Quan hệ Mỹ - Ấn thời chính quyền Donald Trump 2.0

Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, Mỹ kỳ vọng tiếp tục củng cố quan hệ an ninh và quốc phòng với Ấn Độ. Với vai trò quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ trở thành trọng tâm trong chiến lược của chính quyền mới của Mỹ nhằm ứng phó với những biến động phức tạp, khó lường. Song song với đó, hai quốc gia cũng đang tích cực mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế đến công nghệ, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho một mối quan hệ đối tác lâu dài và toàn diện.

 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Donald Trump gặp nhau lần đầu tiên tại Nhà Trắng vào tháng 6.2017. Ảnh: Kevin Lamarque/Reuters

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Donald Trump gặp nhau lần đầu tiên tại Nhà Trắng vào tháng 6.2017. Ảnh: Kevin Lamarque/Reuters

Phong cách chính trị của Tổng thống đắc cử Donald Trump, thường được xem là khó đoán, thực dụng và đôi khi hơi thô lỗ, có thể khiến Ấn Độ vừa kỳ vọng, vừa thận trọng trong mối quan hệ song phương những năm tới. Tuy nhiên, triển vọng mở rộng quan hệ hai nước vẫn khả quan nhờ sự ủng hộ lưỡng đảng tại Mỹ và mối quan hệ thân thiết giữa cá nhân ông Donald Trump và Thủ tướng Narendra Modi. Chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp tới đối với Ấn Độ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì các yếu tố cốt lõi từ nhiệm kỳ đầu, đồng thời điều chỉnh để thích ứng với những thay đổi trong bối cảnh toàn cầu.

Thúc đẩy hợp tác chiến lược và quốc phòng

Ấn Độ xem chiến lược của Mỹ dưới thời Donald Trump 2.0 đối với những biến động phức tạp trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như mẫu số chung quan trọng trong quan hệ song phương. Thực tế trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Mỹ đã chuyển trọng tâm từ “châu Á - Thái Bình Dương” sang “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, khẳng định vai trò then chốt của Ấn Độ. Một số bước đi đáng chú ý đã được thực hiện, bao gồm việc thực hiện một số thay đổi cơ bản trong tổ chức quốc phòng và an ninh của Mỹ như đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2018.

Chính quyền Donald Trump cũng đã thực hiện các thay đổi cấu trúc trong Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng, phân chia các đồng minh và đối tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành các đơn vị tập trung riêng. Kế hoạch “Trump 2.0” đang đặt trọng tâm vào việc xây dựng một thế trận an ninh mạnh mẽ hơn, nhằm thắt chặt quan hệ quốc phòng với các quốc gia “cùng chí hướng”. Ấn Độ, với vai trò là đối tác then chốt, đóng vai trò trụ cột trong nỗ lực thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên luật lệ và ổn định.

Ngoài ra, các thỏa thuận quốc phòng như Hiệp ước An ninh và tương thích liên lạc (COMCASA) và Thỏa thuận Hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA), Bản ghi nhớ thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA) hay Thỏa thuận chung về bảo mật thông tin quân sự (GSOMIA) đã thúc đẩy hợp tác quân sự và chia sẻ thông tin tình báo giữa hai bên. Mỹ cũng hỗ trợ Ấn Độ tăng cường hiện diện hải quân tại Ấn Độ Dương.

Theo giới quan sát, trong nhiệm kỳ 2 của ông Donald Trump, những sáng kiến này được kỳ vọng sẽ tiếp tục, với trọng tâm là hợp tác công nghệ trong các lĩnh vực quan trọng như không gian, an ninh mạng và quốc phòng. Kim ngạch thương mại quốc phòng giữa hai nước, đã vượt mốc 20 tỷ USD trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, dự kiến sẽ tiếp tục tăng với các hợp đồng mua sắm vũ khí tiên tiến. Các sáng kiến hiện tại, như Sáng kiến Mỹ - Ấn về công nghệ quan trọng và mới nổi, sẽ phù hợp với chiến lược của ông Trump nhằm củng cố và duy trì ưu thế công nghệ toàn cầu.

