Quản lý không gian mạng phải vừa xây, vừa chống...
Đó là khẳng định của ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) mới đây.
Bắt buộc phải quản lý tốt các nền tảng xuyên biên giới
Một trong những vấn đề được quan tâm tại Hội nghị tổng kết chính là việc quản lý không gian mạng hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, tồn tại. Trong đó đáng lưu ý là công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý không gian mạng, quản lý các nền tảng xuyên biên giới,...còn chưa chặt chẽ và đồng bộ. Thông tin trên mạng, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới có tốc độ phát tán nhanh, khi có vi phạm về nội dung thì mức độ ảnh hưởng lớn, gây bức xúc trong xã hội trong khi việc yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy trình mất thời gian. Công tác đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới chịu nhiều sức ép từ các tổ chức quốc tế thông qua con đường ngoại giao...
Tất nhiên không thể phủ nhận rằng, những năm qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp mới, đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý không gian mạng và truyền thông xã hội. Đặc biệt, năm 2024 là một năm đánh dấu nhiều nỗ lực trong xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt là các quy định nhằm “siết kỷ cương” trên không gian mạng.
Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực từ 25/12/2024, thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Nghị định là hành lang pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp quản lý thông tin trên mạng, đặc biệt đối với xử lý thông tin giả, tin sai sự thật, lừa đảo trên mạng,… và thực hiện biện pháp đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới.
Đồng thời, Bộ TT&TT đã nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý quảng cáo trên mạng và đề xuất bổ sung vào trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo, trong đó bổ sung về trách nhiệm cụ thể của nền tảng quảng cáo trong và ngoài nước; Quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới không tuân thủ các quy định về quảng cáo tại Việt Nam; Trách nhiệm của nghệ sĩ, KOL khi quảng cáo; Trách nhiệm quản lý về quảng cáo của các bộ chuyên ngành, địa phương,…
Ở vai trò của một đơn vị thực thi, Cục PTTH&TTĐT rất tâm huyết, dành nhiều công sức, thời gian để tìm tòi suy nghĩ những cách làm mới, sáng tạo để quản lý lĩnh vực này.
Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết, trong quá trình quản lý không gian mạng và truyền thông xã hội, Cục PTTH&TTĐT nhận thức được hai vấn đề. Internet đã trở thành không gian sống mới của loài người, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng chính là bảo vệ chế độ. Quản lý không gian mạng nói riêng và quản lý truyền thông xã hội nói chung không thể và không chỉ là nhiệm vụ của một vài đơn vị chủ chốt như trước đây mà là của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, muốn quản lý thông tin trên mạng và truyền thông xã hội, bắt buộc phải quản lý tốt các nền tảng xuyên biên giới.
Từ hai tiền đề này, Cục PTTH&TTĐT đã tìm tòi, rút ra những cách làm mới, đó là kết hợp giữa xây và chống, phải cùng nhau xây và cùng nhau chống. “Cách làm này có thể khái quát thành 4 ý chính: xây quy định, xây cách "đánh", xây lực lượng, xây thế trận, để đạt được mục tiêu là chống thông tin xấu độc và chống mất kiểm soát truyền thông xã hội trên không gian mạng” – ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
Cục PTTH&TTĐT cũng tìm ra một cách đấu tranh, cách “đánh” để quản lý được không gian mạng trong điều kiện quy định pháp luật chưa hoàn thiện. Cách “đánh” này kết hợp đồng bộ 4 biện pháp, đó là đấu tranh về pháp lý, yêu cầu các nền tảng phải tuân thủ các quy định pháp luật về nội dung, quảng cáo, dòng tiền, đóng thuế.
Tiếp theo là đấu tranh về truyền thông, dùng truyền thông để tuyên truyền, vạch trần những hoạt động vi phạm pháp luật, từ đó gây sức ép, buộc các nền tảng, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Điều nữa là đấu tranh về kinh tế, thể chế hóa việc không cho phép quảng cáo trên những nền tảng vi phạm pháp luật. Cuối cùng, biện pháp then chốt, quyết định là nếu nền tảng vẫn không tuân thủ, không hợp tác thì ngăn chặn hoạt động Việt Nam bằng các biện pháp kỹ thuật...
Về vấn đề này, trên thực tế, Bộ TT&TT vừa quản lý báo chí, vừa quản lý quảng cáo trên mạng, vừa quản lý về nội dung thông tin, rất am hiểu về công nghệ số và nắm chắc hạ tầng số, hạ tầng viễn thông nên triển khai 4 giải pháp này đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Cụ thể, năm 2024 giữ kỷ lục về số lượng đáp ứng của các nền tảng (đạt trên 93%), số lượng link thông tin xấu độc bị chặn gỡ cực lớn và số lượng chặn gỡ các tài khoản, trang, kênh cũng rất nhiều.
