Quân sự thế giới hôm nay (3-10): Nhật Bản có tàu ngầm mới

Quân sự thế giới hôm nay (3-10) có những nội dung sau: Nga thả siêu bom ODAB-9000 tập kích Ukraine? Nhật Bản có tàu ngầm mới, Ấn Độ sắp hoàn tất thỏa thuận mua 26 máy bay chiến đấu Rafale Marine, Hanwha Aerospace giới thiệu pháo tự hành K9A3 tại KADEX 2024.

* Nga thả siêu bom ODAB-9000 tập kích Ukraine?

Trang Defense Express đưa tin, nhiều nguồn tin quân sự Nga tuyên bố đã triển khai siêu bom ODAB-9000 trong một cuộc tấn công vào thành phố Vovchansk ở Ukraine.

 Ảnh chụp màn hình về một cuộc tấn công được cho là bằng bom ODAB-9000 của Nga. Ảnh: Defense Express

Ảnh chụp màn hình về một cuộc tấn công được cho là bằng bom ODAB-9000 của Nga. Ảnh: Defense Express

Theo truyền thông Nga, ODAB-9000 là bom chân không, còn được mệnh danh là “Cha của tất cả các loại bom”. Loại bom này được cho là vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất thế giới, với sức nổ tương đương với 44.000kg thuốc nổ TNT - sức công phá tương đương một đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ nhất. Tuy nhiên, loại bom này không thải ra vật liệu phóng xạ như vũ khí hạt nhân.

ODAB-9000 là vũ khí nhiệt áp, nghĩa là bom hút cạn oxy từ không khí xung quanh để tạo ra một vụ nổ có sức công phá mạnh trên diện rộng. Nếu thông tin này là sự thật, đây sẽ là lần đầu tiên bom ODAB-9000 được ghi nhận trong thực chiến.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng quả bom thả xuống Vovchansk có thể là một loại bom nhiệt áp nhỏ hơn, chẳng hạn như ODAB-1500. Mặc dù cả hai quả bom đều có sức hủy diệt cao, ODAB-1500 có sức công phá thấp hơn đáng kể so với ODAB-9000.

Video được cho là vụ nổ xảy ra ở thành phố Vovchansk do Nga thả bom ODAB-9000. Nguồn: X.com

* Nhật Bản có tàu ngầm mới

Theo thông tin do Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố ngày 2-10, công ty Mitsubishi Heavy Industries (MHI) sẽ tổ chức lễ đặt tên và hạ thủy cho tàu ngầm lớp Taigei thứ 5 tại xưởng đóng tàu Kobe. Tên chính thức của tàu sẽ không được tiết lộ cho đến khi buổi lễ kết thúc.

 Tàu ngầm lớp Taigei của Hải quân Nhật Bản. Ảnh: Japanese MoD

Tàu ngầm lớp Taigei của Hải quân Nhật Bản. Ảnh: Japanese MoD

Tàu ngầm lớp Taigei đại diện cho bước tiến đáng kể trong khả năng tác chiến dưới nước của Nhật Bản, kế thừa những ưu điểm của lớp Soryu trong Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF). Được thiết kế để cải thiện khả năng tàng hình, sức bền và hiệu quả chiến đấu, lớp Taigei được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến trong khi vẫn duy trì hệ thống đẩy diesel-điện truyền thống và được hỗ trợ thêm bằng pin lithium-ion.

Việc chuyển sang pin lithium-ion cho phép lớp Taigei hoạt động dưới nước trong thời gian lâu hơn so với các tàu tiền nhiệm mà không cần Hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP) hay còn gọi là động cơ kỵ khí. Điều này giúp tăng cường khả năng tàng hình vì nó làm giảm nhu cầu phải nổi lên mặt nước thường xuyên, do đó giảm thiểu rủi ro bị đối phương phát hiện. Ngoài ra, loại pin này có hiệu suất năng lượng cao hơn và nhỏ gọn, cho phép quản lý năng lượng hiệu quả hơn trong tác chiến lâu dài.

Về mặt cấu trúc, lớp Taigei vẫn duy trì kích thước tương tự như lớp Soryu nhưng thân được thiết kế lại làm từ thép cường lực mật độ cao, tăng cường độ bền trong áp suất cực lớn dưới nước. Bên cạnh đó, tàu cũng sử dụng vật liệu hấp thụ âm thanh mới và cấu trúc sàn nổi, đảm bảo hoạt động yên tĩnh hơn - rất quan trọng đối với các nhiệm vụ tàng hình ở vùng biển tranh chấp.

