Quảng cáo trên mạng xã hội vẫn còn kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng

Quảng cáo trên các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội và các ứng dụng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, tuy nhiên thực hư về chất lượng, hiệu quả thực sự của các sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo chưa kiểm soát được.

Quá nhiều bất cập về quảng cáo trên nền tảng số, mạng xã hội

Thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo chiều 8/11, đại biểu Trần Quốc Tuấn, đoàn Trà Vinh cho biết, thực tế hiện nay quảng cáo trên các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội và các ứng dụng trực tuyến, ngày càng trở nên phổ biến, trong chiến lược tiếp thị của các doanh nghiệp và tổ chức, đặc biệt là trong bối cảnh số hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhưng chưa có quy định rõ ràng và hiệu quả.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, đoàn Trà Vinh (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, đoàn Trà Vinh (Ảnh: Quốc hội)

Từ đó đã xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo qua livestream, video ngắn, hay quảng cáo tự động, cá biệt là nhiều người Trung quốc quảng cáo bán hàng trên Tiktok hay sàn giao dịch thương mại điện tử Shein và Temu, bán các sản phẩm chuyên về “thời trang nhanh”… gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng và ngăn ngừa các hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

“Những quảng cáo này thường có những cam kết không thực tế về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, phóng đại quá mức hoặc không minh bạch về thông tin, dẫn đến mất niềm tin vào thị trường và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính”, đại biểu đoàn Trà Vinh nêu ý kiến.

Đáng lo ngại nhất là các sản phẩm trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng như: sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chức năng, thuốc bổ, hoặc các sản phẩm chữa bệnh quảng cáo là “cải thiện sức khỏe toàn diện” hoặc “công dụng thần kỳ”, nhưng thực tế không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh cho các lời khẳng định này...

“Các dịch vụ tài chính như vay tiền, thẻ tín dụng, tín dụng đen, bảo hiểm… có thể quảng cáo các điều kiện rất hấp dẫn như “vay tiền không lãi suất”, “hưởng lãi suất 0%”, nhưng thực tế có thể ẩn chứa nhiều khoản phí khác hoặc các điều kiện rất phức tạp mà người tiêu dùng không dễ dàng nhận ra…”, đại biểu Trần Quốc Tuấn dẫn chứng.

Chưa kể đến các quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ không đảm bảo thông tin chính sách với chất lượng không đúng như dịch vụ đào tạo các khóa học trực tuyến, dịch vụ làm giấy tờ xe, giấy tờ bằng cấp giả...

“Luật Quảng cáo sửa đổi cần có các quy định chặt chẽ hơn về việc kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, yêu cầu các đơn vị quảng cáo phải minh bạch, cung cấp thông tin rõ ràng, đáng tin cậy để không đánh tráo khái niệm về thông tin sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, đại biểu đoàn Trà Vinh kiến nghị.

Đại biểu Đỗ Văn Yên, đoàn Bà rịa – Vũng tàu (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Đỗ Văn Yên, đoàn Bà rịa – Vũng tàu (Ảnh: Quốc hội)

Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Văn Yên, đoàn Bà rịa – Vũng tàu bày tỏ quan ngại về chất lượng sản phẩm quảng cáo trên nền tảng số không chất lượng hiệu quả, nhất là việc sử dụng hình ảnh, lời nói của người nổi tiếng để quảng cáo nhưng sản phẩm quảng cáo kém chất lượng.

Đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị cần quy định cụ thể để kiểm soát vấn đề này và có chế tài xử lý cụ thể.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, đại biểu Đỗ Văn Yên cho rằng trong bối cảnh hoạt động quảng cáo đang rất đa dạng trên cả báo in, báo mạng, nền tảng số xuyên biên giới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch rất khó đảm đương việc thẩm tra toàn diện.

Vì thế nên giao về cho từng bộ ngành liên quan đến quản lý nhà nước đối với sản phẩm quảng cáo đó thực hiện thẩm định sẽ phù hợp hơn.

Cần sửa đổi cả Luật Quảng cáo mới theo kịp thực tiễn

Còn theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, quảng cáo rất quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội (Ảnh: Quốc hội)

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội (Ảnh: Quốc hội)

Tổng doanh thu của quảng cáo năm 2023 là khoảng 2,3 tỷ USD. Không chỉ là một ngành kinh tế, giờ đây, quảng cáo còn là một ngành công nghiệp văn hóa. Đây cũng là cách tiếp cận mới, rất cần lưu ý để tạo thêm sức sống cho ngành quảng cáo.

Xét từ góc độ của công nghiệp văn hóa, quảng cáo cần chú ý đầy đủ đến 4 vấn đề gồm: Nguồn nhân lực quảng cáo, nội dung quảng cáo, nhất là nội dung văn hóa trong quảng cáo, công nghệ quảng cáo, và kỹ năng kinh doanh quảng cáo.

“Nếu thực sự chúng ta muốn thay đổi cách tiếp cận về quảng cáo, chúng ta cần sửa đổi toàn diện Luật Quảng cáo, chứ không chỉ sửa đổi 1 số điều về luật quảng cáo”, đại biểu Bùi Hoài Sơn bày tỏ.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, trách nhiệm của Người chuyển tải quảng cáo là một quy định mới rất đang quan tâm trong bối cảnh hiện nay, khi mà các phương tiện truyền thông mới đang dần đóng vai trò quan trọng trong thị trường quảng cáo.

“Vì thế, biện pháp quản lý hậu kiểm sẽ là một giải pháp ưu tiên thì quy định với người chuyển tải quảng cáo càn cụ thể, chi tiết, để tránh việc tùy tiện trong thể hiện quảng cáo”, đại biểu đoàn Hà Nội chỉ rõ.

Đối với quảng cáo trên báo chí, cần tạo điều kiện để báo chí có thêm cơ hội quảng cáo khi hiện nay quảng cáo trên báo chí gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh với các loại hình truyền thông mới.

Đối với quảng cáo trên không gian mạng, đại biểu Bùi Hoài Sơn cũng thừa nhận đây là vấn đề mới, khó.

“Chúng ta đã có kinh nghiệm quản lý theo hình thức hậu kiểm. Đây có lẽ là bài học có thể áp dụng cho quảng cáo. Muốn vậy thì các quy định sẽ càng cụ thể càng tốt, vì thế tôi nghĩ việc giao Chính phủ quy định chi tiết sẽ đáp ứng tốt hơn”, đại biểu đoàn Hà Nội đề xuất.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quang-cao-tren-mang-xa-hoi-van-con-ke-ho-de-ke-xau-loi-dung-post1134138.vov
Zalo