Cùng hiệu quả từ các giải pháp đấu tranh cứng rắn, linh hoạt
Quản lý các nền tảng xuyên biên giới, đấu tranh với các thông tin xấu độc trên không gian mạng chắc chắn là một hành trình dài, cần sự nỗ lực và chung tay. Theo báo cáo từ Bộ TT&TT, năm 2024, Bộ đã tiếp tục duy trì việc kết hợp các giải pháp đấu tranh cứng rắn, linh hoạt với các nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam; Tổ chức khoảng 20 cuộc họp, trao đổi, đàm phán định kỳ, đột xuất với Lãnh đạo cấp cao, đại diện của các nền tảng xuyên biên giới lớn như Facebook, Google, TikTok, Netflix, Apple,...để nhắc nhở, đôn đốc các nền tảng này tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, năm 2024 cũng đánh dấu sự hợp tác sâu rộng của Bộ với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok trong việc đồng hành, tham gia cùng Bộ để triển khai tổ chức: Hội thảo về chuyển đổi số cho các Đài PTTH, theo đó, trong năm 2024, Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, bao gồm 8.463 bài viết, 349 tài khoản, 16 group và 153 trang vi phạm (tỷ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube, bao gồm 6.007 video và 36 kênh vi phạm (đăng tải hơn 39.000 video) (tỷ lệ 91%); TikTok: chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm, bao gồm 677 video và 294 tài khoản (đăng tải hơn 94.000 video) (tỷ lệ 93%); tổ chức 73 Chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức người dùng mạng, chống lừa đảo trên mạng; Ngày hội tôn vinh các nhà sáng tạo nội dung số Việt Nam,...
Ngoài ra, Bộ cũng đã đề xuất/hướng dẫn thành lập các Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc tại các địa phương để hình thành mạng lưới xử lý tin giả, thông tin xấu độc quốc gia, nhằm nâng cao công tác xử lý tin giả, tin sai sự thật, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng.
Theo thống kê hiện nay, đã có 20 tỉnh/thành phố đã thành lập được Trung tâm/Tổ xử lý tin giả, thông tin xấu độc tại địa phương. Cổng thông tin tiếp nhận tin giả, thông tin xấu độc quốc gia (tingia.gov.vn) đã được nâng cấp giao diện, tính năng để tăng cường tiếp cận người dân, giúp người dân dễ dàng đăng tải phản ánh về tin giả, thông tin xấu độc.
Song song với đó, trong năm 2024, Bộ TT&TT cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và vận hành các trang/kênh mạng xã hội của Trung tâm xử lý tin giả và thông tin xấu độc Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với Trung tâm.
Đặc biệt, Bộ TT&TT cũng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành văn bản số 7944-CV/BTGTW ngày 11/3/2024 về việc tăng cường thông tin trên các nền tảng số, mạng xã hội; chỉ đạo các Đài PTTH đã tập trung sản xuất các video clip ngắn chọn lọc tuyên truyền thực hiện sứ mệnh “dẫn dắt thông tin” và “định hướng dư luận” theo phương châm “nhanh - ngắn - rộng” để đăng, phát trên các nền tảng số, mạng xã hội do các Đài PTTH tạo lập và trực tiếp quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý thông tin trên mạng.
Một trong những vấn đề “nóng” trong năm qua chính là về hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới đã được Bộ triển khai hệ thống kỹ thuật rà quét, tăng cường xử lý vi phạm với các đại lý quảng cáo, nhãn hàng có sản phẩm quảng cáo trên các video có nội dung xấu độc; Yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải kết hợp công nghệ AI và nhân sự chủ động kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo và vị trí cài đặt quảng cáo, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; Yêu cầu đại lý quảng cáo, nhãn hàng, người phát hành quảng cáo chủ động tăng cường rà soát nội dung và vị trí cài đặt quảng cáo, không hợp tác quảng cáo với các website, trang, kênh, tài khoản vi phạm pháp luật...
Đồng thời, tiếp tục mở rộng danh sách “White List” lên 8.000 website, báo điện tử, kênh nội dung, tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng đã được xác thực...
Ngoài ra, Bộ còn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an và ban hành quy chế phối hợp về việc hạn chế xuất hiện trên báo chí, trên các nền tảng truyền thông xã hội, trên sân khấu biểu diễn đối với nghệ sỹ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục, có hình ảnh, phát ngôn, hành vi phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội…