Kỳ 2: Những dự án 'chết lâm sàng'
Khi lập dự án, các doanh nghiệp đều vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp, song sau hàng chục năm công trình vẫn chỉ nằm trên giấy hoặc xây dựng dang dở… Thực tế cho thấy, sự cấp thiết trong việc ban hành các chính sách, chế tài kịp thời, tránh lãng phí tài nguyên đất đai.
Khi lập dự án, các doanh nghiệp đều vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp, song sau hàng chục năm công trình vẫn chỉ nằm trên giấy hoặc xây dựng dang dở… Thực tế cho thấy, sự cấp thiết trong việc ban hành các chính sách, chế tài kịp thời để làm căn cứ thực thi, tránh lãng phí tài nguyên đất đai.
Những năm gần đây, các vụ án liên quan đến lãng phí đất đai liên tục lộ diện, thu hút sự quan tâm lớn từ phía dư luận xã hội. Mới đây, sau khi phát hiện vi phạm tại dự án nhà ở cao tầng, văn phòng, dịch vụ tại số 120 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp nhận thông tin, tài liệu để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định đối với các sai phạm trên.
Theo Thanh tra Chính phủ, dù được xem là "đất vàng" khi nằm trên một trong những tuyến đường đẹp của Hà Nội, từ năm 2012 đến nay, dự án nhà ở cao tầng, văn phòng, dịch vụ tại số 120 Hoàng Quốc Việt vẫn không được thực hiện. Lợi dụng tình trạng chậm trễ, bỏ hoang kéo hàng chục năm, một số người dân đã lấn chiếm khu đất. Phía mặt tiền Hoàng Quốc Việt, nhiều ki ốt lợp mái tôn được xây dựng gắn biển hiệu bán đồ ăn, uống. Trong khi đó, phía bên trong khu đất được “tận dụng” làm nơi để ô tô.
Hiện trạng của khu đất 120 Hoàng Quốc Việt không chỉ đang làm nhếch nhác bộ mặt đô thị, mà còn lãng phí nguồn lực quý giá của đất đai. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ để đề nghị “khai tử” dự án.
Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, một dự án "đắp chiếu", gây lãng phí đất đai cũng bị Thanh tra Chính phủ đề nghị điều tra là dự án tòa nhà văn phòng, thương mại và nhà ở tại số 244 Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức.
Đối với dự án này, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm như dự án chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở 2005, chưa được chấp thuận đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và hạn chế về năng lực tài chính.
Trước đó, từ năm 1977, khu đất có diện tích 1.090m2 của dự án do Công ty Vật tư và Thiết bị Toàn Bộ quản lý. Đến năm 2016, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, Công ty Vật tư và Thiết bị Toàn Bộ đã đề nghị chuyển nhượng dự án. Đến năm 2017, UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chuyển nhượng dự án cho Công ty TNHH Tuyết Nga.
Tuy nhiên, đến nay, sau hàng chục năm, dự án này vẫn chưa triển khai theo tiến độ phê duyệt, toàn bộ diện tích bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, lãng phí nguồn lực đất đai của TP Hồ Chí Minh, nơi vốn được biết đến là “đất chật người đông”, đất quý hơn “vàng”.
Điển hình của nạn lãng phí đất đai không thể không nhắc đến khu đất "vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Liên quan đến vụ án biến đất công thành đất tư, khu đất hơn 6000m2 này được TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vào tháng 1/2022. Bản án tuyên giao khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng cho UBND TP Hồ Chí Minh xem xét xử lý.
Mặc dù sở hữu 4 mặt tiền trên các đường: Hai Bà Trưng, Thi Sách, Đông Du và một mặt hướng ra Công trường Mê Linh, song từ nhiều năm nay, toàn bộ diện tích bị bỏ hoang. Theo ghi nhận bên ngoài khu đất được rào chắn, các bức tường bị vẽ bậy nhếch nhác, một phần vỉa hè tận dụng làm bãi đỗ xe, bên trong cây cỏ mọc um tùm… không chỉ làm xấu bộ mặt trung tâm TP Hồ Chí Minh, mà còn gây lãng phí lớn, khiến người dân bức xúc.
