Cơ hội tăng trưởng từ những chuyển động mới bên trong

Ngoài những cơ hội tăng trưởng mang tính 'tự nhiên', dự báo Việt Nam còn có cơ hội mới từ sự chuyển động của chính mình - thể hiện ở quyết tâm cải cách thể chế mạnh mẽ và sự điều hành quyết liệt. 'Không còn là khẩu hiệu, tinh thần cải cách thể chế mạnh mẽ, kịp thời hơn với tư duy và cách làm mới đã được thể hiện bằng hành động cụ thể trong năm 2024. Đây là cơ sở để tin rằng ngọn lửa cải cách thể chế sẽ được duy trì và trở thành động lực tăng trưởng trong năm 'chốt' của giai đoạn 2020-2025', ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nói.

Nhìn lại năm 2024: Đằng sau những con số đạt được...

KTSG: Để định hình tương lai, không thể không ngẫm về quá khứ. Cảm nhận của ông như thế nào về diễn biến của nền kinh tế nước ta trong năm 2024?

- Ông Phan Đức Hiếu: Đúng như dự đoán ngay hồi đầu năm 2024, kết quả kinh tế - xã hội năm 2024 khá tích cực so với năm 2023. Cho đến trước cuối năm 2024, chúng ta đã đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết 103/2023/QH15. Điểm nổi bật là sau ba năm không đạt, chỉ tiêu tăng năng suất lao động đã vượt kế hoạch đề ra.

Và đến đầu năm 2025, Tổng cục Thống kê công bố GDP năm 2024 tăng trưởng trên 7% (cao hơn mục tiêu từ 6-6,5% Quốc hội giao) thì chỉ tiêu GDP bình quân đầu người cũng đạt. Như vậy Chính phủ đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu Quốc hội giao (năm 2023 chỉ đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu).

Tôi cho rằng đây là những kết quả rất quan trọng và đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực năm 2024 tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; nhiều yếu tố rủi ro, bất định, diễn biến mới phát sinh vượt ngoài khả năng dự báo, đe dọa đến an ninh, ổn định toàn cầu và tác động đến tăng trưởng kinh tế của nước ta.

KTSG: Ông nhìn thấy điều gì đằng sau những con số này?

- Đằng sau những con số, kết quả đạt được chắc chắn là sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng và chính quyền nhân dân các cấp.

Ngay từ đầu năm, với tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp bất thường kịp thời thông qua các đạo luật quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và một số nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhanh, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia và quyết định phân bổ ngân sách cho dự án quan trọng về quản lý nhà nước, khoa học công nghệ, giao thông...

Khó khăn của doanh nghiệp vẫn hiện hữu, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, tổ chức, nhất là các hiệp hội doanh nghiệp và đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ sáng tạo và thiết thực hơn. Ảnh: LÊ VŨ

Khó khăn của doanh nghiệp vẫn hiện hữu, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, tổ chức, nhất là các hiệp hội doanh nghiệp và đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ sáng tạo và thiết thực hơn. Ảnh: LÊ VŨ

Công tác cải cách thể chế đã có những bước tiến quan trọng, chưa có tiền lệ như việc đưa ba luật là Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn năm tháng so với thời điểm có hiệu lực khi thông qua luật. Điều này là hành động cụ thể thể chế hóa tinh thần sớm đưa luật vào cuộc sống và không chỉ thể hiện tinh thần cải cách thể chế quyết liệt mà còn nhấn mạnh đến yếu tố “kịp thời“.

Chính phủ và Thủ tướng với phương châm “kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi”... đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp góp phần quan trọng vào kết quả hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội giao.

Nội hàm cải cách thể chế có nhiều điểm mới

KTSG: Bước sang năm 2025, ông nhìn thấy cơ hội nào cho tăng trưởng kinh tế?

- Qua trao đổi, tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp tin rằng Việt Nam có cơ hội tốt có thể tận dụng để phát triển trong năm 2025 và năm tiếp theo. Là người trong cuộc, các doanh nghiệp hẳn có những lý do để xác lập và củng cố niềm tin đó.

Từ góc nhìn của mình, tôi cho rằng, trước hết, kết quả của năm 2024 sẽ là dư địa, là yếu tố tạo đà cho tăng trưởng trong năm 2025.

Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh, ngoài những cơ hội mang tính chất “tự nhiên” - gồm bối cảnh bên ngoài và bên trong đặt Việt Nam vào một vị trí thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh thì Việt Nam còn đang thể hiện sự chuyển động mạnh mẽ của chính mình. Sự chuyển động này thể hiện ở quyết tâm cải cách thể chế mạnh mẽ và tư duy, cách thức cải cách được nâng lên một bước với sự quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả.

Nói cách khác, thời gian tới Việt Nam đang có thêm một cơ hội tăng trưởng mới từ động lực và quyết tâm cải cách thể chế mạnh mẽ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

KTSG: Ông có thể phân tích rõ hơn về động lực cải cách thể chế?

- Từ trước đến nay, cải cách thể chế vẫn là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, trong Nghị quyết 158/2024/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, định hướng, giải pháp cải cách thể chế được đưa lên thành nhóm nhiệm vụ số 1 để thể hiện rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của cải cách thể chế.

Cụ thể, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan liên quan: “Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn; đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp”.

Việc cải cách thể chế được xác định là nhóm nhiệm vụ số 1 với mục tiêu mạnh mẽ như vậy, cho thấy đây là “đột phá của đột phá” trong định hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

KTSG: Ngoài vị trí ưu tiên, về nội hàm, cải cách thể chế có gì mới, theo ông?

- Trong Nghị quyết 158/2024/QH15, Quốc hội nêu rõ yêu cầu: đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực; kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, luật pháp không chỉ ít rào cản mà còn phải tạo môi trường thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, đổi mới sáng tạo.

Các quy định của luật phải ổn định, phổ quát, lâu dài, chỉ quy định những vấn đề khung, mang tính nguyên tắc. Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, tạo khuôn khổ pháp lý cho chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường kỷ luật, kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành trong xây dựng pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát và trách nhiệm giải trình; không để đùn đẩy trách nhiệm, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”.

Chúng ta thấy rằng, yêu cầu về cải cách thể chế thể hiện tính quyết liệt, đổi mới về tư duy, phương thức, cách thức xây dựng thể chế, cải cách thể chế tháo gỡ điểm nghẽn. Ví dụ, việc loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm” trong xây dựng chính sách lâu nay vẫn được đặt ra, nhưng lần này Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đến yêu cầu “dứt khoát phải bỏ” và Quốc hội cũng yêu cầu “từ bỏ” tư duy này. Sự quyết liệt này cho thấy cam kết mạnh mẽ về cải cách thể chế theo nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi.

KTSG: Điều gì khiến ông tin rằng cải cách thể chế sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2025?

- Không còn là khẩu hiệu, tinh thần và tính chất cải cách thể chế quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và kịp thời hơn đã được thể hiện bằng hành động cụ thể ngay trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vào tháng 10-2024.

Chúng ta thấy Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua 18 luật, 21 nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng tại kỳ họp thứ 8. Trong đó, có 7 luật và nghị quyết được thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, như: Luật sửa đổi, bổ sung 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính; Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật thuộc lĩnh vực đầu tư; Luật Đầu tư công...

Trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh, bên cạnh mục tiêu thu hút dự án mới, cải cách lần này đặt trọng tâm vào khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực ở các dự án đang dang dở. Giải pháp này rất quan trọng và là “mũi tên trúng hai đích”, vừa đưa các nguồn lực này đóng góp vào sự phát triển kinh tế một cách nhanh nhất, vừa chống lãng phí trong đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả nhất. Trên tinh thần này, nhiều quyết sách đã được thực hiện, như Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số địa phương; sửa đổi các quy định về trái phiếu để tạo lập cuộc chơi mới...

Đích đến của việc cải thiện môi trường kinh doanh không dừng lại ở cải cách thủ tục mà còn hướng đến cắt giảm quy định không rõ ràng, không hợp lý gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Hơn nữa, có thể thấy tinh thần cải cách thể chế hướng đến phát triển, tức là thể chế không chỉ tạo thuận lợi mà còn nhằm thúc đẩy huy động kinh doanh, đổi mới sáng tạo. Ví dụ, theo Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật, thủ tục đầu tư đặc biệt sẽ được áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao... tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Rất nhiều chủ trương đổi mới trong cải cách thể chế đã được Quốc hội và Chính phủ thực hiện ngay trong kỳ họp cuối năm 2024, đây chính là cơ sở để khẳng định rằng điều này sẽ được duy trì trong năm 2025 và tạo ra cơ hội mới hoặc mở rộng cơ hội hiện có cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Năm 2025 sẽ tốt đẹp hơn

KTSG: Trong những thách thức của năm 2025, theo ông, đâu là vấn đề lớn nhất?

