Quản lý dạy thêm và thu nhập giáo viên

Ngoài việc được kỳ vọng tạo bước ngoặt quan trọng trong quản lý, nâng cao chất lượng dạy thêm, học thêm, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực thi hành từ ngày 14/2/2025 cũng đặt ra bài toán về việc đảm bảo thu nhập cho giáo viên.

Khi vừa nắm nội dung của thông tư, một phụ huynh có con học lớp 12 chia sẻ: Anh cho con học thêm tiếng Anh tại một trường nổi tiếng có giáo viên nước ngoài dạy và học thêm môn Văn ở một trung tâm có uy tín để thi vào trường đại học lớn. Vừa qua, cháu lại xin học thêm hai môn này tại lớp do trường trung học phổ thông (THPT) cháu đang theo học mở. Anh gặng hỏi, cháu gãi đầu giải thích: “Chuyện này tế nhị ba ạ. Bạn nào không đăng ký thì bị cô giáo chủ nhiệm mời nói chuyện. Mặc dù cô không nói thẳng nhưng cách nói của cô cho thấy tất cả học sinh lớp 12 đều cần tham gia để đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp THPT”.

Theo Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho học sinh đăng ký học thêm như sau: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Thông tin này khiến anh mừng ra mặt vì cháu sẽ không phải đi học thêm lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức chỉ vì lý do “tế nhị”. Với quy định mới, học sinh được lựa chọn nơi học thêm mà không chịu bất cứ sự ràng buộc nào.

Ở chiều hướng khác, câu chuyện của một phụ huynh ở vùng nông thôn xa xôi lại gợi mở vấn đề cần giải quyết. Để con đang học lớp 8 có kết quả tốt khi thi vào THPT năm sau, chị cho cháu học thêm Văn, Toán, Anh văn. Thế nhưng, con chị sẽ không thuộc diện được học bổ trợ trong trường theo quy định mới. Giáo viên không thể tổ chức dạy thêm tự phát đã đành, với điều kiện cơ sở vật chất và yêu cầu dành cho mô hình trung tâm học thêm, quê chị cũng không thể có cơ sở nào đủ tiêu chuẩn hoạt động. Vậy là con chị không có cơ hội nâng cao kết quả học tập như mong muốn. Chị mong mỏi một trung tâm giáo dục hợp pháp sẽ nhanh chóng ra đời để đáp ứng nhu cầu học thêm của những trường hợp như con chị.

Hoạt động dạy thêm, học thêm từ nhiều năm nay vẫn ẩn chứa nhiều vấn đề khó giải quyết triệt để. Thông tư 29 không chỉ được kỳ vọng góp phần quan trọng chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm mà còn cải thiện hình ảnh, đạo đức của nghề giáo, làm trong sáng hơn môi trường học đường. Sau khi thông tư được ban hành, nhiều trường trên cả nước đã ngừng việc dạy thêm, học thêm ngay cả với những trường hợp được phép do không có kinh phí để trả cho giáo viên. Một số trường dự định dừng thu phí phụ đạo ngay cả khi chưa kịp thu khoản này của học kì I. Một số trường khác từ mấy năm nay đã không thu học phí ôn thi tốt nghiệp của học sinh cuối cấp và sẽ nối dài việc này khi quy định mới có hiệu lực. Một câu hỏi được dư luận từ nhiều phía đặt ra: Không thu học phí thì lấy nguồn tài chính ở đâu để trả thù lao cho giáo viên?

Theo quan điểm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong các trường công lập, giáo viên đã nhận lương nhà nước, sử dụng cơ sở vật chất của nhà nước thì không có chuyện thu thêm tiền của phụ huynh, học sinh. Tuy vậy, từ chỗ dạy thêm có thù lao đến chỗ dạy bổ trợ không thu học phí là cả một vấn đề khó giải quyết. Phía sau mỗi nhà giáo trên bục giảng là mỗi cuộc sống riêng, mỗi gia đình. Không thu học phí, các nhà trường có thể vận dụng quy định chi thu nhập tăng thêm hằng quý, quy định khen thưởng... để bồi dưỡng cho giáo viên dạy bổ trợ trong các trường hợp được phép. Các cấp địa phương cũng có thể bổ sung nguồn kinh phí để bồi dưỡng thêm cho giáo viên thuộc diện này.

Phương án này phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Trong công điện về công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý dạy thêm, học thêm ở cấp phổ thông mới được gửi, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thông tư 29 cũng quy định, giáo viên trường công lập không được phép tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Để áp dụng linh hoạt quy định này toàn vẹn cả lý lẫn tình, trong trường hợp thầy cô có phòng học, bàn ghế, trang thiết bị đạt chuẩn thì có thể nhờ người khác đứng tên xin đăng ký mở trung tâm, gián tiếp thực hiện việc quản lý, điều hành. Sau khi được cấp phép thành lập trung tâm dạy thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện kiểm tra điều kiện dạy thêm, phòng ốc, số lượng học sinh, chất lượng giáo viên, mức học phí. Đặc biệt, đối với những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, không có trung tâm giáo dục đạt chuẩn, các trung tâm tại đô thị có thể thành lập chi nhánh theo tiêu chuẩn thống nhất tại đây và tuyển dụng giáo viên ở địa phương phù hợp.

Những băn khoăn về hoạt động dạy thêm, học thêm trong thời gian tới từ nhiều phía, sự thiếu nhất quán khi thực hiện quy định của các trường đang đòi hỏi chính quyền mỗi địa phương ban hành hướng dẫn cụ thể dựa trên Thông tư 29 để hoạt động này được tổ chức theo đúng yêu cầu, đồng thời đảm bảo đời sống giáo viên.

PHẠM CƯỜNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202502/quan-ly-day-them-va-thu-nhap-giao-vien-6073643/
Zalo