Quản lý và phát triển rừng bền vững ở Bảo Lâm
Công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng được Huyện ủy, UBND huyện Bảo Lâm đặc biệt quan tâm chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Hạt Kiểm lâm, các địa phương có rừng, các đơn vị chủ rừng thực hiện.

Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng ở Lộc Lâm
Để phát triển và quản lý rừng bền vững, Bảo Lâm đã áp dụng đồng loạt nhiều giải pháp, từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đến việc duy trì ổn định hoạt động kinh tế lâm nghiệp, giữ vững diện tích rừng hiện có, nâng dần tỷ lệ che phủ của rừng, đi kèm với nâng cao chất lượng rừng và nâng cao đời sống cho người sống bằng nghề rừng. Số liệu của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bảo Lâm chỉ rõ, giai đoạn 2021 - 2025, Bảo Lâm trồng mới được hơn 189 ha rừng. Trong đó, 174,9 ha rừng trồng trên đất trống và rừng trồng trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm sau khi giải tỏa; 14,7 ha rừng trồng trên diện tích rừng bị phá, đã xử lý và thu hồi đất. Ngoài ra, Bảo Lâm còn trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định được 696,34 ha, với số hộ dân tham gia trồng 1.638 hộ và trồng được hơn 5,1 triệu cây xanh giai đoạn 2021 - 2024. Bảo Lâm hiện có một đơn vị chủ rừng Nhà nước là Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Lâm được cấp hai chứng chỉ quản lý rừng gồm: chứng chỉ quản lý rừng bền vững do Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cấp năm 2015 quản lý 18.197,96 ha rừng và chứng chỉ FSC do tổ chức GFA cấp năm 2018 quản lý 2.020,42 ha rừng trồng (năm 2023, sau khi đánh giá lại, diện tích rừng trồng đã tăng lên 2.588,20 ha), 567,78 ha rừng tự nhiên.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển rừng qua công tác trồng rừng, Bảo Lâm cũng đã đôn đốc triển khai thực hiện các phương án phòng, chống cháy rừng trong mùa khô. Sự chuẩn bị chu đáo các phương án chữa cháy, nhân lực luôn sẵn sàng trong mọi thời gian, vật lực chữa cháy đủ số lượng đã giúp Bảo Lâm chủ động trong mọi tình huống cháy rừng. Điều này đã được thể hiện rõ qua số liệu thống kê, từ năm 2021 đến tháng 3/2025, ở Bảo Lâm chỉ xảy ra 2 vụ cháy rừng, thiệt hại 11,04 ha rừng.
Bảo Lâm cũng đã làm tốt việc tổ chức theo dõi, quản lý những loài động vật hoang dã nuôi nhốt nhằm bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm cho biết, số cơ sở được cấp phép nuôi nhốt động vật hoang dã thông thường trên địa bàn Bảo Lâm là 14 cơ sở, nuôi 362 cá thể, chủ yếu: nhím, hươu, dúi... Ngoài ra, Bảo Lâm còn có 4 cơ sở được cấp phép nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp thuộc phụ lục CITES địa bàn Bảo Lâm, nuôi 30 cá thể cầy vòi hương. Trong đó, 9 cá thể cầy vòi hương đực và 21 cá thể cầy vòi hương cái. Việc khai thác giá trị đa dụng tài nguyên rừng tại Bảo Lâm từng bước được nâng lên. Cùng với giá trị về lâm sản, dịch vụ môi trường rừng cũng được Bảo Lâm khai thác tốt, qua đó nâng cao sinh kế cho người sống bằng nghề rừng, góp phần ổn định an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Theo đánh giá của UBND huyện Bảo Lâm, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn Bảo Lâm giảm dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2021, Bảo Lâm xảy ra 68 vụ, năm 2022 là 28 vụ, năm 2023 là 19 vụ và năm 2024 chỉ xảy ra 13 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đây là những con số cho thấy rõ sự nỗ lực của Bảo Lâm trong thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025.