'Hiệu ứng Ngộ Không' hồi sinh du lịch tỉnh lẻ Trung Quốc
Từ một tỉnh hẻo lánh, ít người biết đến, Sơn Tây trở thành điểm nóng du lịch nhờ hiệu ứng Black Myth: Wukong.
Black Myth: Wukong đã đưa Wang Xinyu, một sinh viên y khoa 24 tuổi, đến khám phá 2 ngôi chùa cổ ở quê nhà tỉnh Sơn Tây, một vùng núi non hẻo lánh ở phía bắc Trung Quốc. “Dù là dân địa phương, tôi cũng không biết những địa điểm này lại ở đây. Có khá nhiều du khách. Trên đường đi cũng có rất nhiều xe từ các tỉnh khác”, cô chia sẻ.
Lượng du khách tăng đột biến nhờ Wukong
Theo dòng tựa game đình đám Black Myth: Wukong, du khách Trung Quốc đổ xô đến các ngôi chùa, tháp và các di tích lịch sử khác ở Sơn Tây, một vùng hẻo lánh ít được chú ý ở quốc gia tỷ dân.
Cảnh đẹp hùng vĩ và đậm chất cổ điển trong trò chơi đã khiến nhiều người mê mẩn. Ra mắt vào tháng 8, tựa game hành động này lấy cảm hứng từ tiểu thuyết kinh điển Tây Du Ký và theo chân một chiến binh khỉ trên hành trình chiến đấu với kẻ thù.
Black Myth: Wukong được phát triển bởi một công ty khởi nghiệp do Tencent hậu thuẫn. Nó đã tạo nên cơn sốt ở cả Trung Quốc và quốc tế nhờ tái hiện chân thực các địa danh nổi tiếng.
Trong số 36 địa điểm trong trò chơi, 27 địa điểm nằm ở tỉnh Sơn Tây, bao gồm hang động Vân Cương, một Di sản Thế giới của UNESCO với hàng nghìn tượng và chạm khắc cổ, đến ngôi chùa Guangsheng từ thế kỷ 2.
Lượng du khách tăng đột biến đặc biệt trong dịp lễ Trung Thu vừa qua đã mang lại lợi ích kinh tế cho một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên lo ngại liệu các thị trấn ở vùng nông thôn có đủ khả năng tiếp nhận lượng du khách lớn như thế hay không.
Theo Bloomberg, sau đại dịch, nhiều du khách Trung Quốc đã chọn du lịch trong nước thay vì ra nước ngoài. Đây là xu hướng được chính phủ Trung Quốc khuyến khích nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa và khôi phục nền kinh tế.
Jiang Bai, một nhà thiết kế nội thất 25 tuổi từ Nam Kinh, đã đi du lịch 8 ngày đến Sơn Tây vì quá thích tựa game Wukong. “Tôi thấy nhiều cảnh đẹp trong trò chơi được mô phỏng từ kiến trúc ở Sơn Tây, nên muốn đến nhìn chúng tận mắt”, cô chia sẻ.
Jiang Bai đã đặt tour du lịch trị giá 3.700 nhân dân tệ (525 USD) trên trang Ctrip, nền tảng du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc và bay đến Sơn Tây. Các công ty du lịch như Ctrip và Trip.com đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng và tung ra các tour du lịch theo chủ đề Black Myth.
Sở du lịch cũng "bắt trend" Black Myth: Wukong
Theo nền tảng du lịch trực tuyến Fliggy của Alibaba, lượng đặt tour đến Sơn Tây đã tăng hơn 75% trong những tuần gần đây, bao gồm kỳ nghỉ lễ Trung Thu và dịp lễ quốc khánh Trung Quốc sắp tới. Riêng tại thành phố Lâm Phần, nơi có tổ hợp điêu khắc gốm treo cổ nổi tiếng, lượng đặt phòng đã tăng hơn 4 lần so với năm ngoái.
Sở Du lịch tỉnh Sơn Tây cũng nhanh chóng tận dụng cơn sốt này, tung ra hơn 30 video quảng bá các địa điểm nổi tiếng. Trong đó, video so sánh cảnh quay trong trò chơi với các điểm tham quan thực tế đã lan truyền trên mạng xã hội. Du khách đổ về từ sáng sớm, xếp hàng dài để nhận cuốn sổ du lịch để đóng dấu tại các điểm tham quan làm kỷ niệm.
Theo Bloomberg, trong thời đại mạng xã hội bão hòa như ngày nay, không có gì lạ khi du khách Trung Quốc bất ngờ đổ xô đến các điểm nóng du lịch theo xu hướng. Đầu năm nay, thành phố cổ Tần Thủy, chỉ có 2,9 triệu dân, nhưng đầy rẫy khách du lịch ghé thăm, sau khi một sinh viên đăng tải đoạn clip về món lẩu cay đặc sản của thành phố lên mạng.
Tại Sơn Tây, chính quyền đã phải bổ sung nhà vệ sinh di động để phục vụ du khách, trong khi một số ngôi chùa đã phải áp dụng biện pháp kiểm soát lượng khách. Đền Tiefo ở thành phố Tấn Thành giới hạn lượng khách hàng ngày ở mức 500, nhưng đã phải nâng con số này lên 1.500 trong dịp lễ vừa qua.
Một bài đăng trên mạng xã hội gần đây cho thấy khoảng 100 người xếp hàng chờ vào. Mỗi khách chỉ được phép tham quan trong vòng 2 phút. Tại hang động Vân Cương, hàng nghìn du khách chen chúc bên dưới những bức tượng gốm sứ cổ treo lơ lửng trên tường và trần nhà. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại về bảo tồn di tích.
Zhang Lan, một kiến trúc sư sống ở tỉnh ven biển cách Sơn Tây hơn 1.120 km, đã dành một tuần du lịch tại đây do giá cả phải chăng. Tuy nhiên, cơn sốt du lịch khiến cô lo lắng về việc bảo vệ các di sản lịch sử. “Khách du lịch dễ dàng chạm tay vào các di vật văn hóa. Có vẻ như một số địa điểm không có đủ biện pháp bảo vệ,” cô chia sẻ.