Quán cơm tấm được đầu bếp nổi tiếng thế giới ghé thăm 11 năm trước giờ ra sao?

11 năm trước, quán cơm tấm của bà Lan được đầu bếp nổi tiếng thế giới ghé thăm và giới thiệu trong chương trình Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan.

Một thời quang gánh cơm tấm

Quán cơm tấm số 1 của bà Nguyễn Thị Lan (70 tuổi) đã tồn tại hơn 60 năm, nằm lọt thỏm trong con hẻm 150/1 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM.

Bà Lan là thế hệ thứ hai sau mẹ của mình giữ nghề bán cơm tấm. Mẹ bà Lan sinh ra ở Long Xuyên (An Giang), sau đó lấy chồng, về Sài Gòn (nay là TPHCM) mưu sinh.

“Long Xuyên có đặc sản cơm tấm. Mẹ tôi là dân Long Xuyên chánh gốc nên nấu cơm tấm, bì chả rất ngon. Năm 1963, cuộc sống khó khăn, cha không có nhà, mẹ tôi đành bán thử cơm tấm.

Không ngờ, món cơm tấm bì chả của bà được nhiều người yêu thích, trong đó có cả người nổi tiếng”, bà Lan cho biết.

Những năm đó, con hẻm trước nhà bà Lan còn là đường đất. Nhà cửa xung quanh thưa thớt, lợp mái ngói, liêu xiêu.

Mẹ bà Lan đặt đôi quang gánh cơm tấm trước nhà, xếp thêm vài chiếc ghế con cũ kỹ. Thời đó, cơm tấm chỉ ăn kèm với bì chả, chứ không đủ món như bây giờ. Tuy vậy, gánh cơm tấm của mẹ bà chẳng mấy chốc nổi tiếng, nhiều thực khách tìm đến.

Bà Lan nhớ về những ngày đầu mẹ đặt đôi quang gánh, bán cơm tấm trước nhà. Ảnh: Ngọc Lài

Bà Lan nhớ về những ngày đầu mẹ đặt đôi quang gánh, bán cơm tấm trước nhà. Ảnh: Ngọc Lài

“Thời đó, Sài Gòn không có nhiều chỗ bán cơm tấm. Gánh cơm của mẹ tôi nằm ở khu trung tâm, gần các nhà in, tòa soạn, rạp hát, quán cà phê. Bởi vậy, các văn nghệ sĩ, nhà báo… thuận tiện ghé vào ăn.

Ăn quen thấy ngon, họ đến ủng hộ thường xuyên. Nghệ sĩ Thành Được, Phượng Liên, cha mẹ nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng và các nghệ sĩ nổi danh thời đó cũng ăn cơm tấm của mẹ tôi”, bà Lan tự hào.

Lúc đó, bà Lan khoảng 9 tuổi, chạy lăng xăng phụ mẹ bưng cơm, rửa chén. Ngoài làm việc vặt, bà còn tranh thủ thuộc nằm lòng các bí quyết nấu cơm tấm của mẹ.

Bà được mẹ chỉ cách nấu nước mắm ăn kèm sao cho đủ vị, màu cánh gián bắt mắt. Cách làm đồ chua, mỡ hành cũng thật riêng biệt.

Đến những năm 1980, bà Lan bắt đầu tập tành bán thêm các món ăn kèm như: Xíu mại, trứng kho, sườn nướng… Món cơm tấm Long Xuyên dần “mất gốc” thành cơm tấm Sài Gòn.

Dù các món ăn kèm sau này được chế biến ngon miệng nhưng vẫn không qua được bì, chả gia truyền của quán. Bì, chả là 2 món ăn kèm mà bà Lan phải tự tay làm mới cảm thấy an tâm.

Hàng ngày, bà Lan loay hoay một mình cắt nhuyễn mấy ký da heo, thịt nạc thành sợi để làm bì. Bà còn bào củ cải làm đồ chua, tự làm chả, bằm thịt làm xíu mại…

Đặc biệt, bà Lan nấu cơm chín trực tiếp trên bếp, không dùng nồi hấp. Cách nấu này tốn nhiều gạo, hao cơm cháy. Tuy nhiên, hạt cơm không bị nong nước và nhạt như cơm hấp.

Với khối lượng công việc khổng lồ, bà Lan phải thức dậy từ 3h sáng và làm hì hục cho đến tận xế chiều.

Dù có nhiều thực khách là người nổi tiếng, nhưng bà bài trí không gian bên trong quán tối giản, bình dân. Hôm PV đến thăm, quán có một số nghệ sĩ đến ăn cơm trưa, trong đó có nghệ sĩ Quốc Thảo là khách quen của quán.

Ban đầu, quán cơm tấm chỉ có 2 món bì, chả, về sau có thêm trứng kho, gà ram... Ảnh: Ngọc Lài

Ban đầu, quán cơm tấm chỉ có 2 món bì, chả, về sau có thêm trứng kho, gà ram... Ảnh: Ngọc Lài

Xuất ngoại thăm con cháu

Ông Martin Yan đến dùng cơm tại quán. Ảnh: Martin Yan - Taste of Vietnam

Ông Martin Yan đến dùng cơm tại quán. Ảnh: Martin Yan - Taste of Vietnam

Năm 2013, quán cơm tấm số 1 của gia đình bà Lan được ông Martin Yan - đầu bếp nổi tiếng với chương trình nấu ăn Yan Can Cook, chọn giới thiệu trong chương trình Martin Yan - Taste of Vietnam (Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan).

