Quân sự thế giới hôm nay (14-5): Tiêm kích F-35B đầu tiên của Nhật Bản lộ diện?

Quân sự thế giới hôm nay (14-5) có những nội dung sau: Tiêm kích F-35B đầu tiên của Nhật Bản lộ diện? Bỉ tăng cường năng lực phòng không bằng tên lửa Piorun của Ba Lan, Mỹ lên kế hoạch 'hồi sinh' tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm.

* Tiêm kích F-35B đầu tiên của Nhật Bản lộ diện?

Bulgarian Military dẫn hình ảnh được nhiếp ảnh gia hàng không Tori Mae Fontana ghi lại gần Nhà máy Không quân số 4 tại bang Texas của nhà thầu Mỹ Lockheed Martin, trong đó cô quả quyết đó là chiếc máy bay F-35B đầu tiên của Nhật Bản, được đánh dấu bằng ký hiệu BX-1.

Bức ảnh được chụp vào ngày 13-5 này đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và khơi dậy sự quan tâm của dư luận đến một cột mốc tiềm năng trong quá trình hiện đại hóa quân đội của Nhật Bản. Nếu được xác minh là chính xác, điều đó hiện thực hóa những nỗ lực của Tokyo nhằm tăng cường năng lực hàng không hải quân và đánh dấu bước tiến trong chương trình trị giá hàng tỷ USD nhằm triển khai các máy bay chiến đấu tiên tiến trên tàu sân bay hoán cải của nước này.

 Một trong những bức ảnh của nhiếp ảnh gia hàng không Tori Mae Fontana được cho là tiêm kích F-35B đầu tiên dành cho Nhật Bản. Ảnh: Tori Mae Fontana

Một trong những bức ảnh của nhiếp ảnh gia hàng không Tori Mae Fontana được cho là tiêm kích F-35B đầu tiên dành cho Nhật Bản. Ảnh: Tori Mae Fontana

Nhật Bản đã cam kết mua 42 chiếc F-35B như một phần của đơn đặt hàng tổng cộng 147 chiếc F-35, bao gồm 105 chiếc F-35A đã được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đưa vào sử dụng hoặc đang được đặt hàng. Vì thế, chiếc F-35B với ký hiệu BX-1, được phóng viên Fontana phát hiện, đại diện cho chiếc máy bay phản lực tiên tiến đầu tiên trong số này sắp hoàn thiện, một cột mốc đưa Nhật Bản tiến gần hơn đến việc vận hành máy bay chiến đấu từ các tàu lớp Izumo (JS Izumo và JS Kaga) lần đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Sự xuất hiện của chiếc F-35B được cho là dành cho Nhật Bản tại Texas diễn ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo rằng, việc đối tác Mỹ giao 6 chiếc F-35B đầu tiên, ban đầu dự kiến vào ngày 31-3, đã bị trì hoãn mà không nêu rõ lý do. Theo Bulgarian Military, sự chậm trễ bắt nguồn từ các vấn đề với bản nâng cấp phần mềm TR-3 của F-35, khiến Lầu Năm Góc phải tạm dừng giao hàng cho cả quân đội Mỹ và khách hàng nước ngoài vào năm 2023.

Lockheed Martin đã tiếp tục giao hàng vào tháng 7-2024 sau khi phần mềm được coi là ổn định cho hoạt động huấn luyện, nhưng quá trình nâng cấp vẫn chưa hoàn thiện, và dự kiến khả năng chiến đấu đầy đủ của máy bay sẽ chỉ đạt được vào cuối năm nay.

Clip ghi lại máy ảnh của nhiếp ảnh gia hàng không Tori Mae Fontana chụp tiêm kích F-35B. Nguồn: Tori Mae Fontana

Nhằm chuẩn bị “đón” những chiếc F-35B của riêng mình, năm 2019, Nhật Bản đã triển khai dự án hoán cải hai tàu JS Izumo và JS Kaga thành tàu sân bay hạng nhẹ với tổng chi phí chạm ngưỡng 4 tỷ USD, tương đương 5% ngân sách quốc phòng của nước này khi đó. Quá trình hoán cải tàu JS Kaga kết thúc vào tháng 4-2024. Chiến hạm này đã tới bang California, Mỹ từ tháng 9-2024 để thử nghiệm, bảo đảm khả năng tích hợp tiêm kích F-35B vào lực lượng tác chiến trên tàu. Kết quả từ đợt nâng cấp và thử nghiệm sẽ giúp mở đường cho quá trình hoán cải tàu JS Izumo.

