Hiểu thế nào việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu?
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu gây ra nhiều tác động, cho cả Mỹ và cho toàn cầu.
Trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ hai, ông Donald Trump đã ký sắc lệnh về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trước khi ký sắc lệnh, ông Trump cho rằng thỏa thuận toàn cầu này là “một sự lừa đảo không công bằng, thiên vị”.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Vào năm 2017, khi ông Trump đang giữ nhiệm kỳ đầu tiên, ông cũng có hành động tương tự.
Theo trang tin The Conversaion, một mặt, động thái của ông Trump là được xem là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực hành động vì khí hậu toàn cầu. Mỹ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, mặt khác, đây có thể xem là một bước mở đầu cho những nỗ lực mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn nhằm chống biến đổi khí hậu. Theo The Conversation, ông Trump từng nhiều lần không ủng hộ các chính sách khí hậu. Do đó, việc ông tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này phần nào cũng tạo điều kiện cho quá trình đàm phán các thỏa thuận khí hậu đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của thế giới hiện nay.
Tầm quan trọng của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Được 196 quốc gia ký kết vào năm 2015, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là hiệp định toàn cầu toàn diện đầu tiên nhằm chống biến đổi khí hậu. Mục tiêu chung của Hiệp định là nỗ lực giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các nhà khoa học cho biết việc đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C là rất quan trọng, vì vượt qua ngưỡng đó, con người có thể chứng kiến những tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu, như hạn hán, nắng nóng thường xuyên và nghiêm trọng hơn.
Theo hiệp định, các nước phải lập kế hoạch quốc gia để giảm phát thải khí nhà kính nhằm giúp đạt được các mục tiêu về kiểm soát nhiệt độ toàn cầu. Các kế hoạch này được gọi là "các khoản đóng góp do quốc gia quyết định".
Việc ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris tác động ra sao?
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris vào tháng 6-2017. Do thủ tục rút khỏi hiệp định mất khoảng 3 năm, nên việc rời đi này có hiệu lực chính thức vào tháng 11-2020. Ngay sau đó, Mỹ tái gia nhập hiệp định dưới thời Tổng thống Joe Biden vào đầu năm 2021. Như vậy, thời gian thực tế Mỹ rời khỏi Hiệp định Paris chỉ trong 4 tháng.
Theo The Conversation, lần này, việc Mỹ rút khỏi hiệp định sẽ diễn ra nhanh hơn, có thể là sau khoảng 1 năm. Sau đó, Mỹ sẽ cùng với Iran, Libya và Yemen trở thành những thành viên Liên Hợp Quốc không tham gia hiệp định này.
Xét theo dự đoán trên, Mỹ vẫn là một bên tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cho đến tháng 1-2026. Điều đó có nghĩa là nước này có thể vẫn tham gia đàm phán tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP30) ở Brazil trong năm nay.
COP30 là một sự kiện lớn. Đây là thời điểm các quốc gia phải trình bày “các khoản đóng góp do quốc gia quyết định”. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris khiến nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ không nêu lên nhiều ý kiến trong COP30 và sẽ khó có thể đóng vai trò quyết định trong việc đưa ra các thỏa thuận mới.
Dù vậy, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng gây nên nhiều tác động lớn.
Rời khỏi Hiệp định Paris đồng nghĩa việc Mỹ không còn phải cung cấp thông tin cập nhật hàng năm về lượng khí thải nhà kính của nước này. Thiếu thông tin từ Mỹ có thể khiến việc theo dõi quá trình giảm phát thải nói chung trên toàn cầu trở nên khó khăn hơn.
Dưới thời chính quyền ông Biden, Mỹ đã góp tiền tài trợ để giúp các quốc gia đang phát triển áp dụng năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Trump được cho là sẽ cắt giảm khoản tài trợ này. Điều đó sẽ khiến các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu rơi vào tình thế bấp bênh hơn nữa.
Vào lần trước, dù Mỹ chỉ rút khỏi Hiệp định Paris trong thời gian ngắn nhưng quá trình này đã gây ra những bất ổn. Hành động này làm suy yếu tình đoàn kết quốc tế và gửi đi một thông điệp không có lợi cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Việc ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris lần này cũng gây nên tác động tinh thần lớn. Điều này có thể khiến cho những người Mỹ đang đấu tranh vì khí hậu và những người đang đối mặt tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu không hài lòng.
Tuy nhiên, giống như lần trước đây, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris lần này có thể sẽ diễn ra trong khoản thời gian ngắn và có thể thay đổi sau nhiệm kỳ của ông Trump. Trong thời gian đó, chuyên gia hy vọng các bên tham gia Hiệp định Paris như Trung Quốc, Liên minh châu Âu sẽ nỗ lực hơn để lấp đầy khoảng trống Mỹ để lại.
Trên hết, dù Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris, các hoạt động chống biến đổi khí hậu vẫn không dừng lại. Các nỗ lực bảo vệ môi trường, đầu tư vào năng lượng sạch, tiến tới xóa bỏ nhiên liệu hóa thạch vẫn đang được tiến hành, với niềm tin mãnh liệt về một tương lai xanh cho hành tinh.