Bà Lan kể, trước ngày ông Yan ghé thăm quán, một nữ nhân viên ở đài truyền hình đến xin phép. Dù không biết ông Yan là ai, bà vẫn vui vẻ chào đón đến quán ghi hình.

Bà Lan tỉ mỉ trong các khâu chế biến thức ăn. Ảnh: Ngọc Lài

Bà Lan tỉ mỉ trong các khâu chế biến thức ăn. Ảnh: Ngọc Lài

Sáng hôm sau, ông Yan cùng một đoàn khoảng 40 người đến thăm quán cơm. Nhóm người nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh và tiếng Quảng Đông (Trung Quốc).

Nhờ biết chút ít tiếng Quảng Đông, bà Lan hào hứng trò chuyện cùng ông Yan. Lúc này, bà mới đoán “chắc ông Yan là người nổi tiếng”.

Bà Lan rất thích tính cách hài hước, vui tươi của ông Yan. Bản thân vốn ham vui, cho nên cuộc gặp gỡ này là kỷ niệm vô cùng thú vị đối với bà.

Sau đó, quán cơm tấm số 1 của bà Lan đã được giới thiệu trong tập 3 của chương trình Martin Yan - Taste of Vietnam. Đầu bếp Martin Yan khen ngợi món cơm tấm tuyệt vời và vui vẻ thưởng thức cùng với các thực khách TPHCM.

Bà Lan rất hãnh diện mỗi lần xem lại những hình ảnh ông Yan ghé thăm. Bà còn in các bài viết liên quan treo trên tường của quán.

Bà trân trọng ông Yan cũng như bao thực khách của quán. Bởi vậy, quán cơm có những người khách đặc biệt, gắn bó hàng chục năm, ăn từ đời cha sang đời con. Nhiều người ra nước ngoài định cư, mỗi khi về thăm quê đều ghé quán ăn cơm tấm.

Anh Hải Nguyễn sinh sống ở Mỹ hơn 10 năm. Mỗi lần về quê, anh đều tranh thủ ghé quán cơm tấm số 1 dùng bữa.

"Tôi đi khá lâu nhưng lần nào ghé quán, cô Lan vẫn nhớ tôi ăn món gì. Món chả ở đây do chủ quán tự làm, tôi thấy đẹp mắt và có vị đặc trưng", anh Hải chia sẻ.

Nhờ quán cơm, bà Lan túc tắc buôn bán mà nuôi con cái học hành thành tài. Khi chồng và con cháu sang Úc du học và định cư, bà vẫn chọn ở lại quê nhà.

Bà Lan đứng bếp từ 3h đến xế chiều. Ảnh: Ngọc Lài

Bà Lan đứng bếp từ 3h đến xế chiều. Ảnh: Ngọc Lài

Mỗi năm, bà dành khoảng 3 - 6 tháng để qua Úc thăm con cháu. Vì vậy, bà thường bán từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau.

Khoảng tháng 4/2024, con gái đã í ới mong bà Lan sang sớm. Cuối tháng 5/2024, bà treo bảng tạm nghỉ đến tháng 9/2024.

“Tôi treo bảng nghỉ 3 tháng, nhưng con cháu lúc nào cũng muốn mình ở thêm. Tôi nhớ nhà, nhớ quán cơm tấm nằng nặc đòi về. Nhưng, con cháu không mua vé máy bay thì biết về kiểu gì”, bà Lan kể.

Đợt dịch Covid-19, bà Lan bị mắc kẹt ở Úc 3 năm. Bà phải tìm đủ việc để làm cho đỡ nhớ quán. Bà lau nhà, giặt đồ, nấu cơm, làm bánh…

Năm nay, bà Lan treo bảng thông báo nghỉ từ ngày 26/5. Ảnh: Ngọc Lài

Năm nay, bà Lan treo bảng thông báo nghỉ từ ngày 26/5. Ảnh: Ngọc Lài

"Mỗi năm, tôi nghỉ bán từ 3-6 tháng nhưng khách vẫn không quên. Quán có lượng khách quen, nghiện món cơm tấm nên không sợ ế", bà Lan tâm sự.

Bà Đặng Kim Loan (61 tuổi, quận 1) cho biết, bà ăn cơm ở tiệm của bà Lan lâu năm, thấy vừa miệng. Mấy tháng quán đóng cửa, bà ăn quán khác không thấy ngon.

Thế nên, bà Loan nói với chủ quán: "Chị đi tranh thủ về sớm, chúng tôi chờ ăn cơm chị nấu. Chị nghỉ lâu quá là tôi giận đó".

Nghe khách căn dặn, bà Lan mỉm cười và gật đầu liên tục. Với bà, đó là sự may mắn và hạnh phúc sau hơn 60 năm buôn bán.

Ngọc Lài

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quan-com-tam-duoc-dau-bep-noi-tieng-the-gioi-ghe-tham-11-nam-truoc-gio-ra-sao-2301781.html
Zalo