Ả-rập Xê-út tổ chức cuộc họp đầu tiên về thúc đẩy thành lập Nhà nước Palestine
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, ngày 30/10, Ả-rập Xê-út đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của Liên minh Toàn cầu Thực thi Giải pháp Hai Nhà nước (GAITTS) tại Riyadh nhằm thúc đẩy thành lập Nhà nước Palestine.
Theo hãng thông tấn SPA của Ả-rập Xê-út, trong phát biểu khai mạc sự kiện, Ngoại trưởng nước chủ nhà, Hoàng tử Faisal bin Farhan bin Abdullah nhấn mạnh rằng tình trạng bạo lực leo thang trong khu vực và việc tiếp diễn các hành động quân sự của Israel đối với Palestine và Libăng “đòi hỏi phải có phản ứng cứng rắn từ cộng đồng quốc tế”.
Ông tái khẳng định lập trường của Ả-rập Xê-út trong việc ủng hộ nền độc lập của Palestine và “quyền của người dân Palestine được tự quyết định số phận của mình và chấm dứt sự chiếm đóng”. Ông kêu gọi tăng cường các nỗ lực quốc tế để thúc đẩy việc thực hiện giải pháp hai nhà nước, khôi phục an ninh và ổn định trong khu vực.
Bên cạnh đó, nhấn mạnh nhu cầu ngừng bắn ngay lập tức, thả con tin và người bị giam giữ, cũng như chấm dứt tình trạng miễn trừ thông qua các cơ chế giải trình và tiêu chuẩn kép đối với Israel, đồng thời đảm bảo cung cấp viện trợ nhân đạo mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Ông cũng nhắc lại sự ủng hộ của Ả-rập Xê-út đối với vai trò quan trọng của Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân.
Ngoài ra, ông giải thích thêm cuộc họp của GAITTS là bước đầu tiên trong nhiều bước, với sự tham gia của 90 quốc gia. Thông qua diễn đàn này, Ả-rập Xê-út sẽ tìm cách huy động dư luận quốc tế chống lại các hành động gây hấn của Israel chống lại người dân Palestine.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út Faisal bin Farhan cũng kêu gọi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Ả-rập - Hồi giáo vào 11/11 tới để thảo luận các hành động quân sự hiện nay của Israel đối với Dải Gaza và Libăng.
Ông mô tả tình hình hiện nay ở Gaza là thảm khốc do sự phong tỏa của Israel, do đó kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại vùng lãnh thổ ven Địa Trung Hải này. Ông khẳng định việc thiết lập một lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến ở Gaza và thành lập một nhà nước Palestine độc lập là một điều kiện để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ với Israel.
Về phần mình, người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini phản đối việc Quốc hội Israel “bỏ phiếu thông qua luật cấm UNRWA hoạt động tại Israel và khu vực Đông Jerusalem, gọi đây là hành động “vô lý và tạo ra tiền lệ nguy hiểm”.
Mô tả hành động của Israel là một mưu toan đơn phương thay đổi các thông số lâu đời cho giải pháp hòa bình trong cuộc xung đột Israel - Palestine, ông Lazzarini cảnh báo về những tác động của luật này đối với sự ổn định khu vực và hòa bình và an ninh quốc tế.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn chính thức WAFA, Văn phòng Tổng thống Palestine đánh giá cao những nỗ lực của Riyadh trong việc tổ chức cuộc họp, đồng thời cảm ơn tất cả các quốc gia thân thiện và đồng minh tham gia sự kiện.
Trong năm qua, liên minh này đã nỗ lực tập hợp sự ủng hộ của quốc tế để công nhận Nhà nước Palestine, ủng hộ tư cách thành viên đầy đủ của Palestine tại LHQ, thúc đẩy lệnh ngừng bắn, cung cấp viện trợ nhân đạo và đảm bảo lực lượng Israel rút khỏi Dải Gaza.
Theo kênh tin tức chính thức Al-Ekhbariya của Ả-rập Xê-út, cuộc họp kéo dài hai ngày từ ngày 30/10, bắt đầu bằng việc Riyadh khẳng định rằng đây là một bước tiến tới chấm dứt cuộc khủng hoảng Palestine.
Cùng ngày 30/10, Hội đồng Bảo an LHQ khẳng định Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) "vẫn là trụ cột của mọi hoạt động nhân đạo ở Gaza" và không tổ chức nào có thể thay thế vai trò của cơ quan này.
Hội đồng Bảo an LHQ cũng cảnh báo rằng bất kỳ sự gián đoạn hoặc đình chỉ hoạt động nào của UNRWA sẽ gây ra những hậu quả nhân đạo nghiêm trọng đối với người tị nạn Palestine và những tác động đối với khu vực.
Trong thông cáo báo chí, các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ nhấn mạnh vai trò quan trọng của UNRWA trong việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo nhằm giúp đỡ người tị nạn Palestine thông qua các chương trình giáo dục, y tế, cứu trợ và dịch vụ xã hội thiết yếu cũng như triển khai hoạt động hỗ trợ khẩn cấp tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, Jordan, Libăng và Syria.
Hội đồng Bảo an LHQ nhấn mạnh rằng không tổ chức nào có thể thay thế UNRWA hoặc có đủ năng lực hay nhiệm vụ như tổ chức này trong việc hỗ trợ những người tị nạn và dân thường Palestine đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm bãi bỏ hoặc giảm bớt các hoạt động và nhiệm vụ của UNRWA, cho rằng bất kỳ sự gián đoạn hoặc đình chỉ công việc nào của UNRWA sẽ gây ra hậu quả nhân đạo nghiêm trọng cho hàng triệu người tị nạn Palestine và cũng ảnh hưởng đến cả khu vực.
Các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với các đạo luật vừa được Quốc hội Israel thông qua và kêu gọi Chính phủ Israel tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của nước này, tôn trọng các đặc quyền và quyền miễn trừ của UNRWA và thực hiện trách nhiệm của nước này trong việc cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhân đạo mà không gây cản trở dưới mọi hình thức khi tiếp cận cũng như trên toàn bộ Dải Gaza.
Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu tất cả các bên liên quan tạo điều kiện để UNRWA thực hiện nhiệm vụ của cơ quan này trong mọi lĩnh vực hoạt động, với sự tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc cơ bản đồng thời tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, bao gồm cả việc bảo vệ các cơ sở của LHQ.
Các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi tất cả các bên thực hiện các biện pháp cần thiết để cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động viện trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)