Quản lý thuế với hộ, cá nhân kinh doanh:Chuyển sang cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế
Bên cạnh những phương thức kinh doanh truyền thống, hiện nay, các hoạt động kinh doanh ngày càng đa dạng hơn với nhiều mô hình mới.
Điều này đã đặt ra vấn đề cần chuyển dần sang cơ chế đối tượng chịu thuế tự khai, tự nộp; còn cơ quan thuế tập trung vào công tác giám sát, kiểm tra.

Người nộp thuế giao dịch tại bộ phận “một cửa” Chi cục Thuế khu vực I, tháng 3-2025.
“Thuế khoán” không còn phù hợp
Tính đến cuối năm 2024, cả nước có 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế. Số thu từ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh năm 2024 đạt 25.953 tỷ đồng, bằng 120% số thu năm 2023.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn cho rằng, kết quả quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra, nhất là yêu cầu cần phải có giải pháp mang tính đột phá về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh nhà hàng, khách sạn và dịch vụ nhằm hạn chế tối đa thủ đoạn “lách luật” để trốn thuế.
Thực tế cho thấy, hiện nay, việc quản lý doanh thu, mức thuế đối với hộ kinh doanh còn một số khó khăn. Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (hộ khoán), một số hộ kê khai doanh thu thấp hơn thực tế để giảm số thuế phải nộp. Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai (hộ kê khai), hộ kinh doanh có xu hướng lựa chọn hình thức khoán thay vì hình thức kê khai. Hộ kê khai còn xảy ra tình trạng không lưu trữ, không có hóa đơn, chứng từ hàng hóa mua vào; xuất hóa đơn hàng hóa, dịch vụ bán ra không đầy đủ…
Nhiều ý kiến cho rằng, trong một giai đoạn, việc áp dụng chính sách “thuế khoán” là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, hiện các hoạt động kinh doanh ngày càng đa dạng hơn với nhiều mô hình mới, đặc biệt là kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Điều này đã đặt ra cho cơ quan quản lý, trong đó có cơ quan thuế những thách thức không nhỏ bởi sự đa dạng và số đông của đối tượng tham gia.
Đối tượng chịu thuế tự khai, tự nộp
Chính vì thế, định hướng chung của công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh tại Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý thuế đối với hộ kinh doanh” mới được ngành Thuế ban hành là người nộp thuế tự khai, tự nộp thuế. Cơ quan thuế sẽ không thực hiện ấn định thuế mà tập trung vào công tác giám sát, kiểm tra dựa trên dữ liệu và công nghệ thông tin.
Cụ thể, đối với hộ kê khai, tập trung vào việc kiểm soát chặt chẽ hóa đơn đầu vào, đầu ra và yêu cầu thực hiện đầy đủ chế độ kế toán nhằm nâng cao tính minh bạch và chính xác trong kê khai thuế. Cơ quan thuế triển khai các biện pháp bắt buộc hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử, bảo đảm tất cả giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ đều được ghi nhận đầy đủ, hạn chế tình trạng gian lận thuế thông qua việc không xuất hóa đơn hoặc khai báo không trung thực doanh thu.
Đối với hộ khoán, tập trung vào việc yêu cầu người nộp thuế tự khai doanh thu sát với thực tế phát sinh, bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Cơ quan thuế tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đối chiếu dữ liệu từ nhiều nguồn như giao dịch ngân hàng, hóa đơn điện tử, và báo cáo của các đơn vị liên quan để kiểm tra tính chính xác của doanh thu kê khai.
Đối với các hộ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, cơ quan thuế yêu cầu các sàn khai và nộp thuế thay cho người bán, bảo đảm việc thu thuế diễn ra minh bạch, chính xác. Các sàn thương mại điện tử có trách nhiệm tổng hợp dữ liệu giao dịch, doanh thu của từng hộ kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định, giúp hạn chế tình trạng trốn thuế, kê khai không trung thực.
Đối với các hộ kinh doanh không hoạt động trên sàn thương mại điện tử, cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan như ngân hàng, cơ quan quản lý thị trường, đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, điện lực để thu thập dữ liệu về giao dịch, dòng tiền và doanh thu thực tế. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát chặt chẽ đối tượng nộp thuế, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng thực tế, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý thuế và bảo đảm tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
Theo lãnh đạo Cục Thuế, ngành Thuế quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh với quyết tâm cao và cách làm khoa học, bài bản thông qua những nghiên cứu nghiêm túc về thực tiễn quản lý, tận dụng tối đa tiến bộ của khoa học công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) để phát triển các ứng dụng quản lý thuế, đặc biệt là ứng dụng thuế điện tử eTax Mobile.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Cẩm Giang, Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng nhìn nhận, việc đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro đối với hộ, cá nhân kinh doanh là yêu cầu cấp thiết nhằm kịp thời phát hiện, xác định chính xác các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế và sử dụng hóa đơn. Trên nền tảng dữ liệu lớn tập trung, cơ quan thuế triển khai các hoạt động phân tích, đánh giá và xếp hạng rủi ro đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhằm đưa vào diện kiểm tra hoặc áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp.