Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa: Triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ

Để đảm bảo công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ.

Xây dựng cơ chế, chính sách về chất lượng sản phẩm hàng hóa

Trong năm 2024, để đảm bảo công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã triển khai các nhiệm vụ nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách; thực hiện quy định về đăng ký và chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định của nhà nước đối với hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa tại các doanh nghiệp

Kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa tại các doanh nghiệp

Cụ thể, về hoạt động xây dựng cơ chế, chính sách về chất lượng sản phẩm hàng hóa và hướng dẫn tổ chức thực hiện, Vụ đã chủ trì nghiên cứu đánh giá và tổng hợp ý kiến các đơn vị có liên quan thực hiện việc rà soát Thông tư số 36/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Trên cơ sở báo cáo này, Vụ đã đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 nhiệm vụ xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2019/TT-BCT.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các Nghị định hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo đề nghị tại Công văn số 1350/BKHCN-TĐC ngày 24/4/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Chủ trì tham mưu lãnh đạo Bộ tiếp tục có ý kiến tham gia góp ý dự thảo Nghị định về kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu do Bộ Tài chính chủ trì đảm bảo phù hợp quy định pháp luật hiện hành. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo dừng ban hành Nghị định theo ý kiến thống nhất của 5 Bộ, trong đó có ý kiến của Bộ Công Thương.

Mặt khác, phối hợp Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo Quyết định 1182/QĐ-BCT và Thông tư số 41/2023/TT-BCT.

Đặc biệt, chủ trì triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong trao đổi thương mại, duy trì ổn định xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc, góp phần ổn định kim ngạch ngoại thương của Việt Nam.

Tại chỉ thị, Vụ Khoa học và Công nghệ được giao trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nghiên cứu các biện pháp quản lý quy định tại Lệnh số 259 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc chấp nhận kết quả giám định hàng hóa xuất nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, trước mắt đối với mặt hàng dệt may theo hướng dẫn tại Thông báo số 120 ngày 1/9/2022 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam”.

Năm 2024, Vụ Khoa học và Công nghệ cũng đã chủ trì tổ chức buổi làm việc tại trụ sở Bộ Công Thương với đại diện của 13 tổ chức đánh giá sự phù hợp hoạt động trong lĩnh vực dệt may; đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ (Vụ Á Phi, Cục Xuất nhập khẩu, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại).

Đồng thời, Vụ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc trao đổi thông tin chung về hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa hai bên cũng như Giải đáp vướng mắc liên quan đến quy định công nhận tổ chức giám định hàng may mặc theo Lệnh 259 và Thông báo 120 của Trung Quốc.

Đánh giá, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp

Về hoạt động đăng ký, chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp, trong năm 2024, Bộ Công Thương đã thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và quyết định chỉ định cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp thuộc lĩnh vực điện - điện tử; tiêu dùng; vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; hóa học; khoáng sản; hàng hóa nhóm 2; giấy; dệt may; thường xuyên tổng hợp, cập nhật và đăng tải danh sách các tổ chức đánh giá sự phù hợp trên trang thông tin điện tử của Bộ theo quy định.

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương do Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các địa phương

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương do Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các địa phương

Cụ thể, cấp 17 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho tổ chức đánh giá sự phù hợp; đối với hoạt động thử nghiệm: cấp 11 giấy chứng nhận, trong đó 9 giấy chứng nhận cấp mới, 1 giấy chứng nhận cấp bổ sung, 1 giấy chứng nhận cấp lại; đối với hoạt động chứng nhận: cấp 5 giấy chứng nhận, trong đó 4 giấy chứng nhận cấp mới, 1 giấy chứng nhận cấp bổ sung; đối với hoạt động giám định: cấp mới 1 giấy chứng nhận.

Cùng với đó, ban hành 16 Quyết định chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp gồm: Chỉ định tổ chức thử nghiệm: cấp 2 Quyết định cho 2 tổ chức, trong đó 1 cấp mới (lĩnh vực giấy), 1 cấp lại (lĩnh vực hàng hóa nhóm 2); chỉ định tổ chức chứng nhận: cấp 4 Quyết định cho 4 tổ chức, trong đó 3 cấp mới (2 lĩnh vực giấy, 1 lĩnh vực dệt may), 1 cấp lại (lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp); chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước: 10 cơ sở.

Bộ Công Thương cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra tổ chức đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH) phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương theo các Quyết định số 1013/QĐ-BCT ngày 2/5/2024; số 1564/QĐ-BCT ngày 17/6/2024 và Quyết định số 2983/QĐ-BCT ngày 11/11/2024 nhằm kiểm tra việc duy trì sự tuân thủ, phù hợp của các nội dung liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp đã được Bộ Công Thương cấp giấy đăng ký/quyết định chỉ định và việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến đối tượng chịu sự kiểm tra của các cơ sở, đơn vị.

Đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thành kiểm tra 27/28 tổ chức, 1/28 tổ chức đưa ra khỏi kế hoạch kiểm tra do tổ chức này không thực hiện các hoạt động đánh giá sự phù hợp trong giai đoạn được cấp giấy chứng nhận. Hoạt động chỉ định, đánh giá, kiểm tra các hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp đảm bảo tuân thủ các quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP và các quy định tại Thông tư số 36/2019/TT-Bộ Công Thương và các quy định khác có liên quan.

Căn cứ kết quả hoạt động kiểm tra, Bộ Công Thương ban hành 2 Quyết định về việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm lĩnh vực điện - điện tử và 1 Quyết định về việc thu hồi Quyết định chỉ định hoạt động thử nghiệm hàng hóa nhóm 2 đã cấp cho tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Về hoạt động quản lý đối với vật liệu nổ công nghiệp, Vụ Khoa học và Công nghệ đã chủ động phối hợp với Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp tham gia góp ý kiến đối với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Luật số 42/2024/QH15) và các văn bản hướng dẫn như: Nghị định Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; dự thảo Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương (Thông tư số 23 /2024/TT-BCT ngày 7/11/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025).

Ngoài ra, tham gia góp ý 9 dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp. Vụ còn tham mưu lãnh đạo Bộ công nhận đối với 2 sản phẩm, gồm: Thuốc nổ nhũ tương rời bao gói NTR10 của Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ - Vinacomin; mồi nổ TR-H dùng cho công nghiệp của Công ty TNHH MTV Cơ khí hóa chất 13.

Vụ đã trình lãnh đạo Bộ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận, thử nghiệm (lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ) cho 3 đơn vị, gồm: Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ - Vinacomin, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin (hoạt động thử nghiệm); Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ - Vinacomin (hoạt động chứng nhận); và Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ - Vinacomin (hoạt động thử nghiệm, chứng nhận).

Tổ chức nghiệm thu 2 đề án trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp gồm: Đề án “Nghiên cứu sản xuất thuốc nổ nhũ tương rời bao gói NTR10” và Đề án “Nghiên cứu sản xuất thuốc nổ hỗn hợp TR, mồi nổ TR-H dùng cho công nghiệp trên dây chuyền hiện có của Công ty TNHH MTV Cơ khí hóa chất 13”.

Trong năm 2025, về công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính (chỉ định, cấp Giấy chứng nhận hoạt động đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp) theo đề nghị của các tổ chức, doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, quyết định chỉ định cho tổ chức đánh giá sự phù hợp phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Ngoài ra, xây dựng và triển khai công tác kiểm tra đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; phối hợp với đơn vị chủ trì thực hiện việc đánh giá, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật (Luật, Nghị định, thông tư) về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (nếu có).

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-chat-luong-san-pham-hang-hoa-trien-khai-dong-bo-nhieu-nhiem-vu-371328.html
Zalo