Quảng Nam: gỡ vướng mặt bằng, không để dự án trăm tỷ 'lỡ hẹn' về đích

Dự án cầu Bình Sa đi Bình Hải dự kiến thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 6/2025. Nhưng đến nay tiến độ thi công mới giải ngân được khoảng 32 tỷ đồng, mặt bằng nhiều đoạn chưa giải phóng, việc hoàn thành dự án còn gian nan.

Khối lượng thi công hạn chế

Dự án cầu Bình Sa đi Bình Hải (cầu Tây Giang) được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3878/QĐ-UBND ngày 29/12/2021; chủ đầu tư là UBND huyện Thăng Bình với dự toán được duyệt hơn 203 tỷ đồng.

Dù rất được kỳ vọng nhưng dự án cầu Bình Sa đi Bình Hải (cầu Tây Giang) vẫn đang gặp nhiều khó khăn về tiến độ thi công cũng như công tác GPMB.

Dù rất được kỳ vọng nhưng dự án cầu Bình Sa đi Bình Hải (cầu Tây Giang) vẫn đang gặp nhiều khó khăn về tiến độ thi công cũng như công tác GPMB.

Hạng mục cầu Tây Giang với 9 nhịp giản đơn, chiều dài cầu 371m; đường dẫn với chiều dài gần 3km, hệ thống điện chiếu sáng toàn tuyến. Công trình được khởi công vào tháng 10/2023, dự kiến thông xe kỹ thuật trước ngày 30/6/2025.

Cầu Tây Giang bắc qua sông Trường Giang khi hoàn thành sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế.

Ban Quản lý dự án đô thị huyện Thăng Bình cho biết công trình có tổng số thửa đất cần giải phóng mặt bằng (GPMB) là 277 (Bình Sa: 194, Bình Hải: 83). Hiện 246 thửa đất đã phê duyệt phương án bồi thường, trong đó 238 thửa đất đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng; 8 thửa đất chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng.

Huyện đã thực hiện đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công phần đường dẫn với chiều dài 2,711km/2,9762km và các mố, trụ cầu M1, M2, T4, T5, T6, T7 và T8. Tính đến hết tháng 11, tiến độ thi công trên công trình mới đạt khối lượng khoảng 31,53 tỷ đồng.

Ghi nhận thực tế của phóng viên, Công ty TNHH Dịch vụ xây dựng Minh Khang đang tập trung triển khai cọc khoan nhồi, dầm cầu và làm hố móng. Khối lượng các hạng mục đạt khoảng 50%. Song song, nhà thầu còn chủ động làm mặt bằng đường để vận chuyển vật liệu và thiết bị máy móc.

Theo ghi nhận của phóng viên, dự án đang còn nhiều đoạn vướng mặt bằng. Tiến độ thi công của nhà thầu cũng chưa được đảm bảo.

Theo ghi nhận của phóng viên, dự án đang còn nhiều đoạn vướng mặt bằng. Tiến độ thi công của nhà thầu cũng chưa được đảm bảo.

Riêng đường dẫn, Công ty CP Xây dựng công trình 545 chủ yếu thực hiện thi công bên địa phận xã Bình Hải. Nhưng nhìn chung khối lượng xây lắp vẫn chưa nhiều, thậm chí nhân công và máy móc còn hạn chế.

Theo đại diện liên danh nhà thầu, dự án được chính thức khởi công vào tháng 10/2023 nhưng phải đến tháng 6/2024 mới đẩy nhanh được tiến độ.

Dự án bị vướng mặt bằng, không có hệ thống đường dẫn để di chuyển máy móc và tập kết vật liệu. Đơn vị phải chủ động đổ đất, chặn dòng sông và mở đường để phóng tuyến. Vì vậy khối lượng thi công còn chậm, chưa được như kỳ vọng.

Tránh làm cầu xong không có đường dẫn

Ban Quản lý dự án đô thị cho biết, có 8 thửa đất đã phê duyệt phương án nhưng chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó 2 thửa đất thủy sản không đủ điều kiện bồi thường của ông Nguyễn Văn Ánh và đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Huyện đã đề nghị UBND xã Bình Sa tiếp tục vận động để các hộ bàn giao mặt bằng.

Còn 31 thửa đất chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Điển hình 3 thửa đất liên quan đến bố trí tái định cư của hộ ông Trịnh Văn Thắng, Trịnh Văn Ngữ và Hoàng Thế Anh; 1 thửa đất có giấy chứng nhận QSDĐ công nhận đất ở trước 18/12/1980, phải thực hiện thừa kế, hủy giấy chứng nhận, công nhận lại hạn mức đất ở, nhưng hộ dân chưa thống nhất; 27 thửa đất đã họp xét nguồn gốc đất.

Ông Nguyễn Kim Tư - Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết công tác GPMB phần cầu cơ bản đáp ứng đủ để nhà thầu thi công. Tuy nhiên hệ thống đường dẫn vẫn còn vướng khoảng 20 thửa đất, 235 ngôi mộ. Địa phương đang phối hợp với các bên để chi trả tiền cũng như vận động. Dự án trong quá trình thi công còn ảnh hưởng đến kiến trúc nhà của 6 hộ dân. Chính quyền xã đã phối hợp với nhà thầu, chủ đầu tư và đơn vị bảo hiểm để làm việc, thống nhất biện pháp thi công phù hợp.

Theo bà Phan Thị Nhi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, công tác GPMB của dự án còn nhiều khó khăn, nhất là các hộ liên quan đến nuôi thủy sản. Cụ thể, dự án ảnh hưởng 3 trường hợp nuôi trồng thủy sản nhưng thuộc đất không đủ điều kiện được bồi thường. Trong đó có một trường hợp tại xã Bình Sa đã khởi kiện và TAND tỉnh Quảng Nam đã bác nội dung đơn kiện. UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Bình Sa, các ngành liên quan tiếp tục gặp gỡ, tuyên truyền, vận động để các hộ đồng thuận, thống nhất bàn giao mặt bằng.

Huyện cũng tập trung chỉ đạo xây dựng Khu dân cư nông thôn mới Tây Giang và yêu cầu nhà thầu thi công hoàn thành trong quý I/2025 để phục vụ bố trí tái định cư cho 3 hộ dân ảnh hưởng dự án.

Ngày 6/12/2024, UBND huyện đã ban hành Công văn chỉ đạo số 2940/UBND-BQL để phân công nhiệm vụ, giao việc cho từng đơn vị, phấn đấu sớm hoàn thành và bàn giao 100% mặt bằng.

Mục tiêu của dự án là thông xe kỹ thuật vào tháng 6/2025.

Mục tiêu của dự án là thông xe kỹ thuật vào tháng 6/2025.

Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình khẳng định, địa phương sẽ đôn đốc công tác GPMB, tránh trường hợp làm xong cầu nhưng không có đường dẫn cho người dân đi. Hiện phía xã Bình Hải đã cơ bản đáp ứng được tiến độ GPMB, xã Bình Sa còn vướng phần đất tái định cư. “Dự án đặt quyết tâm hợp long trong tháng 7/2025 để chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 22” - ông Hùng nói.

Tấn Việt

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-nam-go-vuong-mat-bang-khong-de-du-an-tram-ty-lo-hen-ve-dich.html
Zalo