Quan điểm của hai ứng viên Tổng thống Mỹ về quan hệ với châu Âu

Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/10, khi sắp tới ngày bầu cử Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu đang lo ngại về những tác động có thể xảy ra đối với lục địa này.

Ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump (trái) và ứng viên của đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc tranh luận trực tiếp tại Philadelphia. Ảnh: THX/TTXVN

Ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump (trái) và ứng viên của đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc tranh luận trực tiếp tại Philadelphia. Ảnh: THX/TTXVN

Một số chuyên gia cảnh báo rằng chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump hay Kamala Harris của đảng Dân chủ sẽ mở ra những con đường hoàn toàn khác nhau không chỉ đối với ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ mà còn đối với chính sách an ninh của EU, hợp tác trong NATO và các chiến lược kinh tế trước tình hình căng thẳng toàn cầu gia tăng.

Giuseppe Spatafora, nhà phân tích về quan hệ xuyên Đại Tây Dương và EU-NATO tại Viện Nghiên cứu An ninh EU (EUISS), nhấn mạnh tác động tiềm tàng của cuộc bầu cử "không chỉ đối với định hướng của Mỹ trong nước mà còn đối với vai trò của nước này trên trường quốc tế".

"Mỗi ứng cử viên đều đưa ra một con đường khác nhau và điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến chính sách đối ngoại của Mỹ mà còn đến an ninh và vị thế kinh tế của EU trong một thế giới phức tạp", ông Spatafora nói thêm.

Trung Quốc và Ukraine

Bất chấp những khác biệt về ý thức hệ, cả hai ứng cử viên đều ưu tiên chống ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Đây là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại đang phát triển của Mỹ có thể tác động đến bối cảnh kinh tế và chiến lược của châu Âu.

"Có những lĩnh vực mà ông Trump và bà Harris có điểm chung, đặc biệt là về Trung Quốc, được coi là thách thức chính đối với Mỹ. Cả hai ứng cử viên đều nhận ra tầm quan trọng của việc đưa các ngành chiến lược trở lại Mỹ, một động thái nhằm thúc đẩy lực lượng lao động của nước này và củng cố an ninh quốc gia", chuyên gia Spatafora giải thích.

Tuy nhiên, về cuộc xung đột ở Ukraine, họ lại có sự khác biệt đáng kể. Quan điểm của ông Trump là muốn chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột, làm dấy lên khả năng đàm phán với Nga. "Ông Trump đã tuyên bố sẽ chấm dứt giao tranh càng sớm càng tốt, có thể bằng cách tiếp cận Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngược lại, bà Harris đã thể hiện rõ sự ủng hộ của mình đối với Ukraine, thể hiện lập trường của bà phù hợp với chính quyền của Tổng thống Biden và sự ủng hộ liên tục với Tổng thống Zelensky", ông Spatafora nêu quan điểm.

Ông Spatafora nói thêm, một số cuộc tranh luận lâu nay về viện trợ của Mỹ cho Ukraine, hay hạn chế khả năng tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga của Kiev, hoặc việc Ukraine gia nhập NATO, có thể vẫn là vấn đề trong trường hợp bà Harris lên nắm quyền.

Chính sách năng lượng và an ninh

Quan điểm về chính sách năng lượng của hai ứng cử viên cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến những nỗ lực về khí hậu của châu Âu. Ông Trump ủng hộ tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch, trong khi bà Harris có xu hướng ủng hộ năng lượng tái tạo và các sáng kiến về khí hậu. Điều này có thể tạo ra sự bất đồng và làm suy yếu mối quan hệ tập trung vào khí hậu giữa Mỹ và EU.

An ninh của châu Âu cũng sẽ phụ thuộc vào việc ai giành chiến thắng. Mặc dù cả hai ứng cử viên đều công nhận vai trò của NATO, nhưng cách tiếp cận lại khác nhau. Ông Trump có xu hướng coi NATO như "gánh nặng" và yêu cầu các đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng, trong khi bà Harris có thể sẽ duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với liên minh này.

Điều này có thể thúc đẩy EU phải tự chủ về an ninh nhiều hơn, khi họ nhận thức rằng Mỹ có thể thu hẹp cam kết của mình với an ninh châu Âu. Các quốc gia thành viên đã tăng ngân sách quốc phòng và đẩy mạnh xây dựng năng lực quân sự tự chủ. Tuy nhiên, họ vẫn thừa nhận mối quan hệ đối tác với Mỹ là điều cần thiết.

Ngoài ra, cả ông Trump và bà Harris đều muốn duy trì "xoay trục" sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với mục tiêu cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Điều này có thể buộc châu Âu phải gánh vác gánh nặng lớn hơn tại khu vực lân cận và thúc đẩy EU hướng tới độc lập về an ninh.

Tóm lại, bất kể ai trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng, châu Âu cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Họ sẽ phải nỗ lực duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và đảm bảo an ninh, đồng thời tìm cách ứng phó với những ưu tiên an ninh mới của Mỹ tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/quan-diem-cua-hai-ung-vien-tong-thong-my-ve-quan-he-voi-chau-au-20241030220854561.htm
Zalo