Quảng Nam dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát
Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát theo tinh thần phát động của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thời gian qua, Quảng Nam đã triển khai sâu rộng trên quy mô toàn tỉnh với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ cả hệ thống chính trị, bằng nhiều cách làm khác nhau nhằm phấn đấu xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh vào năm 2025.
Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22 đề ra mục tiêu quyết tâm hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh vào năm 2025 nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Tam Quang là xã đông dân và giàu có của huyện Núi Thành, nhưng vẫn còn một hộ người có công, bảy hộ nghèo và cận nghèo còn sống trong ngôi nhà tạm bợ. Thuộc diện hộ nghèo của xã, khi lấy vợ sinh con, cả năm người gia đình ông Phạm Văn Tôi (thôn Trung Toàn, xã Tam Quang) sống trong căn nhà cũ kỹ, xiêu vẹo và đã xuống cấp nghiêm trọng. Triển khai thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2024 của huyện Núi Thành, ông Tôi may mắn là đối tượng được hỗ trợ xây nhà mới với kinh phí 80 triệu đồng.
Với số tiền này, cùng sự hỗ trợ của Hội đồng hương Núi Thành tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, ông Tôi đã xây được căn nhà mới với kinh phí khoảng 250 triệu đồng. Ông Tôi bộc bạch, được Ðảng, Nhà nước và Hội đồng hương hỗ trợ tiền để xây nhà mới, cả gia đình ông rất vui mừng khi ước mơ được ở trong nhà mới kiên cố đã thành hiện thực.
Nằm trong diện hộ nghèo của xã, gia đình anh Hồ Văn Tiến (thôn Trà Huỳnh, xã Sông Trà, huyện Hiệp Ðức) có bốn con nhỏ đang trong tuổi ăn, tuổi học, vợ chồng anh không có việc làm ổn định, kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc làm thuê. Căn nhà cũ lại xuống cấp, không đủ kinh phí để sửa chữa. Cuối năm 2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Sông Trà đã hỗ trợ kinh phí để gia đình anh Tiến xây dựng nhà ở cấp bốn, bảo đảm "ba cứng" (nền cứng, khung cứng, mái cứng) và đầy đủ công năng sử dụng. Anh Tiến chia sẻ, giờ có nhà mới kiên cố, anh sẽ cố gắng làm ăn để thoát nghèo.
Ðể hoàn thành mục tiêu xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh Quảng Nam đã vận động các đoàn thể chính trị-xã hội hỗ trợ, kêu gọi người dân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ với tinh thần "Ai có gì giúp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều". Phó Bí thư Huyện đoàn Quế Sơn Nguyễn Tấn Quốc chia sẻ, phát huy tinh thần thanh niên xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, lực lượng đoàn thanh niên trên địa bàn huyện đã tập trung thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Thời gian qua, màu áo xanh thanh niên Quảng Nam đã và đang góp sức xây dựng những ngôi nhà mới khang trang, thay thế cho những căn nhà tạm ọp ẹp, dột nát của người dân khó khăn. Những mái ấm được hoàn thành mang đến niềm vui cho nhân dân, qua đó còn giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Xóa nhà tạm, nhà dột nát vào năm 2025
Theo kết quả rà soát phê duyệt, tổng số nhà tạm cần được hỗ trợ tại Quảng Nam là hơn 10.940 nhà; trong đó, xây dựng mới 7.927 nhà; sửa chữa 3.018 nhà. Tính đến tháng 12/2024, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 4.105 nhà; trong đó, xây dựng mới 2.540 nhà và sửa chữa 1.565 nhà, đạt tỷ lệ 37,5%.
Nghị quyết số 13/2023/NQ-HÐND, ngày 22/9/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam quy định mức hỗ trợ 60 triệu đồng đối với nhà xây mới, 30 triệu đồng đối với nhà sửa chữa. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã linh động lồng ghép các nguồn xã hội hóa để nâng mức hỗ trợ. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hiệp Ðức Huỳnh Hữu Cường cho biết, ngoài quy định của Nghị quyết số 13 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, huyện còn huy động thêm các nguồn xã hội hóa để tăng mức hỗ trợ. Ðến nay, huyện Hiệp Ðức đã hoàn thành xây dựng 127 nhà mới cho người có công, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn, với tổng trị giá gần 14 tỷ đồng và trở thành địa phương đầu tiên của Quảng Nam hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Ðể hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn vào năm 2025, Quảng Nam đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, đề án và các kế hoạch để triển khai thực hiện cụ thể. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam thành lập Ban vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh, kịp thời ban hành thư kêu gọi, tổ chức lễ phát động, vận động mọi nguồn lực có thể. Ðến trung tuần tháng 12/2024, Ban vận động tỉnh và cấp huyện thu về gần 62 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chủ trương lớn mang đầy tính nhân văn của Ðảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống người dân, do đó cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam tiếp tục hỗ trợ kinh phí xóa xong nhà tạm trong năm 2025 từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vận động xã hội hóa hiện có.
Nội dung quan trọng khác là tăng cường đôn đốc, làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp đã đăng ký hỗ trợ chuyển kinh phí về Quỹ xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh để bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ xóa xong nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025. Ðối với hộ quá khó khăn không có nguồn kinh phí đối ứng, tỉnh thành lập đội xung kích gồm các lực lượng bộ đội và đoàn thanh niên các địa phương hỗ trợ các hộ gia đình về nhân lực nhằm giảm chi phí xây dựng để bảo đảm với nguồn kinh phí hỗ trợ vẫn xây dựng được ngôi nhà đạt tiêu chí đề ra.
"Tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, của tỉnh, sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, Quảng Nam sẽ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát vào năm 2025, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân", đồng chí Lê Trí Thanh kỳ vọng.