Những biến số khó lường của vĩ mô Việt Nam năm 2025

Ông Trần Ngọc Báu nhìn nhận, nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, căng thẳng thương mại toàn cầu, phản ứng của NHNN trước áp lực tỷ giá sẽ là những biến số cần quan tâm của năm 2025.

Ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Công ty CP Dữ liệu kinh tế tài chính Wigroup (Wigroup),

Ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Công ty CP Dữ liệu kinh tế tài chính Wigroup (Wigroup),

Năm 2024 liên tục xoay chuyển

Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua năm 2024 với nhiều biến động. Nếu dùng một từ để mô tả về năm 2024, ông sẽ nghĩ tới từ nào?

Ông Trần Ngọc Báu: Tôi nghĩ là từ xoay chuyển. Năm 2024 đánh dấu sự xoay chuyển lớn trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ.

Đây là năm mà lần đầu tiên nhiều ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), khởi động chu kỳ thắt chặt sang nới lỏng hơn.

Sự xoay chuyển tiếp theo đến từ việc chính chúng ta cũng liên tục đuổi theo những thông tin kinh tế toàn cầu.

Lúc thì chúng ta quan tâm tới việc nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh cứng, một lúc sau thì lại hạ cánh mềm. Hay lúc thì biến động địa chính trị dần ổn định, một lúc sau lại thấy bất ổn.

Nhìn chung, những biến động liên tục này đến từ sự bất ngờ của nền kinh tế Mỹ.

Đầu năm nay, nhiều người nghĩ rằng kinh tế Mỹ sẽ yếu hơn các khu vực khác. Mặc dù vậy, càng về giai đoạn cuối năm thì chúng ta càng nhận ra một điều kinh tế Mỹ thực ra khỏe mạnh hơn rất nhiều.

Điều này có thể thấy khi các nền kinh tế lớn như Trung Quốc hay châu Âu đã phải thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy kinh tế sớm hơn Mỹ.

Hệ quả, đồng đô la Mỹ cũng mạnh hơn hẳn những đồng tiền khác, dòng tiền đầu tư toàn cầu cũng theo đó dịch chuyển về Mỹ.

Nền kinh tế Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trước sức tác động của đồng đô la, chúng ta đã phải xoay chuyển liên tục theo những biến động toàn cầu. Vì thế, nếu gói gọn lại, tôi nghĩ xoay chuyển là từ ngữ phù hợp nhất để mô tả về năm 2024.

Tôi nghĩ xoay chuyển là từ ngữ phù hợp nhất để mô tả về năm 2024.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup

Nền kinh tế Việt Nam năm qua phải đối mặt với biến số rất quan trọng mang tên tỷ giá, mà xuất phát từ áp lực của đồng đô la Mỹ. Ông đánh giá thế nào về khả năng ứng phó của Việt Nam trước áp lực này?

Đầu tiên, cần nhìn nhận một điều đó là với những khó khăn mà chúng ta gặp phải trong thời gian qua, tất cả các nền kinh tế khác trên thế giới cũng phải đối mặt. Đặc biệt là những quốc gia có đồng tiền lạm phát cao, vấn đề này càng rõ ràng.

Vì vậy, chúng ta không nên trả lời câu hỏi vì sao mình rơi vào hoàn cảnh này, mà nên tập trung vào việc đã giải quyết vấn đề đó như thế nào.

Nếu xét về tổng thể đến thời điểm hiện tại, có thể nói Việt Nam đã giữ ổn định được tỷ giá nếu so sánh với các đồng tiền khác trong khu vực. Đó là điều mà chúng ta phải dành những lời động viên đến nhà điều hành.

Tuy nhiên, điều mà theo tôi cần phải suy nghĩ, đó là chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn hơi đa cực. Chúng ta một mặt vừa muốn phải tăng trưởng kinh tế, mặt khác lại phải muốn ổn định tỷ giá.

Hai vấn đề này, có những thời điểm không quá mâu thuẫn với nhau, song sẽ có những thời điểm, như hiện tại, lại rất khác biệt.

Tôi nghĩ, chúng ta có thể cân nhắc đến việc sẵn sàng hy sinh một yếu tố để bứt phá yếu tố còn lại.

Chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn hơi đa cực. Tôi nghĩ, có lúc chúng ta có thể cân nhắc đến việc sẵn sàng hy sinh một yếu tố để bứt phá yếu tố còn lại.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup

Chẳng hạn, chúng ta có sẵn sàng giảm 1% tăng trưởng để đạt mục tiêu ổn định tỷ giá? Thay vì mục tiêu tăng trưởng 7%/năm chúng ta có thể chỉ để 6% thôi nhưng đổi lại tỷ giá ổn định.

