Quan tâm phát triển du lịch văn hóa để thu hút khách

Mới đây, lần đầu tiên Việt Nam đón đoàn du khách 4.500 người đến từ Ấn Độ là một tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch. Khách du lịch Ấn Độ, một trong những đất nước đông dân trên thế giới đang chọn Việt Nam để trải nghiệm du lịch văn hóa và đây cũng đang là xu thế mới của du khách nhiều nước. Vấn đề này đang đặt ra cho tỉnh Quảng Trị, với tiềm năng văn hóa độc đáo của mình, cần chuẩn bị tốt hơn để thời gian đến sẽ đón được nhiều du khách đang có xu hướng yêu thích du lịch văn hóa.

Du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm tại giếng cổ Gio An, huyện Gio Linh -Ảnh: TÚ LINH

Du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm tại giếng cổ Gio An, huyện Gio Linh -Ảnh: TÚ LINH

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nguyễn Đức Tân cho biết, trải nghiệm du lịch văn hóa, du khách vừa có thể tham quan, vừa được mở rộng kiến thức về lĩnh vực văn hóa, lịch sử. Theo nghiên cứu của Tổng cục Du lịch, trong số khách du lịch văn hóa thì có khoảng 56% chọn tham quan các di tích văn hóa, tâm linh.

Tiềm năng của di tích văn hóa Quảng Trị có sự phong phú về chủng loại, đa dạng về loại hình, giàu về nội dung và tiềm ẩn một dòng chảy văn hóa, lịch sử của một vùng đất qua nhiều thời đại. Di tích là thành tố quan trọng của sinh thái văn hóa. Trong hơn 500 di tích ở Quảng Trị đã được xếp hạng quy hoạch, bảo tồn, phát triển thì di tích văn hóa chiếm số lượng khá nhiều. Chỉ cần một phần trong những di tích văn hóa này được tôn tạo, đầu tư xứng đáng, thì cũng đủ để viết lại, kể nên những câu chuyện hấp dẫn cho phân khúc du khách thích du lịch văn hóa, khơi gợi niềm đam mê tìm hiểu văn hóa trong mỗi du khách.

Cần phải ghi nhận nỗ lực từ ngành du lịch của tỉnh khi cho ra đời một số sản phẩm tour, tuyến; mới đây là sản phẩm du lịch “Vì hòa bình”, góp phần định vị thương hiệu điểm đến theo cách thức linh hoạt, sáng tạo, bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của du khách. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thực tế cho thấy dù chưa đạt thành tựu lớn nhưng du lịch đã đảm trách được mục tiêu này.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định rõ, tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao,phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của từng điểm đến. Trong đó nhấn mạnh chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, có lợi thế cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Đức Tân, trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị có nhiều dư địa để trở thành điểm đến, nếu tập trung khai thác có hiệu quả giá trị các di tích lịch sử văn hóa . Một loạt di tích văn hóa, nghệ thuật nổi tiếng có thể kể tên gồm: hệ thống dẫn thủy cổ Gio An (Gio Linh); hệ thống các di tích lịch sử văn hóa liên quan đến Chúa Nguyễn, chùa Sắc Tứ (Triệu Phong); Trung tâm Hành hương Đức mẹ La Vang, đình làng Câu Nhi và danh nhân Bùi Dục Tài, hệ thống nhà thờ dọc sông Ô Lâu (Hải Lăng)...Còn rất nhiều di tích, câu chuyện văn hóa đặc sắc khác của các vùng miền, nếu được kết nối, xây dựng, sẽ trở thành mạch nguồn sâu thẳm, điểm đến ấn tượng để phục vụ du lịch văn hóa.

Có thể khẳng định, trên mảnh đất Quảng Trị hội đủ những tài nguyên văn hóa để thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa. Vì vậy, ngành du lịch cần khai thác các giá trị văn hóa làm nền tảng thu hút du khách. Tuy nhiên, du lịch văn hóa ở Quảng Trị hiện chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng, nhiều tài nguyên văn hóa có giá trị chưa trở thành các sản phẩm du lịch vì thiếu đầu tư bài bản.

Để tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm du lịch và góp phần nâng cao vốn hiểu biết, sự cảm thụ văn hóa của du khách, cần nhận diện, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa một cách tương xứng; xây dựng mô hình mỗi cộng đồng - một sản phẩm văn hóa. Cùng với đó, thúc đẩy cảm hứng cộng đồng bằng sáng kiến, sáng tạo trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch. Phát huy tính trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thị trường khách du lịch đối với từng loại sản phẩm.

Ông Nguyễn Đức Tân lưu ý, trong quá trình quy hoạch, khai thác du lịch văn hóa, nếu điểm đến luôn được xen kẽ gắn với sinh hoạt đời thường của người dân địa phương thì sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn cho du khách. Không gian văn hóa do người dân tạo ra nên vai trò của người dân là vô cùng quan trọng trong thúc đẩy hoạt động du lịch văn hóa. Khuyến khích người dân địa phương tham dự vào quá trình thực hành văn hóa, chuyển tải giá trị văn hóa bản địa thay vì thuê diễn viên chuyên nghiệp và sân khấu hóa hoạt động biểu diễn.

Cùng với các điểm đến, sản phẩm dịch vụ cụ thể, một việc làm rất ý nghĩa nữa là Nhà nước cần đầu tư các chương trình nghệ thuật tổng hợp để kể câu chuyện về lịch sử, văn hóa của từng cộng đồng, địa phương thông qua các trình diễn văn hóa truyền thống, hiện đại một cách bài bản, khi đó du lịch văn hóa sẽ thu được kết quả tích cực.

Tuệ Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/quan-tam-phat-trien-du-lich-van-hoa-de-thu-hut-khach-188572.htm
Zalo