Quan hệ thương mại với Mỹ, Việt Nam đối diện 3 thách thức lớn
Hiện nay trong quan hệ thương mại song phương với Mỹ, Việt Nam đang đối diện với 3 thách thức lớn.
Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, khi nhìn về tương lai, tất cả chúng ta đều nhận thức rõ rằng, bối cảnh đã một lần nữa thay đổi và quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ sẽ đứng trước những thử thách cũng như cơ hội rộng mở trong những năm tới.
Hiện nay trong quan hệ thương mại song phương với Mỹ, Việt Nam đang đối diện với 3 thách thức lớn: Thặng dư thương mại tăng mạnh cả về tỷ trọng và tốc độ; Mỹ vẫn xác định Việt Nam nằm trong danh sách các nền kinh tế phi thị trường; với độ mở nền kinh tế lớn, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, Việt Nam chính là cửa ngõ để hàng hóa nước thứ 3 lẩn tránh thuế nhập khẩu của Mỹ.
Vì vậy, áp lực tìm kiếm các giải pháp để giảm đáng kể thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, trong đó có thể bao gồm mục tiêu đạt được sự có đi có lại trong biểu thuế quan tương ứng, cũng như giải quyết các vấn đề trung chuyển và gian lận nguồn gốc xuất xứ là những thách thức có thật, phức tạp và nhiều khả năng xảy ra.
"Trong nguy có cơ", Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi đón được làn sóng chuyển dịch sản xuất của các nhà đầu tư toàn cầu thông qua việc tận dụng lợi thế vị trí địa chính trị và vai trò đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, cũng như chen chân được vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, đón dòng vốn đầu tư từ Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao, hàng không vũ trụ…
Việt Nam có thể đặt mục tiêu đạt được sự công nhận nền kinh tế thị trường thông qua việc chủ động khởi xướng đàm phán với Mỹ nhưng cần xác định phương án cụ thể nhằm xử lý hài hòa lợi ích của cả hai nước.
Trụ cột kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển mạnh mẽ từ khi thiết lập quan hệ kinh tế năm 1994, trở thành động lực chính thúc đẩy quan hệ song phương. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ bao gồm nông sản (cà phê, hạt điều, hồ tiêu, gạo), hàng may mặc, giày dép, hải sản (tôm, cá ba sa) và linh kiện điện tử, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Mỹ là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, với các dự án nổi bật như Intel (1,5 tỉ USD), Amkor (1,6 tỉ USD), cùng sự mở rộng hoạt động của các tập đoàn như: Synopsys, Nvidia, và Marvel. Trong quý 3/2024, Việt Nam thu hút 27,78 tỉ USD vốn FDI, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy Mỹ cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển công nghệ cao và chuyển đổi số tại Việt Nam.
Sắp tới, trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, Mỹ có thể tiếp tục áp dụng các biện pháp bảo hộ như kiểm soát nhập khẩu, áp thuế quan và đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe về lao động, môi trường, nhằm bảo vệ sản xuất nội địa và giảm phụ thuộc của toàn chuỗi cung ứng vào Trung Quốc; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghệ chiến lược như bán dẫn, năng lượng tái tạo và trí tuệ nhân tạo, đồng thời khuyến khích tiêu thụ hàng hóa nội địa qua chính sách "Buy American". Trên phương diện quốc tế, Mỹ vẫn tiếp tục chính sách ưu tiên hợp tác, gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chính sách thương mại của Mỹ mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh và công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đang hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, tạo điều kiện hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại xanh, chuỗi cung ứng bền vững và giảm phát thải carbon. Trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đã tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, với các hoạt động thiết kế vi mạch (Fabless) và lắp ráp, kiểm tra (OSAT). Mỹ cũng hỗ trợ đáng kể thông qua Đạo luật CHIPS & Science, giúp Việt Nam đào tạo nhân lực và phát triển ngành bán dẫn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với thách thức như nguy cơ áp thuế trừng phạt do thặng dư thương mại lớn, các tiêu chuẩn khắt khe từ Mỹ và sự cạnh tranh từ các quốc gia khác như Ấn Độ hay Mexico.
Để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động cải tiến công nghệ, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế và phát triển chiến lược dài hạn để đáp ứng yêu cầu từ thị trường Mỹ. Sự linh hoạt và sáng tạo sẽ giúp Việt Nam không chỉ củng cố vị thế đối tác quan trọng của Mỹ mà còn đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn.
Doanh nghiệp cần tuân thủ các yêu cầu khắt khe của Mỹ
Tính đến cuối tháng 10 năm 2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 123,2 tỉ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu đạt 102,2 tỉ USD, đưa Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như đồ gỗ nội thất, máy móc, giày dép và sản phẩm cao su đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ và ổn định trong quan hệ thương mại song phương. Đến cuối tháng 11 năm 2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục tăng, đạt 135 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 123 tỉ USD, tăng 23%, còn nhập khẩu từ Mỹ đạt 12 tỉ USD, tăng 15%.
Tuy nhiên, Mỹ cũng là quốc gia áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm điều tra chống trợ cấp và chống bán phá giá, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như đồ gỗ, thủy sản, dệt may, da giày… Các cuộc điều tra xác định liệu các sản phẩm này có được trợ cấp từ chính phủ hay bán với giá thấp hơn giá trị thực tế, gây thiệt hại cho ngành sản xuất Mỹ hay không. Bên cạnh đó, Mỹ cũng siết chặt các quy định nhằm ngăn chặn hành vi chuyển tải, gian lận nguồn gốc xuất xứ để hưởng lợi.
Bên cạnh các vụ việc điều tra, Mỹ cũng yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe đối với các sản phẩm nông sản, thủy sản nhập khẩu. Mỹ cũng thay đổi quy trình rà soát hàng năm theo hướng tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại, tạo ra áp lực lớn hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Trước những thách thức ngày càng gia tăng từ các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ, giới chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần triển khai các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu rủi ro và duy trì vị thế cạnh tranh. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Mỹ là điều kiện tiên quyết, bao gồm minh bạch hóa quy trình sản xuất và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng nhằm đáp ứng các yêu cầu pháp lý, đồng thời tăng niềm tin từ phía đối tác và khách hàng. Các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn nguyên liệu đầu vào để giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất và hạn chế tác động tiêu cực từ các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản và thực phẩm, cần đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, bảo vệ thực vật và môi trường. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng và hiệp hội ngành hàng để nắm bắt kịp thời các thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ, từ đó xây dựng chiến lược ứng phó hiệu quả.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và các biện pháp ứng phó phù hợp, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những rào cản thương mại từ phía Mỹ, duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường này. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực mà còn thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường toàn cầu.