Quân sự thế giới hôm nay (27-1): Xe tăng T-90S Bhishma của Ấn Độ có gì đặc biệt?

Quân sự thế giới hôm nay (27-1) có những nội dung sau: Xe tăng T-90S Bhishma của Ấn Độ có gì đặc biệt? Iran sử dụng pháo phản lực Fajr-5 để rải thủy lôi; Romania mua thêm 150 xe bọc thép Piranha 5.

* Xe tăng T-90S Bhishma của Ấn Độ có gì đặc biệt?

Trong lễ diễu hành kỷ niệm Ngày Cộng hòa, Ấn Độ đã giới thiệu xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S Bhishma - biểu tượng sức mạnh trong tác chiến thiết giáp của quốc gia này. T-90S là “xương sống” trong đội hình thiết giáp của Lục quân Ấn Độ, cùng với xe tăng Arjun sản xuất trong nước và T-72.

 Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S Bhishma xuất hiện trong lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ. Ảnh: The Free Press Journal

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S Bhishma xuất hiện trong lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ. Ảnh: The Free Press Journal

T-90S Bhishma là một biến thể của xe tăng T-90 do Nga sản xuất, được coi là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến nhất đang phục vụ trên toàn cầu. Với pháo nòng trơn 125mm mạnh mẽ, giáp composite và hệ thống kiểm soát hỏa lực hiện đại, T-90S đã chứng minh là một vũ khí cực kỳ hiệu quả trên chiến trường. Khả năng hoạt động trong nhiều môi trường khác nhau, từ sa mạc đến địa hình đồi núi, đã khiến phương tiện này trở thành lựa chọn lý tưởng của Lục quân Ấn Độ.

Về hiệu suất, T-90S có khả năng cơ động và hỏa lực vượt trội, cho phép tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa, trong khi hệ thống giáp và các biện pháp đối phó tiên tiến cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ cho kíp lái.

T-90S Bhishma được thiết kế riêng cho Lục quân Ấn Độ, kết hợp một số tính năng độc đáo nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động và điều kiện môi trường của quốc gia này. T-90S được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động nội địa, có khả năng chống lại tên lửa chống tăng có điều khiển và súng phóng lựu, mang đến lớp phòng thủ bổ sung cho kíp lái. Một tính năng đáng chú ý khác là sự tích hợp giữa lớp giáp composite do Ấn Độ sản xuất và lớp giáp phản ứng nổ (ERA), mang lại khả năng bảo vệ tốt hơn trước các loại vũ khí chống tăng hiện đại.

* Iran sử dụng pháo phản lực Fajr-5 để rải thủy lôi

Mới đây, truyền hình nhà nước Iran đã tiết lộ, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã sử dụng pháo phản lực phóng loạt Fajr-5 (MLRS) để rải thủy lôi. Ứng dụng mới lạ này đã khiến giới quân sự phải ngạc nhiên, vì đây là một phương pháp triển khai thủy lôi cực kỳ hiệu quả trên khu vực rộng lớn ở khoảng cách xa.

 Iran sử dụng hệ thống pháo phản lực phóng loạt Fajr-5 MLRS để triển khai thủy lôi trong một cuộc tập trận hải quân. Ảnh: Đài truyền hình Iran

Iran sử dụng hệ thống pháo phản lực phóng loạt Fajr-5 MLRS để triển khai thủy lôi trong một cuộc tập trận hải quân. Ảnh: Đài truyền hình Iran

Theo truyền thống, thủy lôi được triển khai bằng tàu hải quân hoặc máy bay chuyên dụng. Tuy nhiên, việc Iran điều chỉnh hệ thống MLRS Fajr-5 để rải thủy lôi mang đến một cách tiếp cận sáng tạo, có thể có những tác động sâu sắc đến an ninh hàng hải của cả khu vực và toàn cầu.

Fajr-5 là pháo phản lực phóng loạt do Iran sản xuất, được thiết kế để bắn tên lửa pháo binh quy mô lớn từ khoảng cách xa. Thông thường, Fajr-5 được lắp trên bệ xe tải, giúp nó có khả năng cơ động cao và có thể triển khai nhanh chóng trên nhiều địa hình khác nhau. Hệ thống này có tầm bắn 80-100km, tùy thuộc vào từng biến thể. Bệ phóng của Fajr-5 được thiết kế để bắn nhiều tên lửa liên tiếp, tạo ra hiệu ứng bão hòa để áp đảo các mục tiêu trên một khu vực rộng lớn. Tính linh hoạt và khả năng cơ động của Fajr-5 khiến nó đặc biệt hữu ích trong chiến tranh phi đối xứng, cho phép Iran tấn công các mục tiêu có giá trị cao trong khi vẫn đảm bảo an toàn. Ngoài ra, hệ thống này đã được điều chỉnh để sử dụng ở một số chiến trường xung đột, phản ánh tính linh hoạt và tầm quan trọng trong học thuyết quân sự của Iran.

Trong cuộc tập trận hải quân gần đây, Iran đã sử dụng Fajr-5 để phóng thủy lôi. Đây là sự thay đổi đáng kể trong chiến lược hải quân của Iran, sử dụng một phương tiện di động và hiệu quả cao để tạo ra các bãi thủy lôi mà không cần dựa vào các nền tảng dễ bị phát hiện như tàu rải thủy lôi chuyên dụng. Khả năng triển khai thủy lôi nhanh chóng trên một khu vực rộng lớn bằng Fajr-5 khiến phương pháp này trở thành một công cụ mạnh mẽ để phá vỡ giao thông hàng hải.

* Romania mua thêm 150 xe bọc thép Piranha 5

Theo thông tin từ MediaFax Romania, Bộ Quốc phòng Romania có kế hoạch hoàn tất các hợp đồng mua sắm vào năm 2025 với giá trị lên tới 8 tỷ euro, trong số đó có việc mua thêm 150 xe bọc thép bánh lốp Piranha 5 8x8 nhằm hiện đại hóa quân đội và tăng cường năng lực phòng thủ của Romania.

 Xe bọc thép Piranha 5 8x8. Ảnh: Wikimedia

Xe bọc thép Piranha 5 8x8. Ảnh: Wikimedia

Piranha 5 là xe bọc thép bánh lốp 8x8 tiên tiến do General Dynamics European Land Systems phát triển, nổi tiếng với khả năng cơ động, bảo vệ và tính linh hoạt vượt trội. Xe được thiết kế riêng để đáp ứng các yêu cầu hoạt động hiện đại, mang lại khả năng sống sót cao và hỏa lực mạnh mẽ. Thiết kế mô-đun của xe cho phép có nhiều cấu hình khác nhau, giúp tăng khả năng thích ứng với các nhiệm vụ.

Được trang bị hệ thống liên lạc, cảm biến và vũ khí hiện đại, Piranha 5 có khả năng hỗ trợ nhiều hoạt động chiến đấu và gìn giữ hòa bình. Xe có thể mang theo nhiều loại vũ khí, bao gồm súng phóng lựu tự động và tên lửa chống tăng có điều khiển. Điều này khiến nó trở thành một vũ khí đáng gờm trong cả vai trò phòng thủ và tấn công. Piranha 5 cũng có khả năng tương tác cao với các lực lượng NATO, đảm bảo sự phối hợp liền mạch trong các hoạt động chung.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-27-1-xe-tang-t-90s-bhishma-cua-an-do-co-gi-dac-biet-813462
Zalo