Bài toán hóc búa

Chính sách trục xuất người nhập cư được Tổng thống Donald Trump thực thi quyết liệt ngay đầu nhiệm kỳ 2 đã gây ra những phản ứng trái chiều.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng ngày 20/1/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng ngày 20/1/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Có nhiều ý kiến ủng hộ chính sách này của ông Trump khi tính tới các yếu tố kinh tế hay an ninh. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại về những tác động không mong muốn từ chính sách này.

"Nước Mỹ không chào đón người nhập cư" có lẽ là một thông điệp nhất quán từng được ông Trump nêu bật ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên. Thắt chặt nhập cư và kiểm soát biên giới là một trong những ưu tiên tranh cử của vị tỷ phú này trong cả hai nhiệm kỳ, với tuyên bố rằng giảm bớt người nhập cư là điều cần thiết để củng cố thông điệp "Nước Mỹ trước tiên". Không thể phủ nhận việc siết chặt nhập cư là một trong những “lá bài” giúp thu hút sự ủng hộ của các cử tri bảo thủ, theo chủ nghĩa dân tộc và tầng lớp lao động đối với ông Trump.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp dụng hàng loạt chính sách cứng rắn liên quan tới nhập cư, như cấm người nhập cư đến từ 7 nước Hồi giáo lớn, muốn chấm dứt chương trình "Tạm hoãn thi hành lệnh trục xuất những người đến Mỹ từ thời thơ ấu" (DACA) của cựu Tổng thống Barack Obama...

Trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ 2, ông Trump tuyên bố sẽ áp dụng Đạo luật ngoại kiều thù địch (ATAC) cho phép Washington trục xuất bất kỳ người nước ngoài nào đến từ các quốc gia được cho có hành động thù địch với Mỹ và cam kết sẽ "thực hiện chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ".

Cam kết này đã được ông Trump thực hiện ngay sau khi nhậm chức, cùng với một loạt sắc lệnh như đình chỉ chương trình xin tị nạn, tái khởi động xây dựng tường biên giới và chính sách “Ở lại Mexico”, tước bỏ quyền công dân của những trẻ em sinh ra tại Mỹ có cha mẹ nhập cư bất hợp pháp...

Một trụ cột trong chính sách nhập cư của Mỹ là loại bỏ những người nhập cư không hợp pháp. Theo tờ Euro News, trong tuần đầu tiên sau khi ông Trump nhậm chức, chính quyền Mỹ đã trục xuất khoảng 7.300 người nhập cư bất hợp pháp từ nhiều nước.

Ngày 4/2, Mỹ đã thực hiện các chuyến bay đầu tiên chở người nhập cư bất hợp pháp, vi phạm pháp luật hay đe dọa an ninh quốc gia Mỹ đến căn cứ quân sự Guantanamo ở Cuba, nơi mà người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng có thể giam giữ tới 30.000 người nhập cư bị trục xuất.

Ông Trump cũng mở rộng phạm vi của các trường hợp trục xuất nhanh chóng, khôi phục một chính sách từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông mà Tổng thống Joe Biden đã bãi bỏ. Trước đây, các vụ trục xuất nhanh chỉ giới hạn trong phạm vi 160 km từ biên giới quốc tế của Mỹ và áp dụng cho những người không yêu cầu tị nạn hoặc không thể chứng minh một lý do hợp lệ để xin tị nạn.

Với thay đổi của ông Trump, các vụ trục xuất nhanh có thể diễn ra ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Mỹ và áp dụng cho những người nhập cư không có giấy tờ không thể chứng minh rằng họ đã sống ở Mỹ hơn hai năm.

Trên thực tế, trục xuất không phải là chính sách mới. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã thực hiện 1,5 triệu vụ trục xuất, con số tương đương với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, con số này thậm chí còn cao hơn, với 2,9 triệu vụ trục xuất trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Pew, có hơn 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp đang sinh sống tại Mỹ, trong đó người gốc Mexico khoảng 6,8 triệu (chiếm 59%). Vấn đề nhập cư cũng là chủ đề gây chia rẽ và tranh cãi tại Mỹ.

Sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, các cuộc biểu tình phản đối chính sách nhập cư đã bùng nổ, đặc biệt tại các thành phố có đông người nhập cư như New York, Los Angeles và Chicago. Ngày 7/2, liên minh gồm các thành phố và hạt của Mỹ đã đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Trump, thách thức sắc lệnh hành pháp của ông Trump khi yêu cầu các khu vực được gọi là "thành phố trú ẩn" phải hợp tác với chiến dịch trấn áp người nhập cư và trục xuất hàng loạt của chính quyền liên bang.

Sự chia rẽ chính trị giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa ngày càng sâu sắc, đảng Dân chủ chỉ trích chính sách là quá khắc nghiệt, trong khi nhiều cử tri đảng Cộng hòa ủng hộ chính sách này vì cho rằng sẽ giúp bảo vệ an ninh quốc gia và việc làm của người Mỹ. Phe ủng hộ tin rằng người nhập cư không có giấy tờ cướp đi việc làm của người lao động Mỹ và làm giảm mức lương.

Bên cạnh đó, các lập luận ủng hộ cũng nói tới vấn đề bảo đảm an ninh và trật tự khi liên kết nhập cư trái phép với tội phạm, ma túy và bạo lực của các băng nhóm, ví dụ nhóm MS-13 thành lập ở thành phố Los Angeles, bang California, có nguồn gốc từ những người nhập cư El Salvador đến Mỹ.

Tuy nhiên, những ý kiến phản đối chính sách trục xuất cho rằng điều này tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực đối với xã hội và kinh tế Mỹ. Nền kinh tế Mỹ sẽ bị tác động do thiếu hụt lao động trong một số ngành như nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ và chăm sóc sức khỏe vốn phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, người nhập cư chiếm khoảng 17% tổng số lao động tại Mỹ. Việc siết chặt nhập cư khiến nguồn cung lao động bị thu hẹp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh. Một báo cáo của Hội đồng Di trú Mỹ (AIC) chỉ ra rằng nếu kế hoạch trục xuất được thực hiện, ngành xây dựng và nông nghiệp sẽ mất đi ít nhất 12% lao động, trong khi các ngành dịch vụ sẽ mất khoảng 7%.

Giá cả hàng hóa có thể tăng khi nguồn cung lao động giảm, chi phí sản xuất tăng, kéo theo giá cả hàng hóa và dịch vụ cũng tăng, ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng Mỹ... Một phân tích của Bloomberg cho thấy việc trục xuất tất cả những người nhập cư bất hợp pháp khỏi đất nước sẽ làm giảm 8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ.

Quan hệ Mỹ với các nước láng giềng có đông người nhập cư trở nên căng thẳng. Đối với Mexico, việc trục xuất hàng loạt khiến Mexico gặp áp lực khi phải tiếp nhận hàng nghìn người trở về. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị ảnh hưởng, đặc biệt khi Mỹ yêu cầu Mexico siết chặt kiểm soát biên giới.

Điều này tác động đến quan hệ với các nước khác, một số quốc gia có công dân bị trục xuất đã phản đối mạnh mẽ, thậm chí cân nhắc các biện pháp trả đũa về kinh tế và ngoại giao với Mỹ. Tổng thống Honduras Xiomara Castro tuyên bố nếu Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách trục xuất, Honduras có thể phải xem xét lại mối quan hệ hợp tác với Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự.

Người di cư tại khu vực San Pedro Tapanatepec, Mexico, trong hành trình tới Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Người di cư tại khu vực San Pedro Tapanatepec, Mexico, trong hành trình tới Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Chính phủ Colombia đã từ chối cho hai máy bay quân sự chở công dân Colombia bị trục xuất từ Mỹ hạ cánh. Tổng thống Colombia Gustavo Petro tuyên bố rằng Mỹ không thể đối xử với người nhập cư Colombia như tội phạm và họ cần được đối xử một cách nhân đạo. Tuy nhiên, Colombia đã chấp nhận các chuyến bay sau khi chính quyền Tổng thống Trump đe dọa áp thuế trừng phạt.

Có thể thấy vấn đề nhập cư tiếp tục là bài toán hóc búa đối với chính quyền Tổng thống Trump. Sự chia rẽ trong dư luận và chính giới sẽ tiếp tục là một thách thức lớn đối với chính quyền Tổng thống Trump trong việc tìm kiếm một giải pháp cân bằng vừa đảm bảo an ninh quốc gia, vừa duy trì lực lượng lao động cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như đảm bảo yếu tố nhân đạo.

Kiều Trang (Phóng viên TTXVN tại Mỹ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/bai-toan-hoc-bua-20250210070917692.htm
Zalo