Quan sát và bình luận: Tạo danh trước, thực chất sau
Tổng thống Donald Trump có thể đã quá tự tin vào năng lực của mình và ngộ nhận về uy lực của nước Mỹ hiện tại
Đại đa số quyết sách cho đến nay của Tổng thống Mỹ Donald Trump đều đã được loan báo từ trước. Sắc lệnh hành pháp là một công cụ cầm quyền của tổng thống Mỹ nhưng không phải là đạo luật và chỉ có hiệu lực đối với bộ máy hành pháp, dễ bị tổng thống đương nhiệm hủy bỏ và bị tòa án bác bỏ.
Trong số những quyết định hành pháp hoặc tuyên cáo chủ định chính sách mà ông Trump đưa ra cho đến nay cũng có ý tưởng chính sách mới nhưng số này không nhiều. Hai trong diện ấy là việc ông Trump đề cập sự đánh đổi viện trợ của Mỹ để lấy đất hiếm của Ukraine và đề xuất đẩy người Palestine ra khỏi Dải Gaza và đặt vùng lãnh thổ này dưới sự quản lý trực tiếp của Mỹ.
Những gì ông Trump làm trong 3 tuần cầm quyền đầu tiên đã đảo lộn không ít trật tự chính trị - xã hội nội bộ vốn tồn tại ổn định lâu nay ở nước Mỹ và gây ra xáo trộn nhiều cũng như làm chính trị thế giới sôi động hẳn lên.
![Người biểu tình đổ lỗi cho tỉ phú Elon Musk về việc Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID) bị đe dọa đóng cửa. Ảnh: NPR](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_15_51432005/8f0a51ee6aa083fedab1.jpg)
Người biểu tình đổ lỗi cho tỉ phú Elon Musk về việc Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID) bị đe dọa đóng cửa. Ảnh: NPR
Ông chủ Nhà Trắng tỏ ra rất quyết tâm thực hiện ngay và luôn những cam kết và tuyên cáo to tát trước đó. Người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ đã bị đẩy trả về đất nước của họ. Thuế quan bảo hộ thương mại lại được áp dụng đối với một số đối tác thương mại của Mỹ.
Ông Trump một lần nữa rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris của Liên hợp quốc (LHQ) về khí hậu trái đất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đưa nước Mỹ ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Trong số những quyết sách đầu tiên của ông Trump còn có việc tạm thời ngừng tất cả viện trợ của Mỹ cho thế giới bên ngoài, tạm đóng cửa Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID).
Ông Trump không gây bất ngờ gì khi lại thể hiện sự thiên lệch hẳn về phía Israel trong cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine. Ủng hộ Israel cũng là một trong hai lý do được ông Trump đưa ra để biện minh cho quyết định áp dụng những biện pháp trừng phạt Tòa án hình sự quốc tế (ICC) của LHQ.
Những hành động và phát ngôn của ông Trump trong thời gian 3 tuần qua cho thấy ông không coi trọng Liên minh châu Âu (EU) và NATO, không dành ưu tiên chính sách cao cho các mối quan hệ này.
Đối với Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran, tổng thống Mỹ phát đi những thông điệp khác nhau. Với Trung Quốc và Nga, ông vừa tranh thủ vừa làm găng.
Với Iran và Triều Tiên, ông có vẻ tiếp tục định hướng chính sách đã được thực thi ở nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên - chủ trương gây áp lực tối đa lên Tehran trong khi muốn đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Thiên hạ thấy ông Trump tả xung hữu đột về đối nội và đối ngoại. Chính trị thế giới và quan hệ quốc tế sôi động bởi ông nhắm tới nhiều đối tác và đối thủ của Mỹ, khuấy động xung khắc với đối tác trên nhiều lĩnh vực, tạo được cảm nhận là ông trở lại cầm quyền ở Mỹ khiến cho chính trị thế giới nổi sóng lên hẳn.
Nhưng nếu nhìn vào thực chất thì hầu hết quyết sách cho đến nay của ông Trump chỉ có được hiệu ứng từ hạn chế đến rất hạn chế. Một số đã bị tòa án ở Mỹ chặn ngay lại. Một số bị chính ông Trump lập tức rút về. Một số chưa thể triển khai cụ thể ngay. Một số hoàn toàn chỉ mang tính danh nghĩa. Một số ở trong tình trạng "nói trước bước không qua".
Ông có thể đã quá tự tin vào năng lực của mình và ngộ nhận về uy lực của nước Mỹ hiện tại. Nhưng điều có thể chắc chắn là nhà lãnh đạo này hiện coi trọng việc tạo danh cho bản thân hơn là thực chất cầm quyền!
Kiện tụng liên miên
Truyền thông Mỹ thống kê dù nhậm chức chưa đầy 3 tuần song Tổng thống Donald Trump đã đối mặt với hơn 20 vụ kiện. Tạp chí Forbes chỉ ra vụ kiện đầu tiên được phát pháo ngay sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức ngày 20-1.
Trong vụ này, tổ chức phi lợi nhuận National Security Counselors yêu cầu phân loại Bộ Hiệu suất chính phủ (DOGE) do tỉ phú Elon Musk đứng đầu là ban tư vấn liên bang và phải tuân theo các quy định minh bạch công.
Một trong số vụ kiện mới nhất là vào ngày 7-2 (giờ địa phương), khi các tổng chưởng lý của 19 bang ngả theo Đảng Dân chủ kiện ông Trump ra tòa án liên bang vì để cho người của DOGE truy cập vào hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính.
Cùng ngày 7-2, thẩm phán liên bang Mỹ phụ trách khu vực thủ đô Washington Carl Nichols thông báo sẽ ra lệnh kiểm soát hạn chế và có thời hạn, nhằm ngăn kế hoạch buộc 2.200 nhân viên Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID) nghỉ không lương. Một ngày trước đó, Liên đoàn Nhân viên chính phủ Mỹ (AFGE) và Hiệp hội Công chức ngoại giao (AFSA) kiện Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Marco Rubio và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cùng các cơ quan của họ vì "nỗ lực đóng cửa USAID không thông qua quốc hội một cách vi hiến và bất hợp pháp".
Trong một vấn đề nổi cộm khác, Thẩm phán liên bang John McConnell ở TP Providence, bang Rhode Island ngày 31-1 chặn lệnh đóng băng các khoản tài trợ, khoản vay và hỗ trợ tài chính liên bang khác mà chính quyền ông Trump ban hành trước đó.
Ngoài ra, chính quyền ông Trump còn bị kiện nhiều vụ khác, bao gồm: hai nhóm đặc vụ Cục Điều tra Liên bang (FBI) kiện để ngăn công bố danh sách đặc vụ từng điều tra cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 6-1-2021 và ông Trump; Hội sinh viên Trường ĐH California kiện DOGE vì "truy cập trái phép vào thông tin cá nhân của khoảng 42 triệu sinh viên"; hàng loạt tù nhân kiện chính sách chuyển tù nhân nữ chuyển giới đến nhà tù nam...
Hiện chưa có vụ kiện nào trong số kể trên được chuyển lên Tòa án Tối cao Mỹ, song đây là kết cục khó tránh, nhất là với những vụ kiện cùng một chính sách nhưng lại được thụ lý ở nhiều tòa khác nhau.
Nhiều chuyên gia luật nhận định một số chính sách của ông Trump sẽ khó qua ải tòa án, chẳng hạn đóng băng ngân sách liên bang, chấm dứt chính sách cấp quyền công dân cho những đứa trẻ sinh ra tại Mỹ...
Hải Ngọc