Quảng Nam quy định chi tiết về khôi phục đất bị hủy hoại
Tỉnh Quảng Nam vừa ban hành quy định chi tiết về các trường hợp không thể khôi phục hiện trạng đất bị hủy hoại và mức độ phục hồi đối với những trường hợp khả thi nhằm tập trung vào việc bảo vệ tài nguyên đất trên địa bàn tỉnh...
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quyết định 02/2025/QĐ-UBND, quy định các trường hợp vi phạm mà việc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất không có tính khả thi trên thực địa và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi vi phạm hủy hoại đất trên địa bàn tỉnh (theo Điều 14, Nghị định 123/2024/NĐ - CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai).
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/1/2025 và thay thế Quyết định số 01/2024/QĐ-UBND ngày 8/1/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, các trường hợp không thể khôi phục hiện trạng đất bị hủy hoại gồm: hành vi làm mất hoặc giảm độ dày tầng đất canh tác khi không thể áp dụng biện pháp kỹ thuật hay giải pháp khác để phục hồi tầng đất như trạng thái ban đầu hoặc tương đương trước khi xảy ra vi phạm; hành vi thay đổi lớp mặt đất sản xuất nông nghiệp trong trường hợp không thể loại bỏ hoàn toàn vật liệu, chất thải, hoặc đất chứa cát, sỏi, đá, hay thành phần khác biệt để đưa đất trở lại trạng thái ban đầu hoặc tương đương; hành vi gây bạc màu, xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp khi không thể thực hiện các biện pháp phục hồi chất lượng hoặc tái lập trạng thái đất như ban đầu.
Các hành vi làm biến dạng địa hình đất gồm: làm thay đổi độ dốc bề mặt đất hoặc hạ thấp bề mặt đất trong trường hợp không thể sử dụng giải pháp kỹ thuật để khôi phục độ dốc về trạng thái ban đầu hoặc tương tự; hành vi san lấp đất có mặt nước chuyên dùng (trừ hồ thủy lợi) khi không thể hoàn trả diện tích đất bị vi phạm về hiện trạng ban đầu hoặc tương đương; hành vi san lấp, nâng cao hoặc hạ thấp bề mặt đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nếu không thể phục hồi bề mặt đất về trạng thái ban đầu hoặc tương tự...
Với các trường hợp vi phạm nêu trên, theo khoản 1 và 2, điều 14, Nghị định 123/2024/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 4/10/2024), tùy diện tích đất bị hủy hoại, sẽ bị phạt từ 2 - 100 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại, lấn chiếm đất đai làm suy giảm chất lượng đất; phạt 5 - 200 triệu đồng đối với hành vi làm biến dạng địa hình. Trường hợp hủy hoại đất đai nhưng không thể khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất, mức xử phạt bằng 2 lần mức phạt với loại đất tương ứng, song tối đa không quá 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức.
Bên cạnh việc quy định chi tiết về các trường hợp không thể khôi phục hiện trạng đất bị hủy hoại, Quyết định 02/2025/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng nêu rõ việc xử lý đối với các trường hợp đất bị hủy hoại còn khả thi phục hồi. Theo đó, người vi phạm phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật để đưa đất về trạng thái ban đầu hoặc tương đương.
Các biện pháp này bao gồm khôi phục độ dày tầng đất canh tác; bóc tách, loại bỏ vật liệu, chất thải, tạp chất khỏi đất; cải tạo đất để khôi phục chất lượng; hoàn trả lại độ dốc và cao độ bề mặt đất; khôi phục lại mặt nước đối với đất có mặt nước chuyên dùng;…
Việc thực hiện các biện pháp này phải tuân thủ các quy định pháp luật, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến môi trường và các khu vực xung quanh.
Về trách nhiệm và tổ chức chức thực hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc xác định các trường hợp không thể khôi phục, kiểm tra, xác nhận kết quả khôi phục; Ủy ban nhân dân các cấp và các Sở, ban, ngành có trách nhiệm phổ biến và thực hiện quy định này.