần tăng cường chỉ đạo đơn vị thi công tập trung nhân lực, có biện pháp thi công phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình. Trong đó quyết liệt chỉ đạo, điều hành trong tổ chức thực hiện, với phương châm “thi công 3 ca 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết”.
Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ khối lượng nghiệm thu theo yêu cầu kỹ thuật và nhật ký công trình, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan Kho bạc Nhà nước để thực hiện thanh toán, không để dồn hồ sơ thanh toán gộp nhiều đợt nghiệm thu vào những ngày cuối năm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh. Thực hiện việc tạm ứng, thanh toán khối lượng kịp thời nhưng phải đảm bảo thực chất, đúng khối lượng thi công thực tế và các quy định hiện hành.
Các Sở, ngành, đơn vị gồm: Kho bạc Nhà nước tỉnh, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… theo chức năng nhiệm vụ tập trung nhân lực, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư trong việc xử lý các hồ sơ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan công tác giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời giải quyết, báo cáo cấp thẩm quyền giải quyết các đề xuất, kiến nghị liên quan của các ngành, địa phương.
Văn phòng Chương trình hỗ trợ giảm nghèo tỉnh, điều phối nông thôn mới tỉnh, điều phối chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác theo dõi các chương trình phụ trách. Thường xuyên kiểm tra, xem xét, trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các hồ sơ, thủ tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Ông Lê Văn Dũng cũng yêu cầu Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh rà soát tỉ lệ giải ngân ở đơn vị, địa phương để coi đây là chỉ tiêu quan trọng trong việc đề xuất đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và người đứng đầu. Tham mưu UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác giải ngân và xem xét phê bình kiểm điểm, thậm chí đề xuất hình thức xử lý đối với các đơn vị chậm thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nguyên nhân do chủ quan của tổ chức, cá nhân liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, từ năm 2025, các cơ quan, đơn vị địa phương phải xem xét đến khả năng giải ngân nguồn vốn, sự phù hợp thực tế trước khi đề nghị bố trí kế hoạch vốn. Không để xảy ra tình trạng đề nghị phân bổ vốn lớn nhưng không triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ dẫn đến phải trả vốn, xin điều chuyển vốn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan khi tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn phải xem xét khả năng giải ngân nguồn vốn của đơn vị, địa phương và đảm bảo phù hợp thực tế, không để xảy ra tình trạng giao vốn nhưng không có nhiệm vụ để thực hiện, dẫn đến phải trả vốn được giao.