Quảng bá văn hóa, du lịch bằng nền tảng số

Hơn hai năm qua, Tây Bắc TV được biết đến là một kênh truyền thông du lịch, văn hóa với hơn 6 triệu người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, kết nối đồng bào Tây Bắc, tạo sinh kế, cải thiện đời sống.

Kênh truyền thông này mang đến kinh nghiệm trong việc quảng bá du lịch, văn hóa bằng nền tảng số.

Chị Khà Thị Hạnh (bìa phải) hướng dẫn chị em làm video marketing về quy trình sản xuất viên hà thủ ô mật ong vừng.

Chị Khà Thị Hạnh (bìa phải) hướng dẫn chị em làm video marketing về quy trình sản xuất viên hà thủ ô mật ong vừng.

Khởi nghiệp từ quê hương

Những hình ảnh về núi rừng Tây Bắc hoang sơ, phong cảnh núi non hùng vĩ, ẩn chứa sức sống tiềm tàng của muôn loài; cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao cùng nhiều kinh nghiệm dân gian, những mẫu trang phục rực rỡ sắc màu, những thanh âm vừa réo rắt, vui tươi, vừa trầm buồn man mác của nhạc cụ truyền thống... phần nào đã được gửi gắm qua những video, clip ngắn của Kha Hạnh Tây Bắc TV (tên thật là Khà Thị Hạnh).

Sinh ra và lớn lên tại Tây Bắc, chứng kiến cuộc sống còn nhiều khó khăn của đồng bào, tuy làm ra nhiều nông sản sạch và dược liệu quý nhưng chưa biết cách quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, Khà Thị Hạnh muốn làm điều gì đó để giúp đỡ mọi người.

Chị cùng chồng là anh Hà Tiến Dũng xây dựng kênh Tây Bắc TV chuyên về văn hóa, du lịch, ẩm thực để quảng bá, đưa nông sản của vùng đất này đến với mọi miền Tổ quốc.

Anh Dũng kể: Một lần khi tới Sà Dề Phìn (Sìn Hồ, Lai Châu), anh bị ám ảnh trước những cây táo mèo lâu năm vào mùa thu hoạch nhưng trái rụng đầy gốc, không ai mua.

“Người dân không biết cách chuẩn hóa việc sản xuất, không đảm bảo được quy trình sản xuất an toàn, khi làm ra thì mẫu mã chưa đẹp, không biết cách bán hàng, giới thiệu sản phẩm. Chúng tôi nghĩ mình có trách nhiệm giúp bà con” - anh Hà Tiến Dũng nói.

Chị Khà Thị Hạnh và anh Hà Tiến Dũng không phải là những người đầu tiên làm video về ẩm thực, du lịch, văn hóa Tây Bắc. Tuy vậy, hiện có không ít video gây hiểu nhầm về thói quen sinh hoạt, văn hóa ẩm thực của bà con, vô tình hoặc cố ý làm xấu đi hình ảnh cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc nơi đây.

Những video của Tây Bắc TV hướng đến sự chân thực, miêu tả cụ thể, đồng thời tạo ra sự tranh luận, dẫn dắt người xem tìm hiểu sự thật. Dõi theo bước chân của chị Khà Thị Hạnh hay những người dân địa phương, qua các video clip, thấy hình ảnh người con gái Thái “dạo chơi” giữa núi rừng hùng vĩ, lúc đi tìm cây thuốc quý, lúc ra chợ phiên với bao nhiêu nông sản và món ăn ngon chỉ ở vùng cao mới có...

Hình ảnh những cô gái dân tộc lúc lên rừng hái măng, lúc thong dong tới chợ phiên thưởng thức những món ăn dân dã... đã góp phần truyền cảm hứng cho mọi người. Cũng nhờ đó, mọi người biết đến thịt gác bếp chuẩn thế nào là ngon, hiểu thêm về thổ nhưỡng, cách làm và sử dụng bài thuốc dân gian quý nổi tiếng của Tây Bắc...

Gần 40 tuổi mới bắt tay khởi nghiệp, Khà Thị Hạnh từ một người phụ nữ không rành về công nghệ, nay đã tự tin đứng trước ống kính giới thiệu nông sản, cách làm những món ăn đặc trưng của Tây Bắc, các thức uống mát gan, giải độc theo kinh nghiệm của ông cha...

