Quảng Nam kiến nghị ban hành Luật Sâm Việt Nam

Tỉnh Quảng Nam nhận thấy cần cơ chế chính sách và nguồn lực đủ mạnh để phát triển tiềm năng vùng nguyên liệu và thu hút đầu tư để phát triển cây Sâm Ngọc Linh.

Ngày 10-7, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này kiến nghị, đề xuất một số chủ trương về phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Hàng loạt khó khăn

Quảng Nam là một trong 2 địa phương (cùng với tỉnh Kon Tum) có cây đặc hữu Sâm Ngọc Linh, được xem là cây quốc bảo của Việt Nam. Hiện nay, cây Sâm Ngọc Linh đã và đang từng bước phát triển, tạo nên diện mạo mới và thu nhập ổn định cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

 Quảng Nam kiến nghị ban hành Luật Sâm Việt Nam. Ảnh: HT

Quảng Nam kiến nghị ban hành Luật Sâm Việt Nam. Ảnh: HT

Theo ông Bửu, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh đã đạt được một số kết quả bước đầu; bên cạnh đó còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.

Cụ thể, Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua quy định nội dung cho thuê môi trường rừng trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu.

Tuy nhiên, chưa có quy định về trình tự thủ tục về hồ sơ, quy định về thời gian thuê, mức giá thuê và hạn mức thuê để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương.

Theo Nghị định 84/2021, Sâm Ngọc Linh tự nhiên thuộc nhóm IA do Cơ quan quản lý CITES cấp mã số cơ sở nuôi, trồng vì mục đích xuất khẩu. Nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể xác định Sâm Ngọc Linh tự nhiên và Sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo.

Do đó, cơ quan chức năng gặp khó trong việc tham mưu, đề xuất cấp mã số cho cơ sở nuôi, trồng đối với Sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và triển khai phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng đến xuất khẩu đối với Sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo.

Tỉnh Quảng Nam đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm phát triển Sâm Ngọc Linh tại địa phương nhưng chưa đủ mạnh; khả năng thu hút đầu tư, phát triển, xây dựng hình thành các nhà máy, khu công nghiệp dược còn nhiều hạn chế. Toàn tỉnh chưa hình thành được các vùng sản xuất dược liệu nguyên liệu tập trung theo GACP.

Khâu chế biến chưa sâu, sản phẩm chưa có thương hiệu nên chưa tạo được lòng tin của người tiêu dùng trong việc sử dụng các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển Sâm Ngọc Linh còn mỏng. Công tác bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh của tỉnh vẫn chưa thể triển khai một cách bài bản, phát triển manh mún, mạnh ai nấy làm…

Bên cạnh công tác trồng, sản xuất thì việc đồng bộ các công trình về kết cấu hạ tầng giao thông thực hiện liên kết vùng Sâm chủ yếu dựa vào nguồn lực địa phương nên còn rất nhiều hạn chế; chưa đảm bảo và tương xứng với nhu cầu phát triển hàng hóa, du lịch và kêu gọi các nguồn đầu tư đủ mạnh để phát triển vùng Sâm Ngọc Linh.

 Quảng Nam đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm phát triển Sâm Ngọc Linh tại địa phương nhưng chưa đủ mạnh. Ảnh: HT

Quảng Nam đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm phát triển Sâm Ngọc Linh tại địa phương nhưng chưa đủ mạnh. Ảnh: HT

Kiến nghị ban hành Luật Sâm Việt Nam

Tỉnh Quảng Nam nhận thấy cần phải có một cơ chế chính sách và nguồn lực đủ mạnh để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển tiềm năng vùng nguyên liệu và thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây Sâm Ngọc Linh.

Từ đó mới hình thành được Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam theo chủ trương và đề án đang được Bộ Y tế và tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện và Chương trình phát triển Sâm Việt Nam của Thủ tướng.

Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, sản phẩm dược liệu được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực (trong đó cây Sâm Ngọc Linh được xem là sản phẩm chủ lực cấp Quốc gia), từ đó xây dựng tỉnh này thành vùng dược liệu cấp quốc gia.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, ngành trung ương hỗ trợ.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Luật Sâm Việt Nam, Chính phủ chủ trương đầu tư hạ tầng thủ phủ vùng Sâm Ngọc Linh, kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển Sâm tại Quảng Nam, chọn 1 ngày trong năm người dân Việt Nam dùng Sâm Việt Nam (đề xuất ngày 1-8 hằng năm).

 Ngoài ban hành Luật Sâm Việt Nam, tỉnh Quảng Nam còn đề nghị các cơ quan trung ương nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: HT

Ngoài ban hành Luật Sâm Việt Nam, tỉnh Quảng Nam còn đề nghị các cơ quan trung ương nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: HT

Tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ NN& PTNT sớm quan tâm hướng dẫn việc thuê dịch vụ môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh và dược liệu theo Điều 248 Luật Đất đai năm 2024.

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thống nhất tổ chức Lễ hội Sâm quốc gia tại Quảng Nam vào năm 2025, chương trình phát triển du lịch Sâm Việt Nam. Bộ Y tế sớm thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực.

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất các đề tài, chương trình nghiên cứu về Sâm Ngọc Linh, như: di thực sâm xuống độ cao thấp hơn có điều kiện tương đồng, công nghiệp sâm,…

THANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/quang-nam-kien-nghi-ban-hanh-luat-sam-viet-nam-post799796.html
Zalo