Quảng Bình: Đề xuất phương án sử dụng vật chất nạo vét xây dựng cảng
Thực hiện Dự án Cảng tổng hợp Quốc tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình đã quyết định hủy vị trí dự kiến đổ vật chất nạo vét và lựa chọn phương án khác phù hợp sau khi đánh giá tác động môi trường và lắng nghe ý kiến người dân.
Ngày 17.12, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết đã thông tin đến người dân thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) về việc hủy vị trí dự kiến đổ vật chất nạo vét tại bờ biển thôn này, trong quá trình thực hiện Dự án Cảng tổng hợp Quốc tế Hòn La của của Công ty Cổ phần Cảng Hòn La.
Trước đó, Báo Đại biểu Nhân dân đã thông tin về việc người dân địa phương lo lắng với việc thi công thực hiện nạo vét luồng và khu quay trở, khu đậu tàu của Dự án Cảng tổng hợp Quốc tế Hòn La, sẽ làm phát sinh vật chất nạo vét. Lượng vật chất này được đề xuất phương án đổ trên bờ biển thôn Thọ Sơn.
Sau khi lắng nghe ý kiến của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Cảng tổng hợp Quốc tế Hòn La, trong đó toàn bộ khối lượng vật chất nạo vét của Dự án được đưa vào mục đích sử dụng san lấp mặt bằng của cảng.
Do đó, Công ty Cổ phần Cảng Hòn La không thực hiện việc đổ vật chất nạo vét của dự án tại khu vực bãi biển thôn Thọ Sơn, theo văn bản trước đó về việc chấp thuận vị trí đổ vật chất nạo vét đối với Dự án Cảng tổng hợp Quốc tế Hòn La.
Cũng theo thông tin của cơ quan chức năng, trường hợp Dự án phát sinh nhu cầu đổ vật chất nạo vét thì chủ dự án có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tìm vị trí phù hợp để trình cơ quan thẩm quyền xem xét.
Được biết, Dự án Cảng tổng hợp Quốc tế Hòn La của Công ty Cổ phần Cảng Hòn La được Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1159/QĐ-KKT ngày 5.9.2022 và phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Cảng tổng hợp Quốc tế Hòn La tại Quyết định số 177/QĐ-KKT ngày 7.2.2024. Dự án nhằm nhằm đáp ứng thuận lợi việc vận chuyển hàng hóa của địa phương và làm tăng tính liên kết hành lang kinh tế Đông - Tây.