Quản lý, bảo vệ môi trường đất
Từ năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) thực hiện Dự án 'Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất và phân hạng đất nông nghiệp lần đầu trên địa bàn tỉnh Sơn La', đã tham mưu với tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên đất bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Phòng Quản lý tài nguyên đất, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh rà soát bản đồ hiện trạng tài nguyên đất.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Liên doanh Công ty cổ phần tư vấn Quy hoạch và Phát triển công nghệ Á Châu, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện điều tra, đánh giá ô nhiễm đất, phân hạng đất nông nghiệp lần đầu trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng điều tra, đánh giá ô nhiễm đất, gồm các loại đất thuộc khu vực có nguồn gây ô nhiễm trên địa bàn tỉnh, như: Khu, cụm công nghiệp; khu tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; khu khai thác, chế biến khoáng sản; bãi chứa chất thải, rác thải; khu canh tác sử dụng nhiều phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật; kho chứa thuốc bảo vệ thực vật. Diện tích điều tra phân hạng đất nông nghiệp của tỉnh 1.056.409 ha.
Ngày 31/12/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2916/QĐ-UBND về việc phê duyệt, công bố kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất và phân hạng đất nông nghiệp lần đầu trên địa bàn tỉnh. Kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất và phân hạng đất nông nghiệp lần đầu, xác định có hơn 656 ha đất bị ô nhiễm, chiếm 0,46% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, Mai Sơn là huyện có diện tích đất bị đánh giá ở mức ô nhiễm cao nhất với hơn 142 ha, huyện Mộc Châu hơn 130 ha. Còn huyện Mường La, có diện tích đất ở mức ô nhiễm thấp nhất với 3,56 ha.

Du lịch cộng đồng bản Phụ Mẫu, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, có diện tích đất thích hợp để trồng lúa.
Diện tích đất cận ô nhiễm hơn 117 ha, trong đó, Mộc Châu là huyện có diện tích đất đánh giá ở mức cận ô nhiễm cao nhất hơn 38 ha; Mai Sơn đứng thứ hai với hơn 32 ha; huyện Yên Châu có diện tích đất ở mức cận ô nhiễm thấp nhất 4,76 ha.
Bà Nguyễn Thanh Huyền, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên đất, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, thông tin: Các nguồn có khả năng gây ô nhiễm chính cho đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm: Khu công nghiệp; làng nghề; khu khai thác, chế biến khoáng sản; bãi chứa chất thải, rác thải; kho chứa thuốc bảo vệ thực vật; khu vực canh tác sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật.
Cũng qua kết quả điều tra, xác định diện tích rất thích hợp và thích hợp với mục đích hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp là 881.408 ha, chiếm 83,43% diện tích điều tra; ít thích hợp và không thích hợp có 175.001 ha, chiếm 16,57% diện tích điều tra. Trong đó, diện tích đất rất thích hợp và thích hợp trồng lúa gần 15.000 ha. Diện tích đất rất thích hợp, thích hợp trồng cây hàng năm khác hơn 191.400 ha. Diện tích đất rất thích hợp, thích hợp trồng cây lâu năm là hơn 43.200 ha.
Ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Dự án Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất và phân hạng đất nông nghiệp lần đầu, giúp tỉnh xác định khu vực, diện tích đất bị ô nhiễm và có nguy cơ ô nhiễm; xác định sự phân bố khoanh đất nông nghiệp thành các hạng đất phù hợp với từng mục đích sử dụng cụ thể. Từ đó, xây dựng bản đồ ô nhiễm đất, phân hạng đất; cung cấp dữ liệu phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất bền vững, bảo vệ môi trường.

Tổ giám sát của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cùng với địa phương và đơn vị tư vấn kiểm tra thực địa tại xã Hua La, thành phố Sơn La.
Từ kết quả điều tra, phân hạng đất, Dự án đề xuất các nhóm giải pháp. Cụ thể, đối với khu vực công nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phát triển công nghiệp có trọng điểm, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều sâu, các ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hướng đến phát triển công nghiệp xanh, bền vững.
Các khu khai thác, chế biến khoáng sản cần tăng cường quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật; thực hiện quy hoạch, chiến lược về khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản; khai thác và chế biến khoáng sản với công nghệ tiên tiến theo hướng tiết kiệm, hiệu quả.
Với các khu vực chôn lấp, xử lý rác thải cần tăng cường quản lý, hỗ trợ dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải rắn trên địa bàn tỉnh; cải tạo nâng cấp các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái do chất thải rắn.