Quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội: Tích cực hơn nhưng vẫn chưa đồng đều
Nửa đầu năm 2024 công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực, dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, hiệu quả quản lý vẫn chưa đồng đều, vẫn có nơi chưa kiểm soát chặt chẽ, để xảy ra vi phạm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Vi phạm tiếp tục giảm
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, công tác quản lý trật tự xây 6 tháng đầu năm 2024 đạt được một số kết quả tích cực, dần đi vào nề nếp, các trường hợp vi phạm cơ bản được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước được củng cố, nâng cao.
Trong 6 tháng đầu năm, UBND các quận, huyện, thị xã và các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 8.854 công trình, qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 125 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 1,41%; đã xử lý đứt điểm 55/125 trường hợp, chiếm tỷ lệ 44%, đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 70/125 trường hợp, chiếm tỷ lệ 56%. So với cùng kỳ năm 2023, số công trình vi phạm quy định về trật tự xây dựng đã giảm 119 công trình (tỷ lệ vi phạm giảm từ 2,36% xuống 1,41%); tỷ lệ công trình vi phạm đang tiếp tục giải quyết giảm 2,26% (từ 58,26% xuống 56%).
UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 313 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, với tổng số tiền gần 6,6 tỷ đồng, thu về ngân sách nhà nước gần 5 tỷ đồng. 7 quận, huyện, thị xã không để phát sinh vi phạm, gồm: Ứng Hòa, Quốc Oai, Hai Bà Trưng, Mỹ Đức, Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn. 8 địa phương có tỷ lệ công trình vi phạm thấp, gồm: Long Biên, Hà Đông, Ba Đình, Hoài Đức, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Thanh Trì và Đông Anh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục, đặc biệt là các vi phạm về trật tự xây dựng có liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) còn diễn biến phức tạp (đặc biệt là loại hình nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh); đồng thời nhận thức rằng, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố luôn đối diện với những nguy cơ, thách thức tiềm ẩn nếu không nhận diện, kiểm soát tốt có thể gây ra hậu quả khó khắc phục được.
Qua báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã, Thanh tra Sở Xây dựng thẳng thắn nhìn nhận, một số cơ quan, tổ chức thiếu chủ động hoặc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đặc biệt đối với những công trình vi phạm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn, dễ gây khiếu kiện phức tạp.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Tại quận Hà Đông, trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND quận Hà Đông đã cấp 1.884 giấy phép xây dựng, qua kiểm tra, giám sát 1.474 công trình, phát hiện 16 trường hợp vi phạm, đã cơ bản xử lý 8 trường hợp. 8 trường hợp đang trong quá trình thiết lập hồ sơ.
“Hà Đông là quận có tốc độ đô thị hóa cao, trên địa bàn có 18 dự án khu đô thị, khu nhà ở, 105 công trình cao tầng đang trong quá trình xây dựng. Bên cạnh các chủ đầu tư phối hợp cùng chính quyền, cung cấp hồ sơ, không ít chủ đầu tư thiếu phối hợp trong xử lý vi phạm”, ông Bùi Xuân Hà Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết.
Còn tại quận Cầu Giấy, theo Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy Trần Anh Tuấn, khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng là chủ đầu tư lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ hoặc làm đêm để cố tình vi phạm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra. Biện pháp ngăn chặn áp dụng cho lĩnh vực trật tự xây dựng chưa đạt hiệu quả...
Để nâng cao chức năng quản lý Nhà nước trong công tác quản lý trật tự xây dựng trong thời gian tới, Sở Xây dựng đề xuất 9 biện pháp cụ thể. Trong đó, ưu tiên thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/6/2024, về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh...
Song song với công tác tuyên truyền, các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các công trình trên địa bàn quản lý, phấn đấu 100% các công trình xây dựng được kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả và xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng ngay từ khi mới phát sinh; tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện ngay tại cơ sở, không để phát sinh các vụ việc phức tạp, nổi cộm gây bức xúc dư luận.
Đặc biệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng; tăng cường hoạt động kiểm tra công vụ để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các bộ phận, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.