Tàu ngầm lớp Taigei được trang bị hệ thống sonar tiên tiến giúp cải thiện khả năng phát hiện, theo dõi các tàu ngầm và tàu khác trong môi trường hàng hải phức tạp. Các hệ thống quản lý chiến đấu đã được nâng cấp để tích hợp nhiều cảm biến và vũ khí hơn. Lớp Taigei có thể mang ngư lôi Type 89 và tên lửa UGM-84 Harpoon Block II, cung cấp cả khả năng tấn công chống tàu ngầm và các loại tàu nổi khác.

* Ấn Độ sắp hoàn tất thỏa thuận mua 26 máy bay chiến đấu Rafale Marine

Mới đây, tờ Times of India đưa tin, Ấn Độ sắp hoàn tất thỏa thuận với Pháp về việc mua 26 máy bay chiến đấu Rafale Marine, dự kiến sẽ giúp tăng cường năng lực hoạt động của Hải quân Ấn Độ trên tàu sân bay.

 Máy bay chiến đấu Rafale Marine. Ảnh: Dassault

Máy bay chiến đấu Rafale Marine. Ảnh: Dassault

Sau một loạt các cuộc đàm phán kéo dài hơn một năm, Ấn Độ và Pháp đã chốt được giá cuối cùng. Thỏa thuận dự kiến sẽ sớm được ký kết, mô phỏng chặt chẽ theo hợp đồng năm 2016 mà Không quân Ấn Độ đã mua 36 máy bay phản lực Rafale.

Rafale Marine là máy bay phản lực được thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay của Ấn Độ. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng giữa F/A-18 Super Hornet của Boeing và Rafale Marine của Dassault, Hải quân Ấn Độ đã chọn Rafale vì lý do kỹ thuật. Máy bay được coi là sự bổ sung phù hợp cho phi đội không quân và sẽ được trang bị vũ khí chống hạm tiên tiến cùng các thùng nhiên liệu được tối ưu hóa cho các hoạt động trên biển. Ngoài ra, Rafale Marine sẽ được trang bị tên lửa không đối không tầm xa Meteor, một trong những hệ thống tiên tiến nhất cùng loại trong khu vực.

* Hanwha Aerospace giới thiệu pháo tự hành K9A3 tại KADEX 2024

Tại Triển lãm công nghiệp quốc phòng quốc tế Hàn Quốc (KADEX 2024), tập đoàn Hanwha Aerospace đã giới thiệu K9A3, phiên bản không người lái của pháo tự hành K9 Thunder 155mm.

 Pháo tự hành K9A3 được thiết kế để lái và định vị tự động, cho phép quản lý hiệu quả khả năng di chuyển và hoạt động. Ảnh: Army Recognition

Pháo tự hành K9A3 được thiết kế để lái và định vị tự động, cho phép quản lý hiệu quả khả năng di chuyển và hoạt động. Ảnh: Army Recognition

K9A3 đại diện cho một bước tiến đáng kể trong quá trình phát triển các hệ thống pháo hiện đại, kết hợp nhiều cải tiến khác nhau, bao gồm nòng pháo 155mm thuộc loại L/58 cho phép đạt tầm bắn hơn 80km, một cải tiến đáng kể so với các mẫu trước đó.

K9A3 được coi là nền tảng chiến lược hơn so với K9 và được kỳ vọng sẽ tăng cường đáng kể khả năng tấn công tầm xa cho các đội quân dã chiến. K9A3 hoàn toàn tự động và được tối ưu hóa cho nhiều loại đạn pháo chuyên dụng, có nòng dài phù hợp các yêu cầu của chiến trường hiện đại.

Một trong những tính năng chính của phiên bản này là khả năng điều khiển và vận hành từ xa. K9A3 được thiết kế để lái và định vị tự động, cho phép quản lý hiệu quả khả năng di chuyển và hoạt động. Nó có thể được điều khiển từ xa, giúp giảm thiểu khả năng tiếp xúc của quân đội với các mối nguy hiểm trên chiến trường. Khả năng hoạt động tự động cũng giúp giảm quy mô kíp lái, do đó tăng khả năng sống sót cho binh lính.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-3-10-nhat-ban-co-tau-ngam-moi-797078
Zalo