'Quân tốt thí' cho thử nghiệm thuốc tránh thai
Nhiều phụ nữ nghèo ở châu Phi, Nam Mỹ đã được đưa vào các chương trình thử nghiệm thuốc tránh thai. Họ không biết rằng mình đang sử dụng một loại thuốc mới, có nhiều tác dụng phụ.
Nhà triết học George Santayana từng viết: “Bản thân bộ nhớ là một tin đồn tự tạo; khi thêm vào tin đồn trong tâm trí này những tiếng vọng giả tạo đến từ người khác, ta chỉ có một nền tảng luôn thay đổi và không thể nắm bắt được để trông cậy. Bức tranh mà ta đóng khung về quá khứ thay đổi liên tục và phát triển ngày càng ít giống hơn với trải nghiệm ban đầu mà nó dường như có ý mô tả.”
Sau mỗi hành trình ta thực hiện quanh Mặt trời, sự thật lại vang lên to rõ hơn trong lời mô tả tuyệt đẹp đầy ám ảnh của Santayana về sự tiến hóa của trí nhớ. Giống các nhân vật trong kiệt tác của Kurosawa, Rashomon [1], ta được định sẵn là sẽ nhớ sai động cơ và chi tiết xung quanh các sự kiện trong cuộc sống của mình.
Nhận thức có chọn lọc đặt ta vào thế bất lợi ngay từ đầu. Cộng thêm “những tiếng vọng giả tạo truyền đến từ người khác”, ta cần chấp nhận có khả năng trí nhớ của mình không chính xác, ngay cả trước những ký ức sống động nhất.
Nếu những ký ức cá nhân của ta được dựng nên trên nền tảng là những điều liên tục thay đổi và dễ bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài, thì những ký ức tập thể còn dễ bị tổn thương hơn rất nhiều sau khi chúng phải xoay sở để tới với giới truyền thông qua các nguồn đã được chứng minh là không đáng tin cậy.
Trong khi nghiên cứu để viết cuốn sách này, tôi đã nghĩ về những điều thay đổi liên tục đó và năm phụ nữ Puerto Rico đã chết… Bằng cách nào mà họ lại có thể biến thành ba, rồi chỉ còn hai người, giờ thì hiếm khi họ còn được đề cập đến. Tôi biết rằng phải có nhiều điều hơn nữa trong câu chuyện.
Tôi dần trở nên bực bội khi cố gắng xâu chuỗi các sự kiện của các cuộc thử nghiệm lại với nhau vì nó rõ ràng đã bị vùi lấp bởi dòng chảy biến chuyển không ngừng của thời gian, và tôi nhận ra điều này có thể đã được sắp đặt sẵn.
Dù tôi nghiên cứu bao nhiêu đi nữa, thì cái hang thỏ [2] này dường như vẫn còn rất sâu. Vào thời điểm phát hành ấn bản đầu tiên của cuốn sách này, tôi cho rằng những ngày tìm hiểu về lịch sử biện pháp tránh thai của mình có lẽ đã kết thúc.
Thế rồi, tôi nhận được email từ Abby Epstein, chứa một tập tin tài liệu lưu trữ mà nhóm của cô ấy vừa khám phá được. Cô và Ricki Lake đang trong quá trình sản xuất bộ phim tài liệu The business of birth control (tạm dịch: Ngành kinh doanh biện pháp tránh thai) khi họ phát hiện ra kho tàng về lịch sử biện pháp tránh thai bị lãng quên này.
Khi bắt đầu đào xới phát hiện “khảo cổ học” hấp dẫn này, ngay lập tức tôi tình cờ phát hiện ra một bí ẩn mới. Đó là một bài báo có tiêu đề “Thao túng dân số” (Population manipulation) từ một tạp chí được xuất bản bởi “các nhà nữ quyền cấp tiến” vào đầu những năm 1970 có tên Off our backs (tạm dịch: Sau lưng chúng ta). Đây là những gì thu hút sự chú ý của tôi. Nó viết như sau:
“Phụ nữ từng là chuột thí nghiệm cho các biện pháp tránh thai và kiểm soát dân số. Phụ nữ nghèo càng đặc biệt dễ bị tổn thương. Lần thử nghiệm đầu tiên của viên thuốc tránh thai là trên phụ nữ ở Puerto Rico, Haiti và vùng núi Kentucky…”
Tôi đã từng thấy những lời đề cập đến các thử nghiệm ở Haiti trước đó, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về các thử nghiệm có liên quan đến tiểu bang quê hương tôi Kentucky, thêm một đoạn tường thuật khác đã biến mất theo thời gian.
Điều này thôi thúc tôi tìm hiểu kỹ hơn các kho lưu trữ lịch sử một lần nữa. Với những thông tin mới vừa khám phá được, giờ đây, tôi cảm thấy mình đã hiểu rõ hơn về lịch sử bị nhầm lẫn của biện pháp tránh thai.
Tôi xin lưu ý rằng bản báo cáo này vẫn chưa hoàn chỉnh vì chưa tìm thấy thông tin về các cuộc thử nghiệm ở Haiti hoặc các cuộc thử nghiệm khác mà tôi mới biết đến, dường như chúng được tiến hành ở những khu ổ chuột của Los Angeles.
Thật không may, những phần tôi đã khám phá phơi bày một phần lịch sử thậm chí còn đen tối hơn những gì chúng ta đã biết về các cuộc thử nghiệm ở Puerto Rico.
[1] Rashomon: bộ phim Nhật Bản của đạo diễn Kurosawa Akira công chiếu năm 1950, đề cập tới một vụ án giết người và cưỡng bức cụ thể thông qua góc nhìn của rất nhiều nhân vật khác nhau, tính trung thực của mỗi lời kể được Kurosawa để khán giả tự do lựa chọn, qua đó mỗi người xem sẽ có cho riêng mình một cốt truyện theo họ là chính xác.
[2] Hang thỏ: từ truyện Alice ở xứ sở thần tiên, là hình ảnh ẩn dụ về con đường dẫn tới những tình huống kỳ lạ, rối rắm khiến người ta cảm thấy cực kỳ cuốn hút, hoặc cực kỳ khó chịu, nhưng khó dứt ra được.