Di Linh 50 năm nhìn lại
Trong rực rỡ nắng vàng tháng Tư, trên khắp các nẻo đường ở Di Linh đều phấp phới cờ, hoa, chào đón thời khắc lịch sử - thời khắc 30/4/1975 - ngày đất nước thống nhất, miền Nam hoàn toàn giải phóng - non sông thu về một mối, từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau.

Với nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của các DTTS, huyện Di Linh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: V.Quỳnh
Ngược dòng lịch sử trở lại thời điểm trước ngày 30/4/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Di Linh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng từ thời chống Pháp đoàn kết, anh dũng chiến đấu chống đế quốc Mỹ. Di Linh đã xây dựng được 4 đơn vị du kích tập trung và 1 đơn vị bộ đội địa phương, cùng quân dân miền Nam tổ chức đánh trả các cuộc càn quét của Mỹ - ngụy. Với thế trận “trong đánh ra - ngoài đánh vào”, quân và dân Di Linh bẻ gãy nhiều đợt tiến công của Mỹ - ngụy, kiên quyết chặn địch không cho chúng rút từ B’Lao về Di Linh cố thủ.
Ngày 28/3/1975, quân và dân Di Linh phối hợp cùng các đơn vị bộ đội chủ lực chi viện cho mặt trận Di Linh nhanh chóng chớp thời cơ giải phóng hoàn toàn huyện Di Linh đem lại hòa bình cho Nhân dân. Trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và Nhân dân huyện Di Linh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Nhì, Huân chương Thành Đồng hạng Ba, 3 xã (Đinh Trang Thượng, Sơn Điền, Hòa Bắc) và huyện Di Linh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Ngay sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Di Linh nhanh chóng bắt tay khôi phục hậu quả chiến tranh, củng cố, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Giai đoạn 1975 - 1985, Đảng bộ, chính quyền huyện Di Linh bên cạnh việc lãnh đạo, tổ chức, củng cố, xây dựng, phát triển các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, còn tập trung lãnh đạo Nhân dân đấu tranh, chống các thế lực thù địch, nhất là tổ chức phản động Fulro.

Di Linh chuyển mình cùng đất nước
Từ năm 1986 đến nay, Đảng bộ, chính quyền huyện Di Linh tổ chức lãnh đạo việc đổi mới, phát triển toàn diện mọi mặt đời sống. Dân số Di Linh ở thời điểm mới giải phóng chỉ xấp xỉ 35.000 người, nay đã tăng trên 162.000 người. Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Di Linh, mức tăng trưởng của ngành Nông nghiệp huyện Di Linh đạt bình quân hơn 6%/năm. Năm 2024, giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác đạt hơn 200 triệu đồng. Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết: Trong năm 2024, ngành Nông - lâm - thủy trên địa bàn huyện Di Linh đạt 3,9%; ngành Công nghiệp đạt 6,1%; ngành Xây dựng đạt 9,0% và ngành Dịch vụ đạt 13,0%. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của huyện Di Linh đạt 62 triệu đồng/người, tăng 1,44 lần so với năm 2020. Tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện Di Linh hiện chỉ còn 3,03%. Trong đó, tỷ lệ nghèo đa chiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 5,2%.
Theo già làng K’Tiếu (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh), 50 năm sau ngày giải phóng, bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng thay da đổi thịt, đời sống của người dân nơi đây liên tục được nâng cao, cả vật chất lẫn tinh thần. Bản sắc văn hóa của người K’Ho được cấp ủy, chính quyền quan tâm bảo tồn và phát triển, gắn với phát triển du lịch. Cơ cấu cây trồng và vật nuôi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển dịch đúng hướng, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo sự ổn định trong tất cả các khâu, từ trồng trọt đến sản xuất và tiêu thụ. Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh Vũ Đức Nhuần nói thêm: Năng suất cà phê của huyện Di Linh hiện đạt 36 - 40 tạ/ha. Bên cạnh đó, Di Linh cũng đã phát triển cây ăn trái xen canh được 16.000 ha. Di Linh hiện có 45 sản phẩm được công nhận sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên.
Trong chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, xã Tân Châu được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Xã anh hùng thời kỳ đổi mới”. Năm 2008, Di Linh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2013. Đấy là những tiền đề vững chắc để Di Linh chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên chuyển mình của dân tộc.