Điều này cần cân nhắc kỹ, bởi tỷ giá biến động mạnh ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Trong dài hạn, tỷ giá tăng còn ảnh hưởng đến cả người dân.

Nếu tiền đồng giảm giá quá mạnh sẽ làm hàng hóa nhập vào đắt đỏ hơn, áp lực lên lạm phát trong tương lai.

Các tài sản của chúng ta cũng sẽ giảm giá so với đồng đô la Mỹ. Một cách tương đối, chúng ta sẽ trở nên nghèo đi.

Vì vậy, tôi cho rằng, thay vì quá tập trung vào một câu chuyện tăng trưởng trong một năm cố định, chúng ta cần có cái nhìn tổng thể và dài hạn hơn, quan tâm tới những yếu tố vĩ mô lớn hơn, ảnh hưởng tới kinh tế lâu dài hơn.

Biến số khó lường của năm 2025

Năm 2024 ông đánh giá một năm xoay chuyển, các sự kiện diễn ra khó lường. Vậy năm 2025 thì sao? Liệu mọi thứ có suôn sẻ hơn?

Năm tiếp theo tôi nghĩ rằng sẽ còn khó lường hơn nữa. Năm 2024, câu hỏi mà chúng ta đặt ra chủ yếu xoay quanh các vấn đề địa chính trị và nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh cứng hay mềm.

Hiện tại bức tranh nền kinh tế Mỹ đã dần trở nên rõ ràng. Dù sao, việc Mỹ hạ cánh cứng hay mềm cũng có xác suất lệch về một phía nhiều hơn. Và dù theo kịch bản nào thì đến cuối hành trình, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ được hưởng lợi ở một số mặt.

Tuy nhiên, câu chuyện về địa chính trị và đặc biệt là câu chuyện chiến tranh thương mại lại hoàn toàn khác.

Đối với tôi, chiến tranh thương mại là vấn đề còn lớn hơn câu chuyện kinh tế Mỹ hạ cánh cứng hay mềm.

Những biến số của một cuộc chiến thương mại như nó sẽ kéo dài bao lâu, quy mô ảnh hưởng như thế nào, chúng ta gần như chưa biết.

Vì vậy, rất khó để ước tính lợi ích cũng như hậu quả. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao và chúng ta dù muốn hay không cũng sẽ bị cuốn vào guồng quay này.

Vậy vấn đề tỷ giá thì sao? Vấn đề này còn tiếp tục căng thẳng như trong năm 2024?

Biên bản cuộc họp gần đây nhất của Fed cho thấy họ đã xoay trục rất nhanh. Cuộc họp gần nhất đã gần như khẳng định kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm, và hạ cánh trong vòng một thời gian dài hơn.

Các nhà điều hành chính sách của Mỹ cũng đã chấp nhận mức lạm phát cao hơn khoảng 0,3 – 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Tất cả những yếu tố đó hội tụ lại, cho thấy trong ngắn hạn, Fed sẽ chậm hạ lãi suất hơn.

Quá trình nới lỏng sẽ diễn ra chậm hơn và nền kinh tế Việt Nam cũng phải làm quen với điều này.

Ngân hàng Nhà nước đã bắt nhịp theo xu hướng mới này như thế nào?

Nếu quan sát điều hành của NHNN trong vòng khoảng chừng 5 năm vừa qua và đặc biệt là 3 năm sóng gió gần đây thì có thể thấy NHNN luôn hướng tới việc đón đầu chính sách.

Chẳng hạn, nếu nhà điều hành cảm thấy nền kinh tế Mỹ chuẩn bị giảm lãi suất thì có thể trước đó 1-2 tháng, NHNN cũng đã dần dần điều hành theo hướng này.

Về kịch bản chính sách tiền tệ năm 2025, cảm nhận của tôi là NHNN dường như đang sẵn sàng và đang tạo không gian cho việc thắt chặt chế tệ hơn trong giai đoạn đầu năm.

Trong một số cuộc họp gần đây, đại diện NHNN thường đưa ra thông điệp làm quen với việc lãi suất sẽ tăng trở lại. Đó là báo hiệu trước rằng nhà điều hành có thể đi theo chính sách này, để thị trường bớt bất ngờ.

Hoặc nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể thấy trong những phát biểu thì đại diện NHNN luôn thận trọng và nhắc nhiều tới việc chính sách phải cân bằng.