Bên cạnh các dự án bị Thanh tra Chính phủ “chỉ điểm”, hay dự án liên quan đến các vụ án về đất đai, trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn tồn tại vô số “đất vàng”, dự án bỏ hoang, chậm triển khai hàng chục năm nay, một số dự án đã kéo dài 20 năm, thậm chí gần 30 năm, gây lãng phí nghiêm trọng như: khu đất Thương xá Tax (rộng 9.000m2); khu đất 8-12 Lê Duẩn (hơn 4.800m2); khu 94 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; khu đất tại số 161 Yên Phụ và đường Nghi Tàm, Hà Nội;…
Trên thực tế, lãng phí đất đai không chỉ diễn ra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mà rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng có tình trạng tương tự, sau mỗi dự án chậm tiến độ, mỗi khu đất “vàng” bị bỏ hoang thời gian qua đều có những câu chuyện quản lý và trách nhiệm khác nhau.
Nhìn nhận đất đai là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội song công tác quản lý, sử dụng chưa bảo đảm để phát huy, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển bày tỏ băn khoăn về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp trong việc xử lý triệt để tình trạng lãng phí đất đai hiện nay.
“Lãng phí nguồn lực đất đai không chỉ phơi bày những bất cập trong quy hoạch và quản lý đô thị mà còn làm nổi bật nghịch lý của thị trường bất động sản. Trong khi xã hội còn rất nhiều người dân không có nhà để ở, lại tồn tại hàng nghìn dự án nằm "chết" hơn chục năm, giá trị đất đai lớn tồn đọng và lãng phí” - ông Đinh Thế Hiển nói và nhấn mạnh, nếu như trước đây các dự án chậm tiến độ, đất đai thu hồi dở dang rồi bỏ đấy được nhìn nhận dưới góc độ chậm tiến độ, quy hoạch treo, nay cần phải nhìn nhận ở góc độ lãng phí và rất lãng phí. Từ đó đi tìm câu trả lời cho câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và cả chủ đầu tư.
“Ai phê duyệt dự án, ai giám sát, chủ đầu tư nào để dự án kéo dài hàng thập kỷ… bắt buộc phải được “điểm mặt, gọi tên”, để kịp thời tháo gỡ những nút thắt, giảm thiểu lãng phí nguồn lực của Nhà nước, xã hội và quan trọng hơn cả là có giải pháp đưa vào sử dụng, khai thác hợp lý trong bối cảnh nước ta đang chuẩn bị mọi mặt để bước vào Kỷ nguyên vươn mình” - ông Hiển nói thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cũng cho rằng, “truy” trách nhiệm đến cùng là bước đi cấp thiết, bởi đất đai không chỉ là tài sản mà còn là cơ hội phát triển, song đang bị lãng phí qua từng ngày. “Ngay từ khâu lập quy hoạch dự án, phải thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, có tầm nhìn dài hạn để tránh lãng phí. Trường hợp xảy ra sai sót, cần mạnh dạn sửa sai ngay lập tức, không để kéo dài, lãng phí chồng lãng phí” - ông Quang phân tích.
Về giải pháp, theo ông Quang, quy hoạch sử dụng đất cần được thực hiện đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả và bền vững. Việc này, ông cho rằng phải được làm thật nghiêm minh với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng”. Về phần các doanh nghiệp tham gia dự án phải chịu trách nhiệm và chấp nhận các biện pháp chế tài nếu không đủ năng lực tài chính, chuyên môn hoặc quản lý để hoàn thành công trình như cam kết.
Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Thu Thảo - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, xử lý dự án treo, bỏ hoang đất đai như đánh thuế đất hay xử phạt hành chính khó hiệu quả, mà phải đồng bộ Luật Đất đai với các luật chuyên ngành, trong đó lấy Luật Đất đai làm gốc. “Với những quy định chặt chẽ trong Luật Đất đai 2024, tình trạng dự án "treo" và "quy hoạch treo” đang dần được siết chặt. Tuy nhiên, đất đai là vấn đề phức tạp, không phải một sớm một chiều có thể xử lý triệt để. Do đó rất cần một cơ chế minh bạch giữa đúng - sai, khơi thông tư tưởng, đề cao tính trách nhiệm, hướng đến một giải pháp quyết liệt cho mục tiêu chống lãng phí đất đai trong thời gian tới” - luật sư Thảo nói.
Để giải quyết triệt để vấn đề lãng phí đất đai, theo các chuyên gia, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương. Nếu như Chính phủ sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, mỗi địa phương phải chủ động kiểm tra, rà soát các dự án, công trình bị bỏ hoang, từ đó đề xuất giải pháp xử lý, chấm dứt sự lãng phí kéo dài.
(Còn nữa)
20:41 27/12/2024