Quân và dân Hải Dương bảo đảm giao thông, góp sức giải phóng miền Nam

Trong khi giặc Mỹ điên cuồng dội mưa bom đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt mạch giao thông tiền tuyến - hậu phương, quân và dân Hải Dương đã kiên cường đáp trả, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975.

Cầu Lai Vu (Hải Dương) - nơi từng là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ

Cầu Lai Vu (Hải Dương) - nơi từng là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ

Liên tục bị máy bay bắn phá

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh đánh phá miền Bắc. Hải Dương là tỉnh trung tâm vùng đồng bằng Bắc Bộ, có nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua nên đã phải hứng chịu nhiều đợt đánh phá ác liệt.

Giai đoạn 1965 - 1967, Mỹ tiến hành nhiều trận đánh phá ác liệt, ném hàng nghìn quả bom xuống khu vực cầu Lai Vu, cầu Phú Lương, cầu phao Hàn, cầu phao Cổ Pháp. 34 ngày đêm từ 28/6 đến tháng 8/1967, giặc Mỹ huy động 1.321 lượt máy bay hiện đại đánh phá 71 đợt với 312 điểm, ném 2.649 quả bom các loại.

Quân và dân Hải Dương rà phá bom mìn (ảnh tư liệu)

Quân và dân Hải Dương rà phá bom mìn (ảnh tư liệu)

Cùng với đường bộ, các tuyến đường sông qua Hải Dương trở thành mục tiêu đánh phá của giặc Mỹ, nhất là hệ thống sông Thái Bình, sông lớn thứ 2 ở miền Bắc, là huyết mạch giao thông đường thủy kết nối giữa các cảng biển lớn và các tỉnh phía Bắc.

13 giờ 5 ngày 10/5/1972, đế quốc Mỹ tập trung 36 lượt máy bay ném bom đánh phá 3 khu vực cầu Lai Vu, cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương, phong tỏa các cửa sông lớn của tỉnh kết hợp đánh phá với thả bom từ trường. Tiếp đó, chúng thả hàng nghìn tấn bom đạn xuống các đầu mối giao thông, nhà ga, cửa sông, trọng tâm là cầu Lai Vu, Phú Lương, đê tả sông Thái Bình.

Bền bỉ phá, gỡ bom mìn, bảo đảm giao thông thông suốt

Cuốn nhật ký phá bom do đội trưởng Đỗ Quang Lương trao lại Công ty CP Quản lý đường thủy Hải Dương được lưu giữ cẩn thận

Cuốn nhật ký phá bom do đội trưởng Đỗ Quang Lương trao lại Công ty CP Quản lý đường thủy Hải Dương được lưu giữ cẩn thận

Những ngày Mỹ điên cuồng đánh phá, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Hải Dương đã bền bỉ tìm kiếm, phá bom để giữ tuyến giao thông huyết mạch, bảo đảm chi viện cho chiến trường miền Nam.

Với tinh thần bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, dù bị giặc điên cuồng đánh phá nhiều lần nhưng những cây cầu và các tuyến đường tránh vẫn được Hải Dương sửa chữa kịp thời, bảo đảm giao thông.

Ngày 19/7/1967, tỉnh Hải Dương quyết định thành lập Đoạn Quản lý đường sông Hải Dương trực thuộc Ty Giao thông vận tải Hải Dương để bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền đi lại.

Ông Đỗ Quang Lương khi đó là đội trưởng Đoạn Quản lý đường sông Hải Dương. Ông Lương đã mất nhưng cuốn nhật ký những ngày phá bom ông viết đã được đồng đội gìn giữ, trao lại cho Công ty CP Quản lý đường thủy Hải Dương.

Trong nhật ký viết rõ thời điểm Mỹ ném bom, thời điểm ta có mặt xử lý

Trong nhật ký viết rõ thời điểm Mỹ ném bom, thời điểm ta có mặt xử lý

Ông ghi lại chi tiết Mỹ ném bom giờ nào, vị trí nào, số lượng bao nhiêu quả, ném thành bao nhiêu vệt, loại bom gì, ký hiệu cánh bom... Chi tiết cả đến giờ, phút ta có mặt và xử lý xong. Những bản đồ đường sông được ông vẽ tay rất khéo léo.

Trong nhật ký còn viết một danh sách các nội dung giống như chương trình của một lớp tập huấn, gồm tổ chức quan sát theo dõi bom, giới thiệu một số bom đã thả, bom nổ ngay, bom nổ chậm, cách phá gỡ bom trên khô và dưới nước, phương pháp phá thủy lôi...

Có một trang nhật ký ghi lại danh sách đội phá bom gồm 30 người, trong đó có ban chỉ huy, tổ hành chính, cấp dưỡng, y tế, lái trưởng, máy trưởng...

Danh sách đội phá bom khi đó gồm 30 người

Danh sách đội phá bom khi đó gồm 30 người

Rất xúc động khi đọc đến đoạn nhật ký giống như biên bản một buổi họp tổ ngày 6/7/1972, đồng chí Nguyễn Văn Mộng được đánh giá: "Sức khỏe yếu, có bệnh nên công tác có hạn chế. Song cũng hoàn thành tốt mọi công tác được giao. Có tinh thần trách nhiệm dũng cảm, có mặt ngay ở vị trí sau khi địch đánh phá".

Đồng chí Phạm Văn Chủng được đánh giá là: "Tinh thần công tác cần cù chịu khó, phân công công tác gì dù khó khăn đến đâu cũng đi làm ngay".

Với nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu, năm 1972, cán bộ, công nhân viên Đoạn Quản lý đường sông được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì và lẵng hoa chúc mừng. Cục Đường sông Việt Nam tặng cờ "Tổ dũng sỹ quan sát bom khá nhất". Quân khu ủy Bộ Tư lệnh quân khu Tả ngạn tặng cờ "Đơn vị lập chiến công phá gỡ bom mìn giặc Mỹ".

Ngày nay, các cán bộ, công nhân viên Công ty CP Quản lý đường thủy Hải Dương vẫn gìn giữ cuốn nhật ký cùng những huân chương cao quý này.

Ông Nguyễn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty chia sẻ: "Chúng tôi rất tự hào về truyền thống của thế hệ trước đã nỗ lực quên mình, góp sức rà phá bom mìn, góp phần đánh đuổi đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay, các thế hệ vẫn đang kế thừa, phát huy truyền thống, tinh thần ấy".

Cán bộ, công nhân viên Công ty CP Quản lý đường thủy Hải Dương tự hào gìn giữ và phát huy những danh hiệu cao quý của thế hệ trước

Cán bộ, công nhân viên Công ty CP Quản lý đường thủy Hải Dương tự hào gìn giữ và phát huy những danh hiệu cao quý của thế hệ trước

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, quân và dân Hải Dương đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu 2.321 trận, bắn rơi 83 máy bay Mỹ.

Tổng kết cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, tỉnh Hải Dương đã động viên được 125.369 thanh niên lên đường nhập ngũ, 6.113 thanh niên xung phong ra tiền tuyến, trong số đó đã có 26.876 người hy sinh anh dũng và 11.449 người đã để lại một phần xương máu trên khắp các chiến trường.

Có 6.272 người hoạt động kháng chiến và con đẻ nhiễm chất độc da cam/dioxin, trên 4.000 bà mẹ được Nhà nước phong, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hàng nghìn người được Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương và các phần thưởng cao quý khác.

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/quan-va-dan-hai-duong-bao-dam-giao-thong-gop-suc-giai-phong-mien-nam-409756.html
Zalo