Ý nghĩa của việc cân bằng, chúng ta nên hiểu là khả năng thắt chặt nhiều hơn. Bởi tất cả mọi người đều muốn nới lỏng, nên khi nhắc tới cân bằng, bản chất NHNN đang muốn nhắc nhở chúng ta rằng chính sách điều hành không thể đi theo một hướng như vậy.

Khi nhắc tới cân bằng, bản chất NHNN đang muốn nhắc nhở chúng ta rằng chính sách điều hành không thể đi theo một hướng.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup

Theo ông, đâu sẽ là bài toán lớn nhất của năm 2025: Lãi suất, lạm phát hay là tỷ giá?

Tôi nghĩ lạm phát sẽ không phải là vấn đề lớn. Cuối cùng, câu chuyện về chiến tranh thương mại, hay những quyết sách về lãi suất của Fed đều tác động đến một vấn đề là tỷ giá. Vì vậy, chìa khóa vẫn sẽ nằm ở tỷ giá.

Doanh nghiệp thích nghi với áp lực

Năm 2025, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt nhưng động lực nằm tập trung ở khối FDI. Ông đánh giá thế nào về tình trạng của các doanh nghiệp trong nước?

Tôi nghĩ sau hai ba năm liên tục gặp khó khăn thì các doanh nghiệp trong nước đang dần thay đổi.

Nếu trước đây, chúng ta bắt gặp doanh nghiệp than phiền khá nhiều, từ mặt trận truyền thông cho đến các hội nghị do Chính phủ tổ chức thì đến nay, hầu như không còn ai than phiền nữa.

Mọi người đã hiểu chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính toàn cầu. Là một phần trong đó, chúng ta khó có thể tránh được và cần phải dần thích nghi với hoàn cảnh mới.

Các doanh nghiệp đang tập trung vào câu chuyện xử lý các vấn đề nội tại, tái cấu trúc hoạt động và tiết giảm chi phí. Đa phần những doanh nghiệp tôi tiếp xúc và gặp gỡ vẫn đang hướng tới những chiến lược phòng thủ nhiều hơn.

Còn về cơ hội, một số ngành có câu chuyện riêng như công nghệ có thể tìm thấy cơ hội tăng trưởng.

Còn lại, về tổng thể, tôi cho rằng các doanh nghiệp trong nước trong năm 2025 sẽ dễ thở hơn so với năm 2024, nhưng chưa hoàn toàn thoải mái. Giai đoạn này đẩy mạnh phát triển khá rủi ro khi còn nhiều biến số tiềm ẩn.

Các doanh nghiệp trong nước trong năm 2025 sẽ dễ thở hơn so với năm 2024, nhưng chưa hoàn toàn thoải mái.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup

Một vấn đề nữa, tôi muốn lưu ý đó là vấn đề nhân lực. Chúng ta hay đề cập tới việc nguồn lực đang chảy sang các khu vực kinh tế khác, như FDI.

Tuy nhiên, nguồn lực mà mọi người thường nói đến mới chỉ là vốn, trong khi lãng quên tới nhân lực.

Một khảo sát gần đây của Wi Research cho thấy câu chuyện một lượng lớn nhân lực đang bị chảy dần sang khối FDI. Thậm chí, tốc độ dịch chuyển của dòng vốn còn không nhanh bằng tốc độ chảy nhân lực.

Theo ước tính của chúng tôi, FDI đang chiếm tới 40% nhân lực trong nước. Đây cũng là vấn đề chúng ta cần phải quan tâm.

Một câu hỏi cuối cùng, nếu theo dõi một chỉ số của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025 này, ông sẽ chọn chỉ số nào?

Tôi sẽ chọn theo dõi cung tiền. Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất của nền kinh tế bây giờ vẫn là dòng tiền chưa được khơi thông.

Chỉ có khi nào dòng tiền khơi thông, chúng ta mới cảm nhận rõ ràng mọi thứ trở nên “dễ thở” hơn. Tất cả mọi thứ cuối cùng sẽ phản ánh vào cung tiền, vì vậy, kinh tế Việt Nam sẽ cần một con số tăng trưởng cung tiền tốt hơn trong năm 2025.

Kinh tế Việt Nam sẽ cần một con số tăng trưởng cung tiền tốt hơn trong năm 2025

Ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup

Xin cảm ơn ông!

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/nhung-bien-so-kho-luong-cua-vi-mo-viet-nam-nam-2025-d38584.html
Zalo