Quân sự thế giới hôm nay (10-4): Liên minh Mỹ-Hàn bắt tay chế tạo UAS thế hệ tiếp theo
Quân sự thế giới hôm nay (10-4) có những nội dung sau: Tàu BRF Jacques Stosskopf của Pháp bắt đầu thử nghiệm trên biển; Liên minh Mỹ-Hàn bắt tay chế tạo UAS quân sự thế hệ tiếp theo; KNDS tăng cường sản xuất pháo tự hành Caesar.
* Tàu BRF Jacques Stosskopf của Pháp bắt đầu thử nghiệm trên biển
BRF Jacques Stosskopf, tàu hậu cần thứ hai được đóng cho Hải quân, dự kiến sẽ khởi hành từ Saint-Nazaire để bắt đầu thử nghiệm trên biển. Bước đi này đánh dấu một giai đoạn mới trong việc triển khai thế hệ tàu hậu cần mới của Pháp nhằm duy trì các hoạt động hải quân trong thời gian dài.

Với lượng giãn nước đầy tải là 31.000 tấn, chiều dài 194m và chiều rộng 27,6m, Jacques Stosskopf có thể chở tới 1.500 tấn hàng rắn và 13.000m³ nhiên liệu. Ảnh: Chính phủ Pháp
Với lượng giãn nước đầy tải là 31.000 tấn, chiều dài 194m và chiều rộng 27,6m, Jacques Stosskopf được thiết kế có thể chở tới 1.500 tấn hàng rắn và 13.000m³ nhiên liệu, tăng đáng kể so với khả năng của các tàu chở dầu lớp Durance trước đây. Hệ thống trữ nhiên liệu của tàu cho phép cung cấp cả dầu diesel cho tàu nổi và nhiên liệu cho máy bay phản lực. Vai trò hậu cần này đóng vị trí trung tâm trong việc duy trì khả năng sẵn sàng hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay Pháp, hiện đang lấy tàu sân bay Charles de Gaulle làm trung tâm và trong tương lai là tàu sân bay thế hệ tiếp theo (PA-NG), dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2038.
Các cuộc thử nghiệm sẽ diễn ra ngoài khơi bờ biển Brittany. Trong quá trình di chuyển đến Brest, dự kiến vào cuối tháng 6, thủy thủ đoàn cũng sẽ tiến hành các cuộc thử nghiệm trong điều kiện thực tế, bao gồm các cuộc thử nghiệm về đặc điểm âm thanh, hoạt động tiếp tế với tàu yểm trợ Somme và các cuộc tập trận phối hợp với các loại vũ khí khác.
Sau khi dừng chân tại Brest, Jacques Stosskopf sẽ đồn trú tại cảng Toulon. Tàu dự kiến sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Việc đóng tàu thứ ba, Émile Bertin, hiện đã được tiến hành và dự kiến sẽ được bàn giao năm 2027. Tàu thứ tư và cũng là tàu cuối cùng, Gustave Zédé, đã bị trì hoãn do hạn chế về ngân sách và hiện dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào khoảng năm 2033.
* Liên minh Mỹ-Hàn bắt tay chế tạo UAS quân sự thế hệ tiếp theo
Công ty General Atomics Aeronautical Systems, Inc. (GA-ASI) của Mỹ và Hanwha Aerospace của Hàn Quốc vừa ký kết một thỏa thuận hợp tác phát triển và sản xuất phương tiện bay không người lái (UAS) quân sự thế hệ tiếp theo. Thỏa thuận này đánh dấu sự liên kết chiến lược giữa hai công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng hàng đầu thế giới, nhằm mục đích mở rộng sự hiện diện trên thị trường UAS toàn cầu, trong bối cảnh việc sử dụng hệ thống không người lái trong chiến tranh hiện đại ngày càng tăng.

GA-ASI và Hanwha Aerospace thực hiện thành công buổi trình diễn phóng UAS Gray Eagle từ tàu đổ bộ ROKS Dokdo (LPH-6111) của Hải quân Hàn Quốc khi đang di chuyển ngoài khơi bờ biển Pohang, Hàn Quốc ngày 12-11-2024. Ảnh: Morning Star
Quan hệ đối tác mới này bắt nguồn từ một cột mốc quan trọng đạt được vào tháng 11-2024, khi công ty GA-ASI và Hanwha Aerospace phóng thành công UAS MQ-1C Gray Eagle từ tàu đổ bộ ROKS Dokdo (LPH-6111) của Hải quân Hàn Quốc khi đang di chuyển ngoài khơi bờ biển Pohang. Vụ phóng đã chứng minh khả năng hoạt động của Gray Eagle từ các tàu hải quân mà không cần máy phóng hoặc thiết bị hãm. Khả năng này mở ra hướng đi mới, mang đến cho lực lượng Mỹ và đồng minh sự linh hoạt hơn trong việc triển khai các nhiệm vụ thu nhập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát liên tục và các vũ khí tấn công khác.
Gray Eagle, trước đây được gọi là Mojave, nổi bật trong lĩnh vực UAS nhờ tính linh hoạt và khả năng hoạt động độc lập. Là máy bay không người lái tầm trung, có độ bền cao duy nhất có khả năng phóng và thu hồi từ nhiều loại tàu, Gray Eagle đã thiết lập nhiều chuẩn mực trong ngành. Ngoài việc triển khai trên tàu Dokdo, nền tảng này đã thực hiện các hoạt động bay từ tàu sân bay HMS Prince of Wales của Anh và tham gia thử nghiệm bắn đạn thật tại Yuma Proving Ground ở Arizona, cho thấy khả năng thích ứng của nó trong nhiều tình huống chiến đấu.
* KNDS tăng cường sản xuất pháo tự hành Caesar
Trong bối cảnh môi trường chiến lược của châu Âu đã thay đổi đáng kể, nhấn mạnh đến nhu cầu về khả năng phản ứng và năng lực cung cấp thiết bị nhanh chóng, Tập đoàn quốc phòng KNDS của Pháp đã tăng sản lượng lên 6 hệ thống Caesar mỗi tháng vào năm 2024 và 8 hệ thống mỗi tháng vào năm 2025. Mục tiêu là sản xuất 70-80 hệ thống mỗi năm.

KNDS có ý định mở rộng sản xuất lên 12 đơn vị Caesar mỗi tháng vào năm 2026. Ảnh: Army Recognition
Caesar là lựu pháo tự hành đặt trên xe tải cấu hình 6x6, kết hợp khả năng cơ động chiến lược, triển khai nhanh và hỗ trợ hỏa lực chính xác. Hiệu suất của hệ thống tại Ukraine đã làm tăng đáng kể sự quan tâm của quốc tế. Khả năng bắn, di chuyển nhanh và vận chuyển hiệu quả đã chứng minh được sức mạnh của hệ thống trong môi trường chiến tranh cường độ cao, nơi mà việc tránh bị phản pháo là rất quan trọng.
KNDS đang có ý định mở rộng năng lực hơn nữa, với kế hoạch sản xuất 12 hệ thống Caesar mỗi tháng vào năm 2026. Việc tăng tốc này được thúc đẩy bởi nhu cầu quốc tế ngày càng tăng và dự đoán về các đơn đặt hàng quy mô lớn của Pháp. Năm 2023, Pháp đã xác nhận mua 109 đơn vị Caesar Mk II, phiên bản mới nhất của lựu pháo Caesar với khả năng bảo vệ và hiệu suất được cải thiện. Lịch giao hàng dự kiến bắt đầu vào năm 2027.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.