* Bỉ tăng cường năng lực phòng không bằng tên lửa Piorun của Ba Lan

Defense Mirror đưa tin, Bỉ bày tỏ kế hoạch mua 200-300 hệ thống tên lửa phòng không vác vai di động Piorun, được Công ty công nghệ quốc phòng Mesko của Ba Lan sản xuất.

Đây là một phần trong ý định thư hợp tác quốc phòng được hai bên ký kết, bao gồm cả lĩnh vực UAV và huấn luyện phi công tiêm kích F-35. Tuy nhiên, giá trị thương vụ, số lượng khí tài và mốc thời gian giao hàng không được tiết lộ.

Hệ thống tên lửa phòng không vác vai di động Piorun. Ảnh: Defence24

Hệ thống tên lửa phòng không vác vai di động Piorun. Ảnh: Defence24

Hiện tại quân đội Bỉ đang vận hành hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Mistral 3 của Pháp. Vì vậy, việc bổ sung hệ thống Piorun có thể đóng vai trò là giải pháp tăng cường năng lực phòng không cho nước này.

Thực chất, đây là bản hiện đại hóa sâu của hệ thống Grom - phiên bản nội địa hóa từ dòng Igla của Liên Xô, được sản xuất tại Ba Lan. Piorun được đưa vào phục vụ trong quân đội Ba Lan từ năm 2019, nhằm vô hiệu hóa máy bay bay thấp, trực thăng, UAV và tên lửa hành trình.

Hệ thống phòng không này được vận hành bởi một binh sĩ, bao gồm một tên lửa một tầng, một bệ phóng hình ống sử dụng một lần, một nguồn điện và một cơ cấu khai hỏa. Bộ phận phóng và tên lửa có tổng trọng lượng là 16,5kg; trong đó tên lửa 10,5kg mang theo đầu đạn nặng 1,82kg. Piorun sử dụng tên lửa tầm ngắn có thể bắn trúng mục tiêu bay ở khoảng cách từ 400m đến 6km và độ cao đến 4km.

Tên lửa có vận tốc 660m/giây, tương đương Mach 2 (gấp 2 lần vận tốc âm thanh), chiều dài 1.596m, đường kính 72mm và sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, trang bị một ngòi chạm nổ, cho phép tiêu diệt hiệu quả hơn các mục tiêu trên không có kích thước nhỏ.

* Mỹ lên kế hoạch “hồi sinh” tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm

Theo Army Recognition, Hải quân Mỹ đã tái khẳng định cam kết phát triển tên lửa hành trình hạt nhân phóng từ tàu ngầm (SLCM-N), hướng tới mục tiêu triển khai vào năm 2034.

Mỹ lên kế hoạch “hồi sinh” tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm vào năm 2034. Ảnh minh họa: Bộ Quốc phòng Mỹ

Mỹ lên kế hoạch “hồi sinh” tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm vào năm 2034. Ảnh minh họa: Bộ Quốc phòng Mỹ

Động thái này đánh dấu tham vọng của Quân đội Mỹ nhằm tái triển khai khả năng phóng tên lửa hành trình hạt nhân trên tàu ngầm tấn công, vốn đã ngừng hoạt động vào năm 1992. Trước đó, đề xuất phát triển SLCM-N được khởi xướng vào năm 2018 dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, song bị hủy bỏ vào năm 2022 dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Tên lửa SLCM-N dự kiến sẽ được triển khai trên các tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia, vốn được đánh giá cao về khả năng linh hoạt và độ tàng hình. Theo đề xuất hiện tại, Quốc hội Mỹ đang cân nhắc phân bổ 2 tỷ USD cho việc phát triển nhiệm vụ liên quan đến SLCM-N và thêm 400 triệu USD để chế tạo đầu đạn hạt nhân. Về mặt chiến lược, SLCM-N giúp lấp đầy khoảng trống trong bộ ba hạt nhân của Mỹ, bằng cách cung cấp một lựa chọn hạt nhân mà không phụ thuộc vào máy bay ném bom chiến lược hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Hải quân Mỹ từng triển khai loại tên lửa hành trình hạt nhân TLAM-N vào giữa những năm 1980 trên các tàu nổi và tàu ngầm.

MINH ANH(tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-14-5-tiem-kich-f-35b-dau-tien-cua-nhat-ban-lo-dien-828214
Zalo