Quán vỉa hè trứ danh của đầu bếp Việt mới qua đời tại Canada

Quán ăn bình dân của 'Lunch Lady' Nguyễn Thị Thanh không chỉ bán thực đơn thay đổi theo ngày mà còn kể câu chuyện về người phụ nữ đưa ẩm thực Việt bước chân ra thế giới.

 Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ thương hiệu "Lunch Lady", qua đời tại Canada sau cơn ngừng tim. Ảnh: Lunch Lady.

Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ thương hiệu "Lunch Lady", qua đời tại Canada sau cơn ngừng tim. Ảnh: Lunch Lady.

Sáng 21/5 (giờ địa phương), trang fanpage chính thức của nhà hàng Lunch Lady tại Vancouver, Canada thông báo bà Nguyễn Thị Thanh qua đời do ngừng tim khi đến Toronto ngày 19/5. Bà ra đi ngay trước thềm khai trương chi nhánh mới tại Toronto dự kiến vào ngày 3/6.

Quán vỉa hè được lòng khách ngoại

Chỉ với những bộ bàn ghế nhựa nép sát ở mảnh sân nhỏ tại một góc chung cư trên đường Hoàng Sa (quận 1, TP.HCM), quán ăn vỉa hè của bà Thanh đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày, phần lớn là du khách quốc tế.

Bảng hiệu "Quán ăn Lunch Lady" dưới cây bàng, bên cạnh bức ảnh chủ quán đội nón lá nở nụ cười tươi rói trở thành thương hiệu trứ danh. Đằng sau tấm biển là chiếc xe đẩy chất đầy thịt, tôm, chả, cua chiên, bún, rau sống và nồi nước dùng sôi sùng sục.

 Quán ăn Lunch Lady tại quận 1, TP.HCM. Ảnh: Quân Hoàng.

Quán ăn Lunch Lady tại quận 1, TP.HCM. Ảnh: Quân Hoàng.

Cái tên "Lunch Lady" gắn liền với bà Thanh sau khi Anthony Bourdain – đầu bếp và người dẫn chương trình ẩm thực nổi tiếng của Mỹ – ghé quán bún của bà vào năm 2008.

Chính "vua" ẩm thực đã đặt tên quán là Lunch Lady (tạm dịch: quý bà bữa trưa), đưa ẩm thực Việt lên show truyền hình No Reservations năm 2009.

Trong chương trình, đầu bếp Anthony khen bà Thanh như một "huyền thoại". Sau khi thưởng thức món bún bò Huế tại quán, ông mô tả trải nghiệm này như "khám phá những khu phố mới qua từng miếng ăn".

"Món ăn khiến tôi có cảm giác gần gũi. Thật không thể tin bà ấy có thể trộn nhiều loại gia vị trong một nồi nước và cho ra hương vị tuyệt vời. Tôi rất thích cách bà ấy dùng thơm (dứa) để tạo ra chất axit làm mềm thịt", Bourdain nhận xét.

Sau khi được giới thiệu trong chương trình quốc tế, quán của bà Thanh đón một lượng lớn thực khách nước ngoài và thường xuyên xuất hiện trên nhiều trang báo, tạp chí. Từ một quán nhỏ lề đường bỗng trở thành điểm đến hút khách du lịch, dẫu vậy chủ quán vẫn giữ không gian quán đơn giản, không phô trương.

Hủ tiếu, bún riêu tại quán ăn Lunch Lady ở TP.HCM. Ảnh: Khôi Minh Vũ, Khuyen Vo.

Hủ tiếu, bún riêu tại quán ăn Lunch Lady ở TP.HCM. Ảnh: Khôi Minh Vũ, Khuyen Vo.

Điều khiến thực khách thích thú là thực đơn thay đổi theo ngày, có hơn 11 món bán xoay vòng trong tuần, từ bún Thái, miến gà, bún mọc, mì Quảng, mì gà tiềm, cà ri gà, bún thịt nướng, bún mắm, bún bò Huế, bánh canh cua, hủ tiếu bò kho. Công thức được chủ quán giữ kín, chỉ tiết lộ được truyền lại qua nhiều thế hệ trong gia đình.

Quán chủ yếu bán buổi trưa cho dân văn phòng, cư dân trong khu vực và du khách. Vào giờ cao điểm, thực khách gọi món đều phải thông cảm chờ 15-20 phút vì quá tải.

Bà Thanh vừa là chủ quán vừa là người đứng bếp chính. Chồng và người chị cả phụ giúp bưng bê, thu dọn hàng quán. Người phụ nữ ăn vận đơn giản, đội chiếc nón lá, vừa thoăn thoắt làm đồ ăn, vừa chạy ra chạy vào chụp hình cùng các nhóm khách.

 "Lady" Thanh nổi tiếng với thực đơn thay đổi theo ngày. Ảnh: Quế Ti.

"Lady" Thanh nổi tiếng với thực đơn thay đổi theo ngày. Ảnh: Quế Ti.

