Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ, cùng Nhân dân ta nhất tề đứng lên, quyết chiến đấu với quân xâm lược.

Cuối năm 1946, theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước chia thành 12 chiến khu. Lúc này, ở Nam Bộ vẫn tổ chức các chi đội Vệ quốc đoàn, ở Bắc Bộ và Trung Bộ có 30 trung đoàn và một số tiểu đoàn thuộc các chiến khu; hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội được thành lập từ Trung ương Quân ủy đến chi bộ.

Đêm 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, quân và dân ta đã đánh hàng trăm trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Mùa xuân năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc, nơi đây trở thành trung tâm chỉ đạo kháng chiến của cả nước.

 Lễ thành lập Đại đoàn 308 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 28/8/1949. Ảnh tư liệu

Lễ thành lập Đại đoàn 308 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 28/8/1949. Ảnh tư liệu

Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp huy động hơn một vạn quân tinh nhuệ có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, bất ngờ tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta. Sau hơn hai tháng mở chiến dịch phản công (7/10 - 20/12/1947), ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.000 tên địch, làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa của cả nước.

Sau Chiến dịch Việt Bắc năm 1947, Quân đội ta đã có bước trưởng thành, song chưa có khả năng mở những chiến dịch lớn. Để đánh bại âm mưu bình định của địch, ta chủ trương phát động chiến tranh du kích rộng khắp và thực hiện “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, vừa đẩy mạnh chiến tranh du kích vừa học tập tác chiến tập trung vận động chiến. Từ đầu năm 1948 đến giữa năm 1950, bộ đội ta liên tiếp mở trên 20 chiến dịch nhỏ trên các chiến trường. Mức độ tập trung cho mỗi chiến dịch từ 3 đến 5 tiểu đoàn, sau nâng dần lên 2 đến 3 trung đoàn, có chiến dịch sử dụng cả sơn pháo và trọng liên.

Từ giữa năm 1949, Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương rút các đại đội độc lập về xây dựng các trung đoàn, đại đoàn chủ lực. Ngày 28/8/1949, Đại đoàn 308 ra đời; ngày 10/3/1950, Đại đoàn 304 được thành lập. Công tác huấn luyện được đẩy mạnh. Qua các cuộc vận động “luyện quân lập công”, “rèn cán chỉnh quân” trong các năm 1948, 1949 và đầu năm 1950, lực lượng vũ trang ta không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh.

Tháng 6/1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, chủ động tấn công Pháp. Sau gần một tháng (16/9 - 14/10/1950), ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên địch, giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố, phá vỡ thế bao vây, khai thông liên lạc với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, kết nối cách mạng nước ta với cách mạng thế giới. Chiến thắng Biên giới góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh: Ta bước sang giai đoạn chiến lược phản công và tiến công, quân Pháp chuyển dần sang chiến lược phòng ngự; đồng thời đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về nghệ thuật chiến dịch và sự trưởng thành lớn mạnh của Quân đội ta.

 Các đơn vị Vệ quốc đoàn rời Hà Nội vào Nam chiến đấu. Ảnh tư liệu

Các đơn vị Vệ quốc đoàn rời Hà Nội vào Nam chiến đấu. Ảnh tư liệu

Sau Chiến dịch Biên giới, các đại đoàn chủ lực tiếp tục được thành lập, gồm: Đại đoàn 312 (12/1950), Đại đoàn 320 (1/1951), Đại đoàn công pháo 351 (3/1951), Đại đoàn 316 (5/1951). Trong vòng 6 tháng (12/1950 - 6/1951), ta đã liên tiếp mở 3 chiến dịch mang tên: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung. Đây là những chiến dịch quy mô lớn đầu tiên đánh vào phòng tuyến kiên cố của địch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Ta đã diệt hơn một vạn tên địch, trong đó gần một nửa là quân cơ động.

Tháng 11/1951, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình. Chiến dịch diễn ra từ ngày 10/12/1951 đến ngày 25/2/1952; quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch ở mặt trận Hòa Bình và hơn 15.000 tên địch ở mặt trận địch hậu. Trong chiến dịch này, bộ đội ta có bước tiến bộ mới về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày, về sự phối hợp tác chiến giữa ba thứ quân.

Đầu tháng 9/1952, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc. Sau gần hai tháng chiến đấu (14/10 - 10/12/1952), ta đã tiêu diệt và bắt hơn 6.000 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng, nối thông vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào, giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của địch.

Ngày 5/12/1952, tại Bình - Trị - Thiên, Đại đoàn 325 được thành lập, góp phần tăng thêm sức mạnh chiến đấu của “các quả đấm chủ lực cách mạng”. Tính đến thời điểm này, đội quân chủ lực trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh đã có 6 đại đoàn bộ binh (308, 304, 312, 320, 316, 325) và 1 đại đoàn công binh, pháo binh (351).

Trước những thay đổi cục diện chiến tranh ở Đông Dương, trên cơ sở đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, tháng 9/1953, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Thực hiện chủ trương đó, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị chủ lực phối hợp mở đợt tiến công mạnh mẽ trên các chiến trường. Ta đã hình thành 5 đòn tiến công chiến lược tại Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên và Thượng Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, buộc chúng phải căng ra đối phó ở khắp nơi.

 Đoàn xe đạp thồ chở lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Ảnh tư liệu

Đoàn xe đạp thồ chở lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Ảnh tư liệu

Sau khi thực dân Pháp đổ quân đánh chiếm Điện Biên Phủ, trước thời cơ thuận lợi, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm (13/3 - 7/5/1954) liên tục chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay; thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch ở Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp; đồng thời là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Quân đội ta sau 10 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang (1944 - 1954).

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/quan-doi-nhan-dan-viet-nam-trong-cuoc-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-xam-luoc-1945-1954-post394298.html
Zalo