“Những video ban đầu không có ai xem, làm vài trăm video mà chưa có video nào lên đến 10.000 lượt xem. Thế nhưng, bỗng một ngày khi thức dậy, tôi bất ngờ nhận thấy đã có một video được hơn 100.000 lượt xem, 500.000 lượt xem rồi đến 1 triệu lượt xem. Lúc đó tôi như vỡ òa và tin vào con đường mình đã chọn” - chị Hạnh cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm cho cộng đồng

Nhiều năm về trước, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số thường bị giới hạn khả năng do trách nhiệm với gia đình, thậm chí bị đối xử khắt khe bởi hủ tục. Bởi vậy, hình ảnh cô gái Thái Khà Thị Hạnh xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội đã góp phần truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ khởi nghiệp. Năm 2023, chị Khà Thị Hạnh đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao giải Khuyến khích cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”.

Cùng với người bạn đồng hành là anh Hà Tiến Dũng và Hà Khắc Tuấn Anh, ngoài kênh Tây Bắc TV, họ cùng nhau xây dựng các kênh khác như “Cô gái Dao”, “Cô gái Thái”, kênh “Mike Mida”... Khi đã có kinh nghiệm xây dựng kênh cho riêng mình, Khà Thị Hạnh đã tìm đến Sở Công Thương, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu, về từng xã, bản để hướng dẫn bà con quy trình xây dựng kênh, cách livestream bán hàng, quảng bá sản phẩm cũng như giới thiệu cái hay, cái đẹp của địa phương trên mạng xã hội. Nhờ đó, Tây Bắc TV đã được trao tặng giải thưởng “Thương hiệu Vàng vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam”, cùng các bằng khen của UBND tỉnh Lai Châu và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong việc làm truyền thông du lịch, văn hóa trên nền tảng số, anh Hà Tiến Dũng cho rằng, điều quan trọng là phải phát huy được tính cộng đồng. Theo anh, tính cộng đồng là nét đặc sắc của bà con Tây Bắc. Trong mỗi lễ cưới, người dân thường để dành gạo nếp góp cùng gia chủ. Những buổi tối liên hoan văn nghệ, nếu có du khách tới, họ cũng sẵn sàng mời vào để chung vui. Gần đây nhất, hơn 3.000 người, trong đó có cả khách du lịch tham gia vòng xòe đoàn kết “Lung linh sắc màu Than Uyên - Lai Châu” mừng Tết Độc lập, cho thấy tình đoàn kết cộng đồng của bà con nơi đây. Chính vì vậy, khi làm truyền thông trên nền tảng số, anh luôn tâm niệm phải lấy giá trị cộng đồng làm gốc.

Không chỉ quảng bá văn hóa, tạo sinh kế cho bà con, trong năm vừa qua, Tây Bắc TV đã kết nối xây dựng điểm trường vùng cao, tạo điều kiện học tập tốt hơn cho các em học sinh. Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, Tây Bắc TV đã kết nối với các nhà hảo tâm trên cả nước, huy động được hơn 10 tỷ đồng để giúp đỡ huyện Nậm Nhùm - một trong những huyện vùng cao biên giới có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước.

Hiện nay, câu chuyện quảng bá văn hóa trên nền tảng mạng xã hội để từ đó phát triển kinh tế, du lịch ở các làng nghề hay vùng cao, vùng xa không còn quá xa lạ. Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Điều hành Klook Việt Nam, thống kê năm 2023 cho thấy hơn 80% khách du lịch châu Á và 91% du khách Việt Nam đặt các dịch vụ du lịch dựa trên đề xuất và đánh giá từ người sáng tạo nội dung số, trong đó định dạng phổ biến nhất với người Việt Nam là video (63%) vì có sức hút trực quan mạnh mẽ.

Tại Hà Nội, các làng nghề hiện cũng đang phát triển mạnh thương mại điện tử trên nền tảng quảng bá văn hóa, du lịch. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, bên cạnh các kênh truyền thống, Hà Nội đang chú trọng truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn của Thủ đô trên các nền tảng mạng xã hội (YouTube, Facebook, TikTok...).

“Trong thời gian tới, Tây Bắc TV tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, với mục tiêu không chỉ mở rộng thị trường mà còn giúp bà con đồng bào dân tộc vùng cao, các làng nghề nắm bắt cơ hội kinh doanh trực tuyến. Công ty hỗ trợ và hướng dẫn cộng đồng xây dựng kênh bán hàng online, tổ chức các buổi livestream bán hàng, từ đó giúp bà con tiêu thụ sản vật địa phương một cách hiệu quả hơn” - anh Dũng cho biết thêm.

Nhờ mạng xã hội, nông sản, thổ sản, lâm sản và hàng thủ công mỹ nghệ của đồng bào đã đi khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Chính vì vậy, việc chia sẻ kiến thức tạo dựng kênh trên mạng xã hội sao cho thu hút, có hiệu quả là việc làm rất có ý nghĩa đối với cộng đồng.

Mai Đình

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quang-ba-van-hoa-du-lich-bang-nen-tang-so-678237.html
Zalo