Bước ra thế giới

Sự nổi tiếng của Lunch Lady không chỉ dừng lại ở Việt Nam. Năm 2012, Michael Tran, một doanh nhân Canada gốc Việt, lần đầu thưởng thức món ăn tại quán của bà Thanh ở TP.HCM.

"Choáng ngợp vì hương vị", Michael nói trên tờ SCMP, thừa nhận bị chinh phục bởi cách chủ quán nêm nếm, sử dụng nguyên liệu tươi và thay đổi thực đơn mỗi ngày.

Sau chuyến đi đầu tiên, Michael trở lại Việt Nam đều đặn mỗi năm và lần nào cũng ghé quán bà Thanh. Đến cuối năm 2018, bằng vốn tiếng Việt chưa sõi, anh đánh liều gọi điện thuyết phục bà hợp tác mở nhà hàng ở Vancouver.

"Bà ấy ban đầu từ chối, bảo không biết tôi là ai, lại sắp nghỉ hưu. Con gái bà cũng có sự nghiệp riêng, không nối nghiệp nấu ăn", anh kể lại.

Mọi chuyện chỉ thay đổi khi mẹ Michael – bà Victoria Trần, một người dày dạn trong ngành nhà hàng gọi điện trực tiếp cho bà Thanh, giải thích rõ hơn về đam mê và kế hoạch của con trai. Cuộc trò chuyện dẫn đến chuyến bay ngay hôm sau từ Vancouver sang TP.HCM và một thỏa thuận hợp tác chính thức được ký kết.

 Nhà hàng tại Vancouver do một doanh nhân người Canada gốc Việt hợp tác với bà Thanh. Ảnh: Lunch Lady.

Nhà hàng tại Vancouver do một doanh nhân người Canada gốc Việt hợp tác với bà Thanh. Ảnh: Lunch Lady.

Nhà hàng tại Vancouver mở cửa năm 2020 trong lúc đại dịch Covid-19 bùng phát. Hai năm sau, bà Thanh sang Canada lần đầu để thăm nhà hàng do mình hợp tác và bày tỏ sự ấn tượng với nền ẩm thực đa văn hóa.

Tại đây, các món ăn truyền thống Việt Nam được tái hiện với sự chăm chút đặc biệt. Món phở được nấu trong 20 giờ, trong khi món bò lúc lắc yêu thích của bà Thanh được chế biến bằng kỹ thuật sous vide (kỹ thuật nấu chín thực phẩm trong túi hút chân không) kết hợp nguyên liệu bò cao cấp từ Alberta.

Không gian nhà hàng tại Vancouver được thiết kế để gợi nhớ đến những quán ăn đường phố Sài Gòn, với bếp mở và chi tiết thép không gỉ. Thực đơn đồ uống cũng mang đậm dấu ấn Việt, trong đó có cocktail Negroni – thức uống yêu thích của Bourdain – được pha chế qua phin cà phê Việt Nam, tạo nên hương vị độc đáo.

Cơ sở này lọt vào Bib Gourmand, hạng mục dành cho "quán ngon, giá mềm" của cẩm nang ăn uống Michelin Guide.

Cơm tấm, phở gà, cơm chiên cua, cà phê Việt tại nhà hàng ở Canada. Ảnh: Lunch Lady.

Cơm tấm, phở gà, cơm chiên cua, cà phê Việt tại nhà hàng ở Canada. Ảnh: Lunch Lady.

"Đội ngũ tại Vancouver đã nâng tầm trải nghiệm ẩm thực Việt Nam mà vẫn giữ được bản sắc gốc. Họ tận tâm và nhiệt huyết, mang đến những món ăn đậm đà hương vị quê hương", bà Thanh nhận xét.

Trong khi đó, Michael Trần khẳng định nhà hàng không chỉ bán món ăn mà còn kể câu chuyện về người phụ nữ Việt bình dị đã truyền cảm hứng cho biết bao người, kể cả ở bên kia bán cầu.

Giờ đây, sự ra đi đột ngột của chủ thương hiệu để lại niềm tiếc thương vô hạn. Chi nhánh tại Toronto đã hoãn khai trương cho đến khi có thông báo mới.

"Gửi cô Thanh, chúng cháu cảm ơn vì tất cả. Tinh thần của cô sẽ luôn hiện diện trong từng món ăn, từng kỷ niệm và từng cử chỉ yêu thương của nhà hàng", thông báo của nhà hàng có đoạn.

Câu chuyện của "Lunch Lady" là minh chứng cho sức mạnh của ẩm thực trong việc kết nối con người và văn hóa, vượt qua mọi biên giới.

Và đúng như Anthony Bourdain miêu tả, ngồi dưới bóng cây lớn với làn gió liên tục, tách biệt khỏi sự hỗn loạn của xe máy trên các tuyến đường chính của TP.HCM, bầu không khí tại Lunch Lady "khó có thể tuyệt vời hơn".

Châu Sa

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/quan-via-he-tru-danh-cua-dau-bep-viet-moi-qua-doi-tai-canada-post1554798.html
Zalo