Vai trò của Ấn Độ trong Nhóm Bộ tứ và hơn thế nữa

Với ông Donald Trump, sự tham gia của Ấn Độ trong Đối thoại An ninh tứ giác (hay Nhóm Bộ tứ) cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia đóng vai trò trung tâm, là những mỏ neo chiến lược quan trọng trong việc bảo đảm ổn định trên khắp Đại Tây dương. Bên cạnh đó, Washington cũng tích cực tham gia vào khu vực thông qua nhóm “Biệt đội” khu vực mới nổi (SQUAD - Mỹ, Australia, Nhật Bản và Philippines) mới thành lập. Chính quyền Trump coi đây là cơ chế đối phó với sự ảnh hưởng của các nước lớn trong khu vực trên các lĩnh vực chiến lược và kinh tế.

Tuy nhiên, ưu tiên của ông Donald Trump đối với các quan hệ song phương thay vì khung hợp tác đa phương có thể hạn chế việc thiết lập các mối quan hệ sâu rộng hơn về mặt thể chế. Trong khi đó, Ấn Độ, cùng với những nước Nhật Bản và Australia tiếp tục ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao trùm.

Cơ hội và thách thức trong thương mại

Mặc dù có những tiến triển trong lĩnh vực quốc phòng, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ gặp không ít trở ngại trong nhiệm kỳ đầu của ông Donald Trump. Các mức thuế của Mỹ đối với thép và nhôm từ Ấn Độ từng gây căng thẳng, khiến Ấn Độ áp đặt các biện pháp trả đũa. Việc Mỹ chấm dứt chế độ thương mại đặc biệt đối với Ấn Độ theo chương trình Hệ thống Ưu đãi chung (GSP) đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu trị giá 6 tỷ USD. Các chính sách nhập cư hạn chế ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ, vốn đóng góp 150 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ. Trong nhiệm kỳ Donald Trump 2.0, những vấn đề này có thể được tái khởi động. Tuy nhiên, các chính sách mới như việc loại bỏ giới hạn quốc gia cho visa H-1B có thể mang lại lợi ích lớn cho lực lượng lao động tay nghề cao từ Ấn Độ…

Cuối tháng 12, trong chuyến công tác cuối cùng của năm 2024, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, S. Jaishankar, đã gặp ông Michael Waltz, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử làm Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ. Ông Waltz là người ủng hộ mạnh mẽ quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ, đồng chủ trì Nhóm nghị sĩ Mỹ - Ấn và từng tích cực thúc đẩy các dự luật quan trọng liên quan đến Ấn Độ.

Với vị trí địa lý và năng lực ngày càng gia tăng, Ấn Độ đóng vai trò trọng yếu trong các nỗ lực của Mỹ nhằm bảo đảm tự do hàng hải và thúc đẩy kết nối khu vực. Tuy nhiên, chính sách tự chủ chiến lược của New Delhi có thể bị thử thách nếu Washington yêu cầu chia sẻ gánh nặng an ninh lớn hơn.

Nhìn tổng thể, Ấn Độ kỳ vọng tận dụng sự hỗ trợ từ đất nước cờ hoa để hiện đại hóa quốc phòng, đồng thời duy trì sự linh hoạt trong các mối quan hệ với các cường quốc khác như Nga. Sự cân bằng này sẽ là trọng tâm trong chiến lược ngoại giao của Ấn Độ dưới thời Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ hai. Những nhân vật chủ chốt như ông Michael Waltz, hay ông Sriram Krishnan, cố vấn cấp cao về trí tuệ nhân tạo và là người gốc Ấn, là minh chứng cho cam kết của Mỹ trong việc thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích quốc tế, chiến lược ngoại giao của Ấn Độ cần phải cân bằng giữa lợi ích kinh tế và sự duy trì quyền tự chủ chiến lược, cũng như an ninh khu vực. Chính quyền Donald Trump 2.0 sẽ yêu cầu cách tiếp cận thực dụng, tận dụng vị trí chiến lược quan trọng của Ấn Độ, đồng thời đáp ứng các yêu cầu có tính qua lại từ phía Mỹ.

Linh Anh (Theo EAF)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quan-he-my-an-thoi-chinh-quyen-donald-trump-20-post401288.html
Zalo