Quan tâm cơ cấu Giám đốc Sở Tư pháp tham gia cấp ủy cấp tỉnh

Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới yêu cầu các cấp ủy địa phương quan tâm phân công cấp ủy viên phụ trách công tác tư pháp và cơ cấu giám đốc sở tư pháp tham gia cấp ủy cấp tỉnh.

Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Hạnh được bầu là Ủy viên UBND TP nhiệm kỳ 2021-2026 tại Kỳ họp lần thứ 19, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X vào tháng 11/2024. (Ảnh: QĐND)

Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Hạnh được bầu là Ủy viên UBND TP nhiệm kỳ 2021-2026 tại Kỳ họp lần thứ 19, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X vào tháng 11/2024. (Ảnh: QĐND)

Đây là một trong những nhiệm vụ và giải pháp về bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật được đặt ra tại Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Ngoài yêu cầu trên, Nghị quyết số 66-NQ/TW cũng nhấn mạnh các cấp ủy đảng phải lãnh đạo toàn diện, trực tiếp việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và tăng cường kiểm tra, giám sát công tác này. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân thủ pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Xác dịnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thường xuyên của các Bộ, ngành Trung ương. Thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm chính về chất lượng chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình; gắn với công tác đánh giá, khen thưởng, sử dụng cán bộ và có chế tài, biện pháp xử lý đối với người không thực hiện đầy đủ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan của Quốc hội cơ cấu ít nhất một lãnh đạo có chuyên môn pháp luật. Có cơ chế điều động, luân chuyển cán bộ, công chức của Bộ, ngành Tư pháp đi địa phương và làm việc ở Bộ, ngành Trung ương để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn.

An Duy

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quan-tam-co-cau-giam-doc-so-tu-phap-tham-gia-cap-uy-cap-tinh-post547304.html
Zalo