- Bên cạnh thuận lợi, câu chuyện tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 sẽ có những thách thức nhất định. Thách thức lớn nhất, theo tôi, đó là tình hình khó khăn và thuận lợi không đồng đều giữa các địa phương, giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các doanh nghiệp. Một số “đầu tàu kinh tế” gặp khó khăn nhất định trong khi một số địa phương lại phát triển tốt, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng. Thuận lợi và khó khăn trong một số ngành, lĩnh vực cũng chưa đồng đều, ví dụ, ngành gỗ tăng trưởng rất tốt nhưng sản xuất đồ uống lại đi xuống. Qua trao đổi với doanh nghiệp, tôi thấy rằng, thậm chí mức độ khó khăn, thuận lợi của các doanh nghiệp trong cùng một ngành cũng khác nhau. Làm sao giải quyết được câu chuyện này để tạo ra thuận lợi đồng đều hơn thì sẽ cộng hưởng được sự đóng góp cho tăng trưởng.

Bên cạnh đó, cho dù mình đã cải cách thể chế mạnh mẽ nhưng vẫn có độ trễ để đi vào cuộc sống. Hàm ý chính sách ở đây là chủ trương, định hướng cải cách đã có, nếu chúng ta quyết tâm thực hiện nhanh chóng thì độ trễ sẽ giảm bớt, các khó khăn sẽ được giải quyết sớm hơn.

Ngoài ra, khó khăn của doanh nghiệp vẫn hiện hữu, vì vậy hỗ trợ doanh nghiệp là rất quan trọng. Trong đó, một số khó khăn không dễ để có biện pháp hỗ trợ hiệu quả, ví dụ nhu cầu thị trường sụt giảm, cạnh tranh quốc tế tăng lên cả ở thị trường trong nước và quốc tế... Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, tổ chức, nhất là các hiệp hội doanh nghiệp và đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ sáng tạo và thiết thực hơn.

KTSG: Còn những thách thức từ bên ngoài thì sao, thưa ông?

- Phải nói rằng các yếu tố bên ngoài rất bất định vì xung đột địa chính trị khó dự đoán sẽ ảnh hưởng đến thương mại và các biện pháp trả đũa về thương mại của các quốc gia sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Đáng chú ý là các chính sách thương mại dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ năm 2025 cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Việt Nam đang xuất siêu lớn vào Mỹ. Một số tổ chức nói rằng Việt Nam không phải là mục tiêu của Mỹ trong việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhưng doanh nghiệp Việt Nam đang rất lo lắng và họ có lý do để lo lắng! Bên cạnh đó, nếu chính sách đưa doanh nghiệp trở về Mỹ vẫn là chủ đạo thì biện pháp duy nhất Mỹ làm là đánh thuế nhập khẩu, tới một mức mà sản xuất trong nước đủ hấp dẫn để lôi kéo doanh nghiệp về nước thì Việt Nam không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của câu chuyện này.

Ngoài ra, các nước cứ nói với nhau phải thuận lợi hóa thương mại nhưng trên thực tế thì các rào cản kỹ thuật rất hiện hữu. Tính đến hết tháng 11-2024 đã có 267 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa Việt Nam. Số lượng vụ việc tăng nhanh, đặc biệt là chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Giai đoạn 2001-2011 chỉ có 50 vụ thì từ năm 2012-2024 có 214 vụ, tăng hơn 4 lần. Theo tôi, đây là những thách thức cần bám sát.

KTSG: Cảm nhận của ông về triển vọng phát triển trong năm 2025 như thế nào?

- Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng với nhiều dấu mốc đặc biệt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là năm đặc biệt quan trọng đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2020-2025. Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã xác định là năm tăng tốc, bứt phá, đột phá trên tinh thần đổi mới cả tư duy, cách nghĩ, cách làm và hành động, cả về tổ chức bộ máy đến nội dung nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Tôi tin và kỳ vọng rằng năm 2025 sẽ tốt đẹp hơn trên cơ sở và đà đã được tạo dựng trong năm 2024.

An Nhiên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/co-hoi-tang-truong-tu-nhung-chuyen-dong-moi-ben-trong/
Zalo