Quan tâm chăm lo cho người khuyết tật
Toàn tỉnh hiện có trên 31.000 người khuyết tật (NKT), trong đó, NKT đặc biệt nặng là 4.782 người; NKT nặng là 15.607 người; NKT chế độ chính sách người có công là 10.611 người. Với truyền thống tương thân, tương ái, nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm sóc, trợ giúp NKT; triển khai thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội, đáp ứng nguyện vọng và các nhu cầu cơ bản của NKT, giúp họ từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT” (Chỉ thị số 39) và Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39; trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án; tổ chức phổ biến, quán triệt những nội dung của Chỉ thị số 39 đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương lồng ghép triển khai quán triệt nội dung đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thông qua việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 39, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác NKT có sự chuyển biến tích cực, các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện.
Theo đó, các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến NKT. 5 năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai 35 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác trợ giúp xã hội; kỹ năng phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí, chương trình phát triển công tác xã hội cho hơn 1.750 người.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp cũng đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tăng cường thực hiện truyền thông về Luật NKT và tư vấn pháp luật ngoài trụ sở cho NKT. Từ năm 2020 - 2024, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã tổ chức hơn 45 đợt truyền thông ngoài trụ sở cho các đối tượng là NKT; thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng hơn 40 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 18 vụ; phối hợp truyền thông ngoài trụ sở cho hơn 1.200 NKT trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh còn phối hợp với Tổ chức Renew và Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) truyền thông và hướng dẫn, tư vấn pháp luật cho 1.023 lượt NKT trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, Hội NKT, nạn nhận da cam, bảo trợ NKT và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cũng phối hợp với ACDC và Tổ chức Renew tổ chức tập huấn, hội thảo, truyền thông nâng cao năng lực cho cán bộ hội, cán bộ, nhân viên các ban, ngành liên quan, tập huấn nâng cao nhận thức về Luật NKT, Luật Trẻ em và chính sách liên quan NKT, nạn nhân da cam và truyền thông về Luật NKT. Tổ chức 3 cuộc tập huấn với 150 cán bộ các ban, ngành tham gia về công tác hỗ trợ NKT sống độc lập, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới... Đặc biệt, đã phối hợp với ACDC tổ chức 26 lớp tập huấn nâng cao vị thế của NKT và hòa nhập tại cộng đồng cho hơn 600 người tham gia.
Tính đến tháng 12/2024, toàn tỉnh có trên 31.000 NKT đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Các chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên cho các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và NKT nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.
Đối với công tác trợ giúp NKT về y tế, Sở Y tế đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể và tổ chức phi chính phủ để triển khai hoạt động của các dự án hỗ trợ NKT và huy động các nguồn lực khác hỗ trợ NKT như: Dự án Hòa nhập 1; Dự án của Tổ chức Medipeace; Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI); Tổ chức RENEW...
Ngoài ra, đã thực hiện khám sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật đối với trẻ em dưới 6 tuổi theo từng địa phương; xây dựng kế hoạch can thiệp và hỗ trợ dụng cụ trợ giúp cho NKT, đồng thời, cử cán bộ tham gia đào tạo, nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ y tế ngành phục hồi chức năng.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường trợ giúp NKT về giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế. Công tác xã hội hóa các hoạt động trợ giúp NKT đã huy động sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia trợ giúp NKT về phục hồi chức năng phù hợp, chăm sóc nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tăng cường hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm... để cổ vũ, động viên NKT trên địa bàn vơi bớt khó khăn, tự tin, sống có ích, tham gia bình đẳng vào hoạt động xã hội, hòa nhập tốt với cộng đồng.
Để chăm lo tốt hơn cho NKT, thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 39; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của NKT với những hoạt động thiết thực như: hỗ trợ chăm sóc y tế, trợ giúp NKT về giáo dục, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp; tăng cường công tác dạy nghề, hỗ trợ vốn vay, giải quyết việc làm phù hợp, tạo thu nhập ổn định để NKT có điều kiện từng bước tự đảm bảo cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.