ĐB Quốc hội: Xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo thổi phồng, sai sự thật

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù đã có quy định xử phạt các hành vi quảng cáo thổi phồng, sử dụng hình ảnh của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo nhưng việc áp dụng chưa nhiều và chưa đủ tính răn đe.

Chiều 8/11, thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Quang cảnh thảo luận tại tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh

Quang cảnh thảo luận tại tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh

Nhiều trường hợp quảng cáo sai chỉ xin lỗi là xong

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Phan Thị Thanh Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo quy định rõ hơn trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan trong hoạt động quảng cáo - đặc biệt là trách nhiệm của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, thông tin cung cấp về sản phẩm để người chuyển tải sản phẩm quảng cáo thực hiện hoạt động quảng cáo.

Liên quan đến việc xử lý các hành vi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng, sử dụng hình ảnh của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo, đại biểu Phan Thị Thanh Phương cho rằng, mặc dù các quy định về xử phạt đối với các hành vi này đã được bổ sung vào Dự thảo Luật, tuy nhiên việc áp dụng các biện pháp này trong thực tế vẫn chưa nhiều và chưa đủ tính răn đe. Nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật khi bị phát giác cũng chỉ lên tiếng xin lỗi là xong.

Do vậy, đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần phải có chế tài mạnh hơn để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để làm gương, tạo tác động răn đe.

Tham gia thảo luận, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, quảng cáo không chỉ liên quan đến kinh tế, mà còn là văn hóa, hay rộng hơn là một ngành công nghiệp văn hóa. Với những tính chất đặc thù này, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là rất cần thiết.

Đại biểu Phan Thị Thanh Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu Phan Thị Thanh Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu nêu thực trạng nội dung quảng cáo trên không gian mạng hiện nay rất khó kiểm soát, trong khi các quy định của hiện hành chưa đề cập đến vấn đề những chuyển tải quảng cáo là người nổi tiếng, nghệ sỹ... đã tạo lỗ hổng lớn. "Khi các quảng cáo được chuyển tải lên không gian mạng, nếu không kiểm soát được những người chuyển tải quảng cáo thì sẽ không kiểm soát được sản phẩm quảng cáo. Những bức xúc trong xã hội vừa qua đã được đưa vào Dự thảo Luật lần này".

Đại biểu Bùi Hoài Sơn đề nghị Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cần quy định chi tiết việc kiểm soát nội dung quảng cáo trên không gian mạng để phù hợp với xu thế của thế giới cũng như thực tiễn hiện nay.

Tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thu hút nguồn lực quảng cáo

Góp ý vào nội dung của Dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hồng An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, Dự thảo Luật đã sửa đổi khái niệm về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo để phù hợp với thực tiễn hiện nay; đồng thời bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng (trong đó có đối tượng là văn nghệ sĩ, người nổi tiếng…) theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

Dự thảo Luật cũng quy định về nội dung quảng cáo phải trung thực, chính xác, rõ ràng; không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi các quy định về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên truyền hình nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan báo chí thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, nâng cao chất lượng nội dung, bảo đảm sức cạnh tranh với các hình thức quảng cáo trên mạng.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị tiếp tục sửa đổi các quy định theo hướng đẩy mạnh việc phân định thẩm quyền, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về quảng cáo cho chính quyền các cấp; cắt, giảm các thủ tục hành chính không còn phù hợp; giảm một số trường hợp phải xin giấy phép thay đổi bằng hình thức hậu kiểm, tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, quy định quảng cáo trên báo chí cần tạo điều kiện hơn nữa cho báo in trong hoạt động quảng cáo vì nguồn thu từ quảng cáo với báo chí giảm nhiều. Các cơ quan báo chí ở cơ chế tự chủ, việc không tận dụng được nguồn lực từ quảng cáo gây khó khăn cho hoạt động. Vì thế, cần tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thu hút nguồn lực quảng cáo.

Đối với quảng cáo trên truyền hình, đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu thực tế có những quảng cáo vô tình, bất chợt xuất hiện trên truyền hình, có nhiều quảng cáo vi phạm nhưng không có biện pháp kiểm soát. Ví dụ như truyền hình tại sự kiện thể thao, nghệ thuật vô tình chiếu những hình ảnh mà các hãng đó quảng cáo sẽ thành vi phạm. Vì thế, cần có quy định để loại trừ những trường hợp này nhằm tránh vi phạm cho các chương trình truyền hình.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/db-quoc-hoi-xu-ly-nghiem-cac-truong-hop-quang-cao-thoi-phong-sai-su-that.html
Zalo