Quảng Nam hướng đến top 25 địa phương dẫn đầu cải cách hành chính
Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính năm 2025.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2025, nhằm nâng cao chất lượng cải cách hành chính (CCHC), cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chuyển đổi số toàn diện, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, ứng dụng hiệu quả công nghệ số, tạo đột phá trong CCHC.
Đồng thời xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu quả và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, trọng tâm CCHC là xây dựng hệ thống cơ quan nhà nước các cấp tinh gọn, thông suốt và hoạt động hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.
Quảng Nam cũng đặt mục tiêu 100% các văn bản hướng dẫn, thi hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế phù hợp, kịp thời theo quy định.
Hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...
100% hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền được thực hiện bằng phương thức điện tử và TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước được công khai đầy đủ, kịp thời.
100% TTHC đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 80% trở lên.
100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa; 100% kết quả của các TTHC được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp;
100% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính đủ điều kiện được thanh toán trực tuyến, trong đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt trên 95%.
100% bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp xã đạt chuẩn về trang thiết bị và cấp huyện phải đạt chuẩn hiện đại.
Đặc biệt, các chỉ số: CCHC (PAR-INDEX), hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT-INDEX), chuyển đổi số (DTI) của tỉnh phải